Di sản UNESCO nằm trong vùng chiến sự
Với khẩu trường khoác trên vai và các ngón tay tạo thành hình chữ “V” tượng trưng cho chiến thắng, những người lính thuộc lực lượng dân quân RSF tại Sudan hào hứng tạo dáng trước di tích cổ Naga trong một video đăng trên mạng xã hội.
Naga nằm cách thủ đô Khartoum của Sudan 200 km về phía đông bắc và không xa bờ sông Nile, trong một khu vực từng được coi là cái nôi của nền văn minh nhân loại.
Thành cổ này được thành lập vào khoảng năm 250 trước Công nguyên như là nơi ở của hoàng gia Vương quốc Meroe, và có nhiều tòa nhà đền thờ, cung điện. Nơi đây từng đóng vai trò là cầu nối giữa các nền văn minh Địa Trung Hải và châu Phi.
Ba ngôi đền tại nơi này đã được các nhà khảo cổ học khai quật và phục hồi từ những năm 1990. 50 ngôi đền, cung điện và tòa nhà hành chính khác, cũng như các nghĩa trang với hàng trăm ngôi mộ, vẫn còn ẩn dưới đống đổ nát.
Nhưng giờ đây Naga, một di sản thế giới được UNESCO công nhận, lại bị cuốn vào một cuộc nội chiến Sudan khác. Kể từ tháng 4 năm 2023, các vị tướng đối địch lại tiếp tục tranh giành quyền lực ở đất nước giàu tài nguyên nhưng nghèo đói này.
Nhà lãnh đạo trên thực tế Abdel-Fattah al Burhan và quân đội Sudan mà ông kiểm soát đã bị lực lượng dân quân có tên Lực lượng phản ứng nhanh (RSF) của cựu phó tướng Mohammed Hamdan Dagalo chống lại. RSF hiện đang kiểm soát Naga.
Thành phố này đã chứng kiến một số vụ ném bom do quân đội chính quyền tiến hành nhắm vào các đơn vị RSF đóng quân tại Naga. Và, người ta lo ngại rằng, các vụ giao tranh dữ dội nếu bùng phát tại Naga có thể gây ra những thiệt hại không thể khắc phục đối với nhiều công trình vô giá của di sản này.
Đấy là chuyện tương lai. Còn trước mắt, nguy cơ chiến sự lan rộng tại Naga ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khảo cổ. “Tình hình thực sự tồi tệ”, giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Ai Cập Munich, Arnulf Schluter, lo lắng nói về dự án khảo cổ đang thực hiện tại Naga. “Hầu hết công nhân khai quật đã bỏ trốn, lán trại của chúng tôi đã bị đột nhập và lốp xe đã bị đánh cắp”.
Ông Schluter cũng bày tỏ sự thất vọng trước việc, Cơ quan quản lý cổ vật Sudan – đơn vị chịu trách nhiệm trông coi các di sản thế giới của đất nước – đã mất rất nhiều tài liệu do xung đột. “Các văn phòng của cơ quan này tại Khartoum đã bị cướp phá”, ông cho biết.
“Mối đe dọa đối với văn hóa” ở Sudan
Theo Viện Tahir, một tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu về chính trị Trung Cận Đông, việc lực lượng RSF của Tướng Mohammed Hamdan Dagalo kiểm soát khu vực Naga cũng đang làm dấy lên những lo ngại rất lớn đối với di sản này.
Trong đó đáng kể nhất là việc RSF đột nhập vào Bảo tàng Quốc gia, nơi trưng bày một số xác ướp lâu đời nhất thế giới, hồi tháng 6 năm 2023. Các video lan truyền trực tuyến cho thấy các chiến binh RSF bên trong phòng thí nghiệm Bolheim Bioarchaeology, một phần của khuôn viên bảo tàng, khi họ xâm phạm các xác ướp có niên đại từ vài thiên niên kỷ trước.
Bảo tàng nằm ở Al-Muqran, được đặt theo tên hợp lưu của sông Nile Trắng và Nile Xanh ở Khartoum và gần đó, có hàng chục bảo tàng và trung tâm di sản văn hóa quan trọng, chẳng hạn như Bảo tàng Dân tộc học và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Tất cả đều đã bị xâm phạm và hủy hoại nhiều vật phẩm vô giá.
Sáng kiến Bảo vệ Di sản Sudan (SHPI), tổ chức đã theo dõi sự phá hủy các di tích và trường đại học, nơi lưu giữ các trung tâm nghiên cứu và văn hóa với các bản thảo và sách cổ tại Sudan, cho biết các trung tâm văn hóa ở nhiều nơi tại Khartoum đã bị cướp bóc và hư hại.
Trên khắp Sudan, các bảo tàng và hiện vật đang bị phá hủy và cướp bóc tràn lan trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng – hơn 10 triệu người phải di dời và một nửa trong số 50 triệu dân của đất nước này đang phải chịu nạn đói.
UNESCO, tổ chức văn hóa của Liên hợp quốc, cho biết: “Mối đe dọa đối với nền văn hóa này dường như đã đạt đến mức độ chưa từng có, với các báo cáo về tình trạng cướp bóc nhắm vào các bảo tàng, di sản, địa điểm khảo cổ và bộ sưu tập cá nhân”.
Sự mất mát không chỉ dừng lại ở những điều hữu hình; nó có ý nghĩa sâu sắc đối với ký ức tập thể và tinh thần các thế hệ người Sudan truyền lại. “Ngay cả khi hòa bình có thể lập lại ngay lập tức, chúng ta cũng phải xây lại từ đầu với một số địa điểm lịch sử”, ông Schluter nói.
Nguyễn Khánh
Nguồn: https://www.congluan.vn/noi-chien-sudan-dang-huy-hoai-cac-di-san-unesco-vo-gia-post313586.html