THÁI NGUYÊN Nằm trên dải đồi phía đông bao quanh hồ Núi Cốc, nông trại trà trung du Thu Luân có vị trí và điều kiện canh tác thuận lợi để chuyển đổi sản xuất hữu cơ.
THÁI NGUYÊN Nằm trên dải đồi phía đông bao quanh hồ Núi Cốc, nông trại trà trung du Thu Luân có vị trí và điều kiện canh tác thuận lợi để chuyển đổi sản xuất hữu cơ.
Đồi chè của nông trại trà trung du Thu Luân nằm trên dải đồi phía đông bao quanh hồ Núi Cốc tại xóm Khuân Năm, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên. Nơi đây có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để canh tác chè hữu cơ nhờ nguồn nước sạch và khí hậu ôn hòa quanh năm.
Với định hướng “muốn có chè ngon thì đầu tiên giống phải tốt”, trước khi bắt tay vào làm chè theo hướng hữu cơ, nông trại trà trung du Thu Luân đã dày công tìm kiếm và lựa chọn giống chè trung du cổ chất lượng cao.
Theo ông Đặng Văn Luân (chủ nông trại), giống chè trung du cổ là yếu tố căn cốt làm nên thương hiệu chè Tân Cương. Dù diện tích trồng chè lai ngày càng mở rộng nhờ năng suất cao nhưng chè trung du vẫn giữ được vị trí đặc biệt trong giới sành trà.
“3 năm trước, được sự hỗ trợ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Thái Nguyên, chúng tôi đã lựa chọn giống chè trung du cổ từ Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc tại Phú Thọ. Giống chè trung du cổ ở nơi đây có hương vị đặc trưng và giá trị lịch sử, thể hiện bản sắc văn hóa, nghệ thuật trà của vùng chè Tân Cương nói riêng và Thái Nguyên nói chung”, ông Luân chia sẻ.
Nông trại trà trung du Thu Luân rộng 2,5ha, được canh tác theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
“Để cung cấp dinh dưỡng cho nương chè, nông trại sử dụng các loại phân hữu cơ được ủ từ phân chuồng và men vi sinh kết hợp với các chế phẩm thảo mộc phòng trừ sâu bệnh. Do đó, toàn bộ diện tích chè nông trại sinh trưởng tốt, cây khỏe, ít bị sâu bệnh hại, đất tơi xốp, búp ra đều” ông Luân cho hay.
Để hoàn thiện quy trình sản xuất chè theo hướng hữu cơ, nông trại thực hiện nhổ cỏ thủ công bằng tay và kéo. Trong trường hợp phát sinh sâu, bệnh hại, cơ sở sản xuất sẽ thông báo tới Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố Thái Nguyên để có hướng xử lý an toàn, tránh sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Thực tế cho thấy, khi tuân thủ đúng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ và kiên trì theo đuổi thì sang lứa thứ 3, năng suất, sản lượng chè không thua kém chè canh tác thông thường. Do đó, nông trại trà trung du Thu Luân không vội vàng mở rộng diện tích mà tập trung chủ yếu vào chất lượng nương chè đang canh tác.
Chia sẻ về định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ của địa phương, bà Đào Thị Kim Quý, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Thái Nguyên cho biết: "Ngoài hướng dẫn kỹ thuật, quy trình sản xuất, chúng tôi rất chú trọng hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở sản xuất, HTX trên địa bàn Thành phố. Hướng tới xây dựng chuỗi liên kết, đảm bảo từ khâu đầu vào (giống, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật…) tới quy trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm mang tính ổn định cao".
Với vị trí địa lý nằm trên dải đồi bao quanh hồ Núi Cốc, ông Đặng Văn Luân dự định sẽ phát triển du lịch cộng đồng gắn với vùng sản xuất chè an toàn. Chủ nông trại nông trại trà trung du Thu Luân kỳ vọng, việc khai thác tài nguyên sẵn có cùng với sự đầu tư và tư duy mới về làm du lịch cộng đồng sẽ đưa sản phẩm trà Tân Cương đến với đông đảo người dân và khách du lịch. Qua đó, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, hỗ trợ người dân vươn lên làm giàu.
Hiện nay, thành phố Thái Nguyên có tổng diện tích chè khoảng 1.500ha, tập trung nhiều tại các xã Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân, Thịnh Đức, Quyết Thắng… Để nâng cao giá trị cây chè, Thành phố đã ban hành, triển khai các đề án như bảo tồn và phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương, bảo tồn giống chè trung du.
Với mong muốn tăng giá trị cho sản phẩm chè, hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và gìn giữ môi trường sinh thái, chủ trương của thành phố Thái Nguyên là phát triển cây chè theo hướng bền vững, hữu cơ, đa dạng sản phẩm.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/nong-trai-che-trung-du-ben-ho-nui-coc-chuyen-doi-san-xuat-huu-co-d410529.html
Bình luận (0)