Những người bệnh sống nhờ vào máy móc, thuốc thang
Chị Đỗ Thị Trang (1994, quê Nam Định) đã chạy thận được 5 năm ở Bệnh viện Nội Tiết Trung Ương tại Hà Nội. Di chuyển bằng chiếc xe máy đời cũ, trong một tuần, chị Trang phải vào viện chạy thận 3 buổi, mỗi lần 3 tiếng rưỡi để lọc máu, lọc nước.
Theo chị Trang, đồ ăn mình nạp vào người hàng ngày cũng có nhiều độc tố, chức năng thận suy yếu, nên phải sống nhờ vào máy móc để đào thải chất độc trong cơ thể. Trong khẩu phần ăn uống hàng ngày, theo cơ địa của từng người mà điều chỉnh chế độ ăn, cá nhân chị, mùa đông cần phải hạn chế uống nước để tránh phù nề gây khó thở, tràn dịch phổi, tràn dịch tim. Căn bệnh này đi theo chị Trang suốt cuộc đời, cách một ngày lại phải đi viện, cuộc sống của chị luôn bị chi phối. Sống một mình trong căn phòng trọ chưa đầy 8 mét vuông, mỗi lúc cơ thể mệt quá, chị Trang phải nhờ em trai sang chăm nom.
Về chi phí khám chữa bệnh, được bảo hiểm hỗ trợ 95%, chị phải đóng thêm mỗi tháng gần 1 triệu đồng tiền truyền đạm và chi phí thuốc uống hàng ngày…
Với những người bệnh trong xóm trọ này, những ngày lễ tết giống như ngày bình thường, thậm chí có phần buồn tủi vì không được sum vầy gia đình, vui chơi bạn bè như bao người khác. “Ngày lễ tết, mình vẫn phải vào viện như thường lệ”, chị Trang kể.
Sống cùng dãy trọ với chị Trang, cô Nguyễn Thị Bình (sinh năm 1972, Thạch Thất, Hà Nội) đã có thâm niên gắn bó với “xóm chạy thận”. Năm 2004, cô bị suy thận độ 1 khi sinh em bé, đến năm 2007 thì bị suy thận nặng, nhưng phải đến năm 2013, cô Bình mới đi chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai. Bị chồng bỏ rơi, con cái còn nhỏ, sự động viên của bố mẹ đã giúp cô quyết định đi chạy thận. “May trời thương, nhà nước trao cho bảo hiểm nên cũng đỡ đi nhiều chi phí”, cô Bình kể.
Bệnh này phải uống nhiều thuốc nếu muốn sức khỏe ổn định, nhưng cô Bình chỉ dám mua thuốc hỗ trợ huyết áp vì không có tiền. Dù bảo hiểm chi trả 100% chi phí chạy thận, nhưng cô Bình luôn có nỗi lo thường trực vì tiền thuốc uống đắt đỏ. “Các nhà hảo tâm cho gì tôi cũng quý, nhưng thứ chúng tôi cần hơn cả là tiền, có tiền mới kéo dài được sự sống”. Cô Bình cho biết thêm: “Những người chạy thận như chúng tôi, không chết vì bệnh mà chết vì cơn tăng huyết áp, đau tim. Vừa mới hôm trước, có anh trong xóm trọ chạy thận được 22 năm đã tắt thở khi đưa cấp cứu vào viện vì cơn đau tim”.
Vất vả chữa bệnh, mưu sinh kiếm sống, những người bệnh ở đây phải chấp nhận sống trong căn phòng chưa tới 8 mét vuông. Mái các phòng ở xóm trọ thấp, đứng lên giường đã chạm tới mái, cho nên mùa hè rất nóng bức, bí bách, mùa đông lạnh buốt da thịt vào những ngày rét đậm. “Tôi chỉ cần chỗ về ngủ nghỉ, ăn uống sau mỗi lần đi viện về, nên phòng có chật chội, bí bách cũng được. Mấy ngày nay trời mưa rét, chiếc chăn căng sát mái đã ướt nhèm vì những chỗ nứt dột”, cô Bình chia sẻ.
Nghị lực đối diện
Những người bệnh trong xóm trọ phải kiếm thêm việc làm qua ngày như chạy xe ôm, làm thiệp giấy, dựng lều cắt tóc, bán nước, đi đánh giày dép dạo… Khi bắt đầu chạy thận ở Hà Nội, chị Trang làm thiệp tranh giấy. Các nguyên vật liệu, các dụng cụ do xưởng cấp, nhân viên chỉ cần bỏ công sức để hoàn thành sản phẩm theo mẫu. Khi nào hàng cần gấp, chị phải tranh thủ thời gian để kịp trả hàng.
Chị Trang cho biết: “Tôi là nhân viên của xưởng Thương Thương Handmade – một xưởng làm đồ thủ công dành cho người khuyết tật, người bị bệnh. Xưởng nhận đơn hàng của khách yêu cầu, chủ yếu là đơn hàng nước ngoài, rồi các nhân viên trong xưởng nhận làm các đơn hàng tùy vào sức khỏe mỗi người”.
Hiện tại, chị Trang không thể làm được những công việc nặng, cho nên nhận làm những thiệp tranh giấy, vừa giúp chị kiếm thêm tiền trang trải sinh hoạt vừa giúp cuộc sống đỡ buồn tủi lại phù hợp với lịch trình đi viện. Ngày nào không phải vào viện, chị Trang mới làm việc được, còn những hôm chạy thận, thì nguyên ngày hôm đó chị phải nghỉ ngơi vì mệt. Mỗi sản phẩm, chị được trả 21.000 đồng, trung bình mỗi ngày làm được 7-8 cái thiệp.
Không được trẻ khỏe để theo công việc như chị Trang đang làm, 12 năm chạy thận và sinh sống tại xóm trọ ngõ 121 Lê Thanh Nghị, cô Bình chọn việc bán nước ở bệnh viện và đi nhặt ve chai để kiếm tiền trang trải cuộc sống, nhưng không đáng là bao, chủ yếu nương tựa vào gia đình và các nhà hảo tâm. Hôm nào khỏe, đi bán kiếm được vài đồng, cô lại tích cóp để mua thuốc thang hàng tháng. “Cuộc đời mình đã vậy thì mình đành phải chấp nhận đối diện. Nếu buông xuôi, mỗi khi đau đớn, gia đình không yên lòng để mình ở nhà. Thời gian đầu mới phát hiện bệnh, tôi buồn tủi lắm, tự hỏi mình tại sao lại mắc căn bệnh này, từ đó cuộc sống gia đình sa sút, kinh tế khó khăn, trong nhà xảy ra biết bao chuyện”, cô Bình chia sẻ.
Chị Trang chia sẻ: “Bản thân tôi đã là người bệnh, nhưng những lúc bị ốm, người mệt mỏi, phải tự thân tự lo, tôi cảm thấy rất tủi thân. Những ngày lễ tết, bảo là về quê được, nhưng mùng 1, mùng 2, tôi đã phải lên Hà Nội để chạy thận. Trong khi mọi người được đi chơi chỗ nọ chỗ kia, thì tôi cách một ngày phải đi viện, không có điều kiện nên không đi đâu được. Nhìn những bạn bè cùng trang lứa năng động, có sức khỏe, tôi thấy thèm lắm. Khi đó, tôi có thêm suy nghĩ rằng so với những người cùng hoàn cảnh, bị bệnh, mình thấy may mắn hơn khi còn đi lại được, làm việc được. Đó là nguồn động lực để tôi cố gắng”.
Không có gia đình bên cạnh, những người bệnh trong khu xóm luôn nương tựa vào nhau để sống, đùm bọc, giúp đỡ nhau. Ai làm công việc gì, gặp khách thì lại giới thiệu cho nhau để kiếm tiền sống qua ngày. Khi có ai trong xóm bị ốm nặng hay phải đi viện cấp cứu, người thì cho ăn cho uống, người thì cho thuốc men, người thì hỏi han chăm sóc. Chị Trang chia sẻ: “Với điều kiện của mình hiện tại, ước mơ ghép thận còn rất xa vời, chỉ mong sao mình khỏe mạnh, có công việc ổn định để có kinh phí đi viện và trang trải cuộc sống”.
HÀ NGUYỄN