Ông Trần Xuân Ngọc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG), nhận định thị trường bất động sản nhiều tháng qua đối mặt với các khó khăn như người mua nhà thiếu niềm tin, nhu cầu mua nhà ở thật ở mức cao so với khả năng cung cấp sản phẩm từ chủ đầu tư, tính thanh khoản vẫn thấp…
Thông tin được ông Ngọc trao đổi tại sự kiện Nam Long Day – Toàn cảnh thị trường bất động sản 2023-2024.
Trong bối cảnh đó, ông Ngọc đánh giá cơ hội của thị trường nằm ở những sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thực, đáp ứng mong muốn sở hữu căn nhà đầu tiên của người dân.
Ban lãnh đạo Nam Long xác định dòng sản phẩm vừa túi tiền sẽ đóng vai trò chủ đạo trong 10 năm tới, chiếm tỷ trọng khoảng 10-15% doanh số công ty.
Tổng giám đốc Nam Long công bố doanh số mở bán mới (pre-sale) đã có nhiều cải thiện trong tháng 10 và tháng 11. Nếu 9 tháng, doanh số mở bán mới đạt 1.769 tỷ đồng thì qua 2 tháng tiếp theo, con số này đạt 3.038 tỷ đồng. Tức trong 2 tháng, công ty ghi nhận doanh số gần 1.300 tỷ đồng.
Trong tháng cuối năm, ông Ngọc kỳ vọng có thêm được pre-sale khoảng 1.000-1.500 tỷ đồng.
Lãnh đạo Nam Long nhìn nhận so với kế hoạch, các con số này còn khá khiêm tốn nhưng xu hướng 4 tháng trở lại đây đã tích cực và đáng khích lệ, khi thị trường được hỗ trợ từ nhiều thông tin tích cực.
Ông Ngọc cũng cập nhật thêm tình hình pháp lý một số dự án của Nam Long. Tại Cần Thơ và Long An, dự án nhà ở xã hội Nam Long – Cần Thơ và phân khu The Pearl của Southgate đã có giấy phép bán hàng trong tháng 10.
Tại Đồng Nai, dự án Izumi City đã được cập nhật giấy đăng ký đầu tư. Tại TPHCM, dự án Akari City đã được hoàn tất các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất.
Bà Dương Thùy Dung – Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam – cho rằng nhìn vào tỷ lệ hàng bán được trên thị trường trong những tháng gần đây so với đầu năm và cùng kỳ trước có thể thấy, niềm tin của người mua nhà dần được phục hồi.
Một dự án ở Bình Tân mở bán tháng 11 có tỷ lệ hấp thụ khoảng 80%, trước đó dự án khác khoảng 65%. Các chủ đầu tư áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng như giãn tiến độ thanh toán, chiết khấu vào giá bán, ưu đãi với khách hàng thanh toán sớm bằng tiền mặt…
Tuy nhiên, chuyên gia của CBRE Việt Nam cho rằng sẽ còn rất nhiều việc phải làm để khôi phục niềm tin, trong đó chính sách điều hành của Nhà nước cần “nói đi đôi với làm”, lãi suất tuy đã giảm nhiều so với 12 tháng trước đây nhưng chưa đủ so với kỳ vọng của người mua.
Để thị trường tăng trưởng trở lại, người mua cần “rộng cửa” để vay hơn nữa.
Ông Phạm Đình Huy, Giám đốc đầu tư Nam Long, nêu quan điểm khác về niềm tin người mua nhà. Theo ông Huy, nguồn cung trên thị trường hiện tại hạn hẹp, lãi suất thấp hơn giai đoạn trước dịch Covid-19 nhưng tại sao chủ đầu tư lại khó bán nhà?
Lý do được đưa ra là chủ đầu tư rơi vào tình cảnh khó khăn, khi khó huy động vốn từ trái phiếu, ngân hàng và khó huy động từ khách hàng.
Ngược lại, người mua nhà hoàn toàn có thể yên tâm hơn vì mua dự án đã có giấy phép bán hàng, tiến đến ký hợp đồng mua bán, tức pháp lý đầy đủ hơn, thay vì trước kia chỉ mới ở bước giấy phép xây dựng, hợp đồng đặt cọc…
Ông Huy cho rằng khi pháp lý trên thị trường được áp dụng chặt chẽ hơn thì niềm tin chung của ngành sẽ tốt hơn. Chủ đầu tư muốn duy trì uy tín thì phải triển khai dự án đúng tiến độ, bàn giao theo cam kết và bán hàng có giấy phép.