Triển lãm “Những ngôi sao đêm vùng cực” của nhiếp ảnh gia Esther Horvath tại Trung tâm Capa (Budapest, Hungary) mới đây đã khắc họa hình ảnh các nhà nghiên cứu nữ làm việc tại vùng đất Bắc Cực khắc nghiệt Ny-Alesund (đảo Spitsbergen, quần đảo Svalbard, Na Uy).
Tình yêu dành cho môi trường
Nhà thám hiểm và nhiếp ảnh gia Esther Horvath bị cuốn hút bởi những nhà khoa học nữ cống hiến cả cuộc đời để tiến hành nghiên cứu khí hậu trong môi trường đầy thách thức ở Bắc Cực. Cô dấn thân trong giá lạnh mùa đông để theo chân họ trong các chuyến thám hiểm.
Cô không chỉ ghi lại công việc diễn ra gần Bắc Cực mà còn truyền tải một cách tinh tế cuộc sống thường ngày, sự tận tụy của các nhà nghiên cứu làm việc trong điều kiện khắc nghiệt. Không có đường đến căn cứ nghiên cứu quốc tế ở cực Bắc của thế giới:
Chỉ có dịch vụ thuyền hàng tháng và một chiếc máy bay 14 chỗ ngồi 2 tuần mới có một chuyến. Ở Ny-Alesund không có sóng vô tuyến và không có wifi. Mùa đông kéo dài 4 tháng, còn các nhà khoa học làm việc trong bão tuyết và nhiệt độ âm 30 độ.
Họ nghiên cứu cách Bắc Cực đang thay đổi và biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến nhân loại ra sao. Đây là tâm chấn của sự nóng lên toàn cầu, nơi nhiệt độ trung bình vào mùa đông đã tăng 6-8 độ C kể từ năm 1991. Sự gia tăng này nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh.
Triển lãm “Những ngôi sao đêm vùng cực” nhằm mục đích truyền cảm hứng cho thế hệ nhà khoa học và nhà thám hiểm nữ trẻ. Mỗi người phụ nữ được miêu tả trong bầu trời đêm huyền diệu của Ny-Alesund, với công cụ nghiên cứu tại nơi mà họ kết nối thông qua công việc hoặc ước mơ của mình. Tất cả đều có một điểm chung: Sự quan tâm và tình yêu dành cho môi trường.
Thu thập dữ liệu ở vùng cực là cách các nhà khoa học nghiên cứu xem thế giới đang thay đổi thế nào. Các nghiên cứu như vậy rất quan trọng đối với cuộc sống của con người trên Trái đất.
Susana Garcia Espada, kỹ sư vận hành tại Đài quan sát trắc địa ở Ny-Alesund, đứng trong ánh sáng của kính viễn vọng vô tuyến rộng 20 mét của đài quan sát. Các ăng-ten khổng lồ do thám tín hiệu từ các thiên thể xa xôi được gọi là quasar cách xa tới 13 tỷ năm ánh sáng.
Các ánh sáng xung có thể cho các nhà nghiên cứu biết Trái đất ở đâu trong không gian, tốc độ quỹ đạo của nó quanh Mặt trời và lớp vỏ của nó đang di chuyển nhanh như thế nào – tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến khí hậu của chúng ta.
Bằng trắc địa, các nhà khoa học như Espada có thể theo dõi những thay đổi về hình dạng, trường hấp dẫn và các vấn đề liên quan sự quay của Trái đất. Cách này còn giúp họ theo dõi chính xác hơn mực nước biển dâng và băng tan.
“Tôi cảm thấy biết ơn mỗi ngày vì thử thách và cơ hội được làm việc tại Đài quan sát trắc địa ở Ny-Alesund. Tôi yêu cảnh quan Bắc Cực. Tôi luôn ấn tượng với ánh sáng và những thay đổi của nó. Tôi rất biết ơn khi được ở giữa thiên nhiên Bắc Cực. Điều đó khiến tôi cảm thấy gắn kết hơn với môi trường và bản thân mình”, cô Susana Garcia Espada nói.
“Tôi sẽ cố gắng cứu hành tinh này…”
Trong khi đó, Julia Martin cầm một đầu dò độ sâu tuyết tự động để đo độ dày của lớp tuyết. Julia là một nhà khoa học nghiên cứu về tuyết, đang nghiên cứu cách tuyết ảnh hưởng đến quá trình tan băng vĩnh cửu.
Tuyết vào mùa đông có thể đóng vai trò như một chất cách nhiệt giúp giữ ấm cho mặt đất bên dưới – rất giống với chăn bông. Vào mùa xuân, tuyết có thể phản xạ mạnh bức xạ Mặt trời giúp mặt đất mát mẻ. Những quá trình đó có thể ảnh hưởng đến nhiệt độ của lớp băng vĩnh cửu và ảnh hưởng đến quá trình tan băng.
“Tôi không thể cứu mọi người nhưng tôi sẽ cố gắng cứu hành tinh này bằng cách chỉ vào tiếng kêu cứu, vết thương chảy máu và vết sẹo của Trái đất. Đối với tôi, những nơi dễ bị tổn thương nhất và đẹp nhất trên Trái đất của chúng ta nằm ở các vùng vĩ độ cao, nơi tuyết tạo ra những cảnh quan tuyệt đẹp và hấp dẫn với màu trắng và mùa đông bất tận.
Băng quyển cần được bảo vệ vì nó cực kỳ nhạy cảm và mong manh mặc dù các khối băng có vẻ rất lớn và tồn tại lâu dài. Đó là những gì tôi đang cố gắng làm. Khoa học là cách mạnh mẽ của tôi để đánh thức mọi người và cho xã hội thấy chúng ta sẽ mất gì nếu chúng ta tiếp tục chỉ nghĩ đến bản thân mình khi không ai muốn thay đổi”, cô Julia Martin chia sẻ.
Còn cô Signe Maria Brunk rời Thụy Điển chuyển đến Svalbard năm 2016. Sau khi làm việc trong ngành du lịch, cô chuyển hướng sang nghiên cứu khoa học, tập trung vào việc bảo tồn thiên nhiên, hệ thực vật và động vật đặc biệt ở Svalbard. Vị trí tại trạm Ny-Alesund rất phù hợp với cô. Động lực phiêu lưu và nhu cầu nghiên cứu đã đưa cô đến Bắc Cực.
Tiến sĩ người Mỹ Katie Sipes có nhiều động lực khi nghiên cứu Bắc Cực. Cô thăm dò một số môi trường trên Trái đất và các sinh vật phụ thuộc vào những môi trường này. Việc nghiên cứu các sinh vật và môi trường này sẽ cho phép con người hiểu rõ hơn về quy mô và sự đa dạng đáng kinh ngạc tồn tại trên hành tinh của chúng ta, từ đó giúp chúng ta hiểu được các hành tinh khác.
“Tôi cảm thấy có mối liên hệ cá nhân với Bắc Cực vì hệ sinh thái tinh khiết và đang bị đe dọa này đang bên bờ vực biến mất mãi mãi. Sự tinh khiết của Bắc Cực khuếch đại mong muốn bảo tồn và nghiên cứu tất cả những bí mật của nó có thể thay đổi thế giới của chúng ta mãi mãi”, cô Katie Sipes nhận định.
Nhiếp ảnh gia Esther Horvath đã giành giải Nhất hạng mục Môi trường của Cuộc thi Ảnh báo chí thế giới năm 2020. Năm 2022, cô nhận được Giải thưởng Infinity của Trung tâm nhiếp ảnh quốc tế (ICP) tại New York (Mỹ). Năm 2024, cô được trao Giải thưởng Wayfinder của tạp chí National Geographic cho công trình khoa học, bảo tồn, giáo dục, công nghệ. Cô đã ghi lại 25 chuyến thám hiểm khoa học đến Bắc Cực và Nam Cực. Các tác phẩm của Horvath đã được xuất bản trên nhiều tạp chí nổi tiếng như: National Geographic, The New York Times, GEO, Stern, TIME và The Guardian.
Nguồn: National Geographic, estherhorvath.com
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/nhung-nha-khoa-hoc-nu-dan-than-o-bac-cuc-20241211172207888.htm