Những tác động trên toàn cầu khi Mỹ đóng băng viện trợ nhân đạo

Công LuậnCông Luận06/02/2025

(CLO) Việc phân phối thực phẩm, các dịch vụ y tế và nhiều hoạt động nhân đạo khác đã bị đình chệ sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đóng băng viện trợ nước ngoài và cắt giảm ngân sách của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).


Các dự án nước sạch ở nhiều nước

USAID hỗ trợ hàng trăm dự án về an ninh nguồn nước tại Jordan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác. Hiện có khoảng 4 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận nước uống an toàn.

“Nếu không có những chương trình đó, động vật chết, người chết, người phải di dời”, Evan Thomas, giáo sư kỹ thuật môi trường tại Đại học Colorado ở Boulder, nhận định.

Ông tham gia một dự án tại Kenya, nơi hơn 1 triệu người được tiếp cận nước sạch nhờ 200 máy bơm nước ngầm sâu do USAID tài trợ một phần. Hiện tại, chương trình không thể thanh toán cho các hợp đồng bảo trì và sửa chữa máy bơm. "Toàn bộ chương trình đó hiện có nguy cơ sụp đổ", ông nói.

"Khi người dân không có nước, gia súc của họ chết, họ rơi vào tình trạng căng thẳng. Điều này tạo cơ hội cho các lực lượng dân quân lợi dụng để tuyển mộ", Thomas cảnh báo, đề cập đến ảnh hưởng ngày càng tăng của nhóm khủng bố Al-Shabaab tại Kenya. “Làm suy yếu khả năng tiếp cận thực phẩm, nước và thuốc men trên toàn cầu sẽ không giúp nước Mỹ an toàn hơn”.

"Mọi người không chỉ ngồi yên và chết khát. Họ sẽ di cư. Và điều đó sẽ làm gia tăng áp lực di cư trên toàn thế giới", ông nói thêm.

Tại các khu vực khác của Kenya, những dự án do USAID tài trợ nhằm cải thiện việc chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS cũng đang bị gián đoạn.

Các chương trình cung cấp thực phẩm ở Sudan

Jeremy Konyndyk, Chủ tịch Refugees International và cựu quan chức USAID, cho biết các bếp ăn do Hoa Kỳ tài trợ tại Sudan đã buộc phải đóng cửa.

Thông tin này được đưa ra khi Liên hợp quốc báo cáo rằng hàng triệu gia đình, trong đó nhiều người đã phải di dời, đang phải đối mặt với tình trạng đói kém nghiêm trọng do xung đột kéo dài tại quốc gia này.

nhung tac dong tren toan cau khi my dong bang vien tro nhan dao hinh 1

Thực phẩm từ USAID được phân phát cho những người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc xung đột Tigray. (Ảnh: GI)

“Rất nhiều người di dời và nhiều người khác đang phải chịu đói kém cùng các cuộc khủng hoảng khác. Họ có thể bị tổn hại nghiêm trọng, thậm chí tử vong”, Konyndyk cảnh báo, đồng thời nhấn mạnh tác động sâu rộng đối với người tị nạn tại Sudan, Syria và Gaza.

Hệ thống giám sát nạn đói toàn cầu FEWSNET của Hoa Kỳ, được sử dụng để theo dõi tình hình đói kém trên toàn thế giới, cũng đã bị ngừng hoạt động do chính quyền Trump đóng băng viện trợ.

Jamie Munn, giám đốc điều hành Hội đồng các cơ quan tình nguyện quốc tế, nhận định rằng: "USAID là nền tảng của các sáng kiến cứu sinh tại những khu vực chịu đói kém như Ethiopia, Somalia và Sudan. Tuy nhiên, việc đóng băng nguồn tài trợ đã khiến hàng triệu người mất đi các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, nước sạch và nơi trú ẩn".

Sốt rét có thể trở nên phổ biến hơn

USAID dẫn đầu một chương trình kiểm soát và loại trừ sốt rét tại 24 quốc gia châu Phi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, bao gồm Mali, nơi căn bệnh này là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Cơ quan này tài trợ thuốc chống sốt rét, bộ xét nghiệm và màn chống muỗi tẩm thuốc trừ sâu, giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh và cứu sống nhiều người.

Sốt rét vẫn cướp đi khoảng 600.000 sinh mạng mỗi năm, chủ yếu là trẻ em dưới năm tuổi. Tuy nhiên, nhờ Sáng kiến chống sốt rét của Tổng thống Hoa Kỳ do USAID điều hành, tỷ lệ tử vong đã giảm một nửa kể từ khi chương trình được triển khai năm 2006.

Afghanistan đối mặt hậu quả nghiêm trọng

Một nguồn tin cho biết các chương trình viện trợ cứu sinh cho 145.000 phụ nữ dễ bị tổn thương ở Afghanistan đã bị đóng băng. Những chương trình này cung cấp nhà an toàn, tư vấn sức khỏe tâm thần, chăm sóc y tế và đào tạo nghề trong bối cảnh Taliban ngày càng siết chặt kiểm soát đối với phụ nữ.

Trong khi đó, hơn 6 triệu người Afghanistan chỉ sống cầm cự bằng "bánh mì và trà", theo Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) tại Afghanistan, Hsiao-Wei Lee. Theo Liên hợp quốc, năm ngoái, Hoa Kỳ đóng góp 54% ngân sách tài trợ cho WFP tại Afghanistan.

Viện trợ cho Ukraine bị gián đoạn

USAID tài trợ cho hệ thống sưởi ấm dự phòng tại 14 khu vực của Ukraine, giúp trường học và bệnh viện hoạt động trong cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên, tài khoản chính thức của USAID Ukraine trên mạng xã hội X hiện đã ngừng cập nhật.

Cơ quan này cũng hỗ trợ cung cấp thiết bị cho công nhân năng lượng, như tại thành phố Odessa, nơi gần đây bị ảnh hưởng bởi một cuộc tấn công lớn vào hệ thống điện.

Theo các tổ chức phi lợi nhuận tại Ukraine, nguồn tài trợ cho các chương trình an ninh lương thực và phục hồi chức năng cho cựu chiến binh cũng đã bị đình trệ.

USAID cũng tài trợ cho các chương trình giúp hàng nghìn trẻ em tiếp tục đến trường và hỗ trợ các em bị ảnh hưởng tâm lý bởi chiến tranh. Ngoài ra, USAID còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động của các cơ quan truyền thông Ukraine.

"Các khoản tài trợ này đã trở thành trụ cột giúp các cơ quan truyền thông duy trì hoạt động, trong bối cảnh thị trường quảng cáo chưa thể phục hồi...", Ủy ban Chính sách Nhân đạo và Thông tin của Quốc hội Ukraine cho biết tuần trước.

Mất ổn định biên giới Venezuela - Colombia

Tại Colombia, USAID điều hành nhiều chương trình quan trọng, bao gồm chống ma túy, hỗ trợ lương thực khẩn cấp và bảo vệ rừng.

Các tổ chức làm việc tại thực địa bày tỏ lo ngại về việc cắt giảm viện trợ đột ngột, đặc biệt khi quốc gia này đang đối mặt với tình trạng bạo lực gia tăng và khủng hoảng nhân đạo tại Catatumbo - một khu vực chiến lược trong sản xuất ma túy.

Các nhân viên cứu trợ phi chính phủ tại Mỹ Latinh đã lập danh sách các dự án USAID được thiết kế để chống lại tình trạng nhập cư và ảnh hưởng của các băng nhóm tội phạm. Tuy nhiên, các chương trình này hiện đã bị đình chỉ tại Colombia, El Salvador, Guatemala và Honduras.

Mỹ tài trợ 47% viện trợ nhân đạo toàn cầu

Tác động của việc đóng băng viện trợ không chỉ giới hạn trong một số quốc gia, mà còn có thể gây ảnh hưởng trên toàn cầu.

"Tôi nghĩ toàn bộ hệ thống nhân đạo có thể sụp đổ vì chúng tôi tài trợ khoảng 40% trong số đó", một viên chức USAID cho biết. Theo Liên hợp quốc, Hoa Kỳ đóng góp khoảng 47% tổng viện trợ nhân đạo toàn cầu.

Mặc dù USAID chỉ chiếm chưa đến 1% ngân sách liên bang Hoa Kỳ, nhưng tổ chức được thành lập vào năm 1961 này là nhà cung cấp viện trợ nhân đạo lớn nhất thế giới.

Hà Trang (theo USAID, CNN)



Nguồn: https://www.congluan.vn/nhung-tac-dong-tren-toan-cau-khi-my-dong-bang-vien-tro-nhan-dao-post333176.html

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available