Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường thứ 9 Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là nội dung miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra rủi ro.
Dự thảo Nghị quyết quy định: “Tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, mặc dù đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về nghiên cứu khoa học”.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội) bày tỏ đồng tình với nhiều điểm đã tháo gỡ những nút thắt về thể chế hiện nay như là tăng ngân sách đầu tư cho khoa học, công nghệ và chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, công nghệ.
Trong nghiên cứu thì chưa thể biết được là có kết quả thu được hay không, giống như người khai thác dầu khí, có khi 10 mũi khoan may ra mới được một mũi khoan có dầu, nhưng dầu khí còn biết rằng, khoan ra ở dưới có dầu, nhưng nghiên cứu khoa học thì chưa biết dưới đấy là gì, cho nên chấp nhận rủi ro còn nhiều hơn. Do vậy, đại biểu cho rằng, đây là một nút thắt, một lối mở rất lớn để các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu.
Đại biểu đoàn Hà Nội cũng đồng tình với quy định tại Điều 6 là không ghi truy cứu trách nhiệm và được miễn trừ rủi ro, nếu như kết quả nghiên cứu không đạt được khi đã thực hiện đúng quy trình và quy định.
“Tuy nhiên, nếu lại quy định trong này là đúng quy trình, quy định thì quy trình, quy định là gì? Nếu như không cẩn trọng, chúng ta lại quay trở lại quy trình, quy định là theo quy định của pháp luật và quay trở lại như chúng ta hiện nay là tuân thủ quy định pháp luật là không làm được gì.
Do vậy, tôi đề nghị ở đây phải sửa lại là khi đã thực hiện đúng quy trình nghiên cứu mà đề tài đã đăng ký. Như vậy, đề tài đăng ký quy trình thế nào thực hiện đúng, đầy đủ như thế mà không đạt kết quả, thì cũng không phải hoàn trả lại kinh phí”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ.
Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị, làm rõ quy trình, quy định theo pháp luật hay quy trình, quy định theo hợp đồng ký kết nghiên cứu.
Ngoài ra, trường hợp xảy ra rủi ro nhiều lần, cơ quan chủ quản phải xem xét lại đề tài, đánh giá tác giả và cân nhắc có nên thực hiện nhiều lần hay không?.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho hay hiện điều 6 (dự thảo Nghị định) mới thiết kế một phần đó là miễn trách nhiệm khi xảy ra thiệt hại với nhà nước.
Đặc biệt, đại biểu An đề nghị cần phải có cơ chế miễn trách nhiệm hình sự đối với cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học. “Chúng ta đáp ứng những tiêu chí về tính khách quan, về quy trình, thủ tục song nếu xảy ra chúng ta mới cần miễn, còn không người làm khoa học hết sức rủi ro, vì cùng với dân sự sẽ là trách nhiệm hình sự”, ông nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) thì đề nghị không đưa nội dung miễn trách nhiệm dân sự, hình sự đối với nhà khoa học trong hoạt động nghiên cứu vào dự thảo Nghị định.
“Bởi vì, đây là việc đối nhân, ông nào vi phạm thì phải chịu trước trách nhiệm pháp luật chứ bây giờ riêng ông này được ưu tiên, còn người khác thì không được ưu tiên. Bao nhiêu người cống hiến khác không phải là khoa học, công nghệ cũng thế”, đại biểu Thân nhấn mạnh.
Giải trình, làm rõ hơn ý kiến các đại biểu nêu, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho hay các ý kiến vềquản lýtài chính, quyền tự chủ, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học… là những nội dung có nhiều vướng mắc kéo dài.
Ông cho hay nguyên nhân của những vấn đề này là Nhà nước muốn tránh rủi ro nên đề ra nhiều thủ tục phức tạp, dồn rất nhiều trách nhiệm lên các tổ chức nghiên cứu và kết quả là các cơ sở nghiên cứu không dám nhận những nghiên cứu lớn, có rủi ro cao như các nghiên cứu cơ bản.
“Nhưng nghiên cứu là có bản chất rủi ro, là một loại đầu tư có rủi ro cao. Nghị quyết lần này thí điểm cơ chế khoán chi đối với hầu hết các nghiên cứu mà không phải cam kết quả cuối cùng. Nhà nước sẽ quản lý thông qua đánh giá các giai đoạn nghiên cứu để tiếp tục cấp kinh phí, đánh giá các cơ sở nghiên cứu có kết quả để giao thực hiện tiếp các đề tài”, ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Hùng cho hay Nghị quyết cho phép Nhà nước cấp tiền cho nghiên cứu thông qua cơ chế quỹ. Nghị quyết cũng quy định về việc miễn trách nhiệm dân sự và không phải hoàn trả lại kinh phí nếu nghiên cứu không đi đến kết quả như dự kiến.
Theo Sở hữu trí tuệ
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-mo-nut-that-cho-cac-nha-khoa-hoc-yen-tam-nghien-cuu/20250218095117662
Bình luận (0)