Hàng nghìn nông dân Đồng bằng sông Cửu Long có thêm thu nhập từ việc trồng, cắt, phơi, làm sản phẩm mỹ nghệ xuất khẩu từ năn tượng – loài cỏ dại ở địa phương.
Ba năm trước, ông Trần Văn Mật, 71 tuổi, ở xã Hòa Tú là người tiên phong trồng cỏ năn tượng tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Ông cho biết từ khi chuyển hai ha đất nuôi tôm không hiệu quả sang trồng loài cây này, gia đình có thu nhập ổn định hơn. Cứ 1.000 m2 đất thu khoảng 10 tấn cỏ tươi, kiếm được 8 triệu đồng, chưa kể nguồn thu từ tôm, cua nuôi kết hợp.
“Năn tượng trồng sau 4 tháng sẽ cho thu hoạch. Quá trình này chỉ cần giữ mực nước phù hợp, độ mặn 5-10‰ là cây sống tốt, không cần chăm sóc hay bón phân, thuốc gì thêm”, ông Mật nói, cho biết để các loài thủy sản phát triển thuận lợi, các nhà khoa học khuyến cáo nên điều chỉnh mật độ cỏ chiếm 40-50% diện tích mặt nước.
Cỏ năn tượng (còn gọi là hến biển) có tên khoa học Scirpus littoralis Schrad, mọc tự nhiên trong các đầm lầy vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. Loài này có khả năng lọc sinh học, tự lấy oxy trong tự nhiên đưa xuống rễ, tạo môi sinh tốt cho tôm, cua, cá… Do là loại thân cỏ, năn tượng dai, chắc và sợi nhỏ nên phù hợp làm nhiều loại hàng thủ công mỹ nghệ, được thị trường nước ngoài ưa chuộng.
Toàn huyện Mỹ Xuyên có hơn 30 hộ trồng năn tượng kết hợp nuôi tôm, cua, cá giúp tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho các hợp tác xã đan lát. Đến nay, Hội Phụ nữ huyện đã tổ chức được gần 30 tổ hợp tác, với 15-20 thợ đan mỗi tổ. Qua đó, cung cấp 700-800 sản phẩm mỗi tuần cho hợp tác xã. Tùy mẫu mã, mỗi người đan giỏ kiếm 400.000-500.000 đồng một tuần.
Tại thị xã Ngã Năm, gần 400 lao động ở nông thôn cũng có việc làm nhờ làm gia công cho hợp tác xã Mỹ Quới. Bà Lê Thị Thêm, 52 tuổi, ở ấp Mỹ Thành, cho biết gia đình có gần 3.000 m2 đất trồng rau nhút nhưng thu nhập không cao. Mỗi tuần bà chỉ cắt rau một lần nên thời gian rảnh rỗi khá nhiều. Hơn một năm nay, nhờ đan giỏ cỏ năn tượng, bà có thêm khoảng hai triệu đồng mỗi tháng.
“Mỗi ngày tôi tranh thủ 3-4 tiếng để đan giỏ. Việc nhẹ, lại ở trong mát nên tôi làm dần cũng quen”, bà Thêm nói và cho biết khi có mẫu mới, nhân viên của hợp tác xã sẽ đến tận nhà hướng dẫn cách làm rồi giao sẵn nguyên liệu, khuôn.
Gần nhà bà Thêm, bà Nguyễn Thị Thu Nga, 56 tuổi, cho biết đan giỏ từ cọng năn tượng cần sự tỉ mỉ nhưng không quá khó, chỉ cần chịu khó học nửa ngày là nắm được kỹ thuật. Nhờ có công việc này bà kiếm gần 1,5 triệu đồng mỗi tháng. “Có việc làm phù hợp độ tuổi, tôi thấy mình có ích hơn, lại vui vẻ chứ không còn bệnh vặt như trước nữa”, bà Nga nói.
Ngoài gia công cho hợp tác xã, hiện, nhiều người ở miền Tây còn khai thác cỏ năn tượng có sẵn tại địa phương để phơi rồi bán cho đơn vị gia công.
Bà Trịnh Hồng Thúy, 57 tuổi, ở thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, cho biết năn tượng là cỏ dại, nhiều người còn phát bỏ đi khi chúng mọc quá nhiều. Nhưng hơn hai năm nay, gia đình bà có nguồn thu đáng kể nhờ cắt năn tượng bán cho hợp tác xã Mỹ Quới. Cỏ được chọn phải là loại còn xanh, dài từ 80 cm trở lên. 10 ký cỏ tươi sau khi phơi sẽ thu được khoảng 1,3 kg khô. Nếu nắng tốt, 4-6 ngày sẽ cho ra cọng năn tượng khô thành phẩm.
“Việc không khó, nhưng phải chịu cực. Nhà tôi 5 người làm, mới đáp ứng được đặt hàng khoảng 20 tấn mỗi tháng”, bà Thúy nói, cho biết mỗi tấn năn tượng khô bán được 750.000 đồng. Ngoài ra, gia đình còn được thuê phơi cỏ năn tượng mỗi tấn giá 50.000 đồng.
Hợp tác xã Mỹ Quới thành lập cuối năm 2021 với 10 thành viên, chuyên thu gom năn tượng từ các nơi. Sau đó, đơn vị này gửi khuôn, nguyên liệu cho lao động đan theo đơn đặt hàng và giao thành phẩm về trung tâm điều phối tại TP Sóc Trăng. Đây cũng là nơi nhận sản phẩm đan lát từ các hợp tác xã, tổ hợp tác rồi đóng hàng chuyển về công ty ở Bình Dương để xuất khẩu sang Mỹ, Australia, Nhật Bản.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc hợp tác xã Mỹ Quới, nói mô hình trồng năn tượng dưới ruộng không chỉ cung cấp nguyên liệu phát triển hàng thủ công mỹ nghệ mà còn giúp nâng cao đời sống người dân, nhất là lao động nhàn rỗi. Năm 2022, hợp tác xã đã cung ứng 30.000 sản phẩm cho công ty xuất khẩu.
Đơn vị này đang có kế hoạch liên kết với hội phụ nữ ở các xã của những huyện thuộc tỉnh lân cận để liên kết mở rộng sản xuất. “Chúng tôi sẽ tập huấn cho nhiều phụ nữ nông thôn kỹ thuật đan giỏ từ cỏ năn nhằm nâng tổng số lao động trong mạng lưới liên kết lên 700 người”, ông Toàn nói.
Tiến sĩ Dương Văn Ni, chuyên gia về đa dạng sinh học ở Đồng bằng sông Cửu Long (thuộc Trường Đại học Cần Thơ), ví loài cỏ này như “của trời cho”, đặc biệt là khả năng thích ứng với vùng sinh thái mặn – lợ. Theo ông, thực tế cho thấy năn tượng tạo nên môi trường sinh thái thuận lợi, là nguồn thức ăn tự nhiên giúp tôm, cua phát triển nhanh, giảm dịch bệnh.
Loài cây này được kỳ vọng là hướng đi mới cho bán đảo Cà Mau – vùng đất cực Nam rộng khoảng 1,6 triệu ha, gồm TP Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và một phần của Kiên Giang. “Trồng cỏ năn tượng là mô hình hoàn toàn dựa vào thiên nhiên, đặc biệt là không tạo ra xung đột với sản xuất hiện tại của người dân”, ông Ni nói.
An Minh