Ngành cà phê cần làm gì trước quy định chống phá rừng của EU?

Báo Công thươngBáo Công thương06/02/2025

Quy định chống phá rừng EUDR không chỉ đặt ra thách thức lớn mà còn là cơ hội để doanh nghiệp cà phê Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu sang châu Âu.


Doanh nghiệp, địa phương đã chủ động thích ứng

Quy định của Liên minh Châu Âu về sản phẩm không gây phá rừng (European Union Deforestation Regulation - EUDR) áp dụng lên các ngành hàng: Gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành, gỗ và một số sản phẩm có nguồn gốc từ các hàng hóa nêu trên.

Theo quy định, bất kỳ nhà khai thác hoặc thương nhân nào đưa các mặt hàng này vào thị trường EU hoặc xuất khẩu từ thị trường này phải chứng minh rằng các sản phẩm không có nguồn gốc từ đất rừng bị phá gần đây hoặc góp phần làm suy thoái rừng.

Quy định nhằm giải quyết việc phá rừng, suy thoái rừng, và bảo tồn rừng để giảm lượng khí thải carbon và mất đa dạng sinh học.

Ngành cà phê làm gì trước Quy định chống phá rừng EUDR?
Quy định chống phá rừng EUDR nhằm ngăn chặn việc phá rừng, suy thoái rừng, và bảo tồn rừng để giảm lượng khí thải carbon và mất đa dạng sinh học.

Trong các nhóm mặt hàng chịu sự điều chỉnh của Quy định chống phá rừng, Việt Nam có 3 nhóm hàng bị tác động chính, đó là gỗ, cao su và cà phê. Trong đó, cà phê chịu ảnh hưởng nhiều nhất vì chiếm 55% kim ngạch xuất khẩu, khoảng hơn 1,1 tỷ USD; tiếp đến là mặt hàng gỗ (636 triệu USD); cao su (252 triệu USD).

Ngay từ khi quy định chống phá rừng EU được thông qua, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của quy định này.

Ông Phạm Thắng - Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam cho biết, hiện doanh nghiệp cà phê đã có chuẩn bị tương đối tốt để thích ứng với EUDR ngay khi quy định này có hiệu lực. Tuy nhiên, quá trình thực thi sẽ có khác nhau, vì thế rất cần sự đồng hành từ cơ quan chức năng để hướng dẫn doanh nghiệp cà phê triển khai thực hiện một cách hiệu quả nhất.

Không chỉ các hiệp hội, ngành hàng mà cả các địa phương trong nước cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, giúp các doanh nghiệp cà phê ứng phó, tuân thủ quy định chống phá rừng. Với Gia Lai, ngay từ khi có thông báo vào năm 2023, tỉnh Gia Lai đã chủ động, tích cực trong việc thích ứng với quy định của EU.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã chủ động rà soát chuỗi cung ứng, phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan trong chuỗi, đặc biệt là mạng lưới tư thương, các nông hộ - những người cung cấp nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp, nhằm đáp ứng với các yêu cầu của EUDR, bao gồm yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, tuân thủ các quy định trong chuỗi, và vị trí của thửa đất sản xuất.

"Các doanh nghiệp xuất khẩu đã chủ động tìm hiểu, nắm bắt yêu cầu về EUDR, có sự thay đổi hoặc điều chỉnh chuỗi cung hiện tại của mình để đáp ứng chặt chẽ các yêu cầu của EUDR. Tập trung ưu tiên cho việc xây dựng các chuỗi cung nguyên liệu có chứng chỉ bền vững" - bà Đào Thị Thu Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai chia sẻ với Báo Công Thương.

Những vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý

Từ thị trường Thụy Điển, đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam vào thị trường Bắc Âu, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, quy định chống phá rừng của EU sẽ tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam, đặc biệt vào thị trường Bắc Âu gồm Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy.

Dù vậy, theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, EUDR không chỉ đặt ra thách thức lớn mà còn là cơ hội để doanh nghiệp cà phê Việt Nam mở rộng thị trường vào Bắc Âu, nơi ưa chuộng sản phẩm bền vững và minh bạch. Bằng cách chuẩn bị đầy đủ, hợp tác với các tổ chức uy tín và xây dựng chiến lược phù hợp, doanh nghiệp có thể tận dụng EUDR để củng cố vị thế và phát triển bền vững trên thị trường quốc tế.

Ngành cà phê làm gì trước Quy định chống phá rừng EUDR?
EUDR không chỉ đặt ra thách thức lớn mà còn là cơ hội để doanh nghiệp cà phê Việt Nam mở rộng thị trường vào Bắc Âu

Giúp doanh nghiệp tuân thủ các nguyên tắc trong Quy định chống phá rừng EUDR của EU, bà Thúy cho rằng, trước mắt doanh nghiệp cà phê xuất khẩu cần xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Các doanh nghiệp cần đảm bảo cà phê xuất khẩu được trồng trên diện tích đất không phải đất rừng; thường xuyên chia sẻ thông tin vị trí địa lý cụ thể của vùng trồng cà phê.

Để làm được điều này, bà Thúy khuyến nghị: “Doanh nghiệp xuất khẩu cần hợp tác với các hiệp hội nông dân và nhóm sản xuất để thu thập thông tin vị trí địa lý và hồ sơ truy xuất nguồn gốc. Đầu tư vào công nghệ theo dõi chuỗi cung ứng, đảm bảo tính minh bạch và chính xác của dữ liệu”.

Thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và khu vực đã có kinh nghiệm tuân thủ EUDR.

Thứ ba là tận dụng EUDR để tạo lợi thế cạnh tranh.

Sự chuẩn bị sớm và đầy đủ để tuân thủ EUDR không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường mà còn là yếu tố quan trọng để tạo dựng uy tín với khách hàng Bắc Âu.

Để làm tốt việc tận dụng, doanh nghiệp phải chuẩn bị tài liệu và chứng nhận chứng minh sự tuân thủ EUDR, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc và dữ liệu về bền vững. Cùng đó, quảng bá những nỗ lực bảo vệ môi trường và tính bền vững của doanh nghiệp như một giá trị cộng thêm.

Mặt khác, tăng cường tiếp cận với khách hàng tại các hội chợ thương mại ở Bắc Âu như Stockholm Coffee Festival hoặc Copenhagen Coffee Fair.

Thứ tư, cần dự toán chi phí tuân thủ EUDR. Bởi, quá trình đảm bảo tuân thủ EUDR sẽ đòi hỏi chi phí đáng kể, từ việc thu thập dữ liệu đến áp dụng công nghệ mới.

Thứ năm, các doanh nghiệp cần đi đầu trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững

“Bắc Âu là khu vực chú trọng đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, do đó việc tuân thủ EUDR không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn là cơ hội để doanh nghiệp khẳng định trách nhiệm xã hội” - Tham tán Nguyễn Thị Hoàng Thúy lưu ý.



Nguồn: https://congthuong.vn/nganh-ca-phe-can-lam-gi-truoc-quy-dinh-chong-pha-rung-cua-eu-372597.html

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available