Đó là chia sẻ của chuyên gia trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến “Chọn ngành học cho tương lai: Thí sinh cần làm gì sau khi thi tốt nghiệp THPT?” của Báo Thanh Niên chiều 3.7.
Điểm chuẩn sẽ không có nhiều biến động?
Nói về cách xác định điểm chuẩn, thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết điểm này không chỉ phụ thuộc vào số lượng thí sinh đăng ký từng ngành mà còn chất lượng thí sinh từng năm. Với tính phân loại khá rõ của đề thi tốt nghiệp THPT năm nay, khả năng có nhiều thí sinh đạt điểm khá nhưng khó đạt điểm 9-10.
Trên cơ sở đó, thạc sĩ Tư nhận định: “Thí sinh an tâm là biến động điểm chuẩn năm nay sẽ không nhiều so với năm trước đó”.
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho rằng cơ sở khoa học để xác định điểm chuẩn phương thức xét tuyển bằng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT là phổ điểm và số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào từng ngành của các trường sau ngày 30.7.
Tuy nhiên, thạc sĩ Phương lưu ý: “Từ thực tế tuyển sinh các năm trước, những ngành được nhiều người lựa chọn và được các trường ĐH đầu tư mạnh mẽ, điểm chuẩn rất cao. Năm nay, dự báo cũng sẽ có mức độ tương đồng”.
Chuyên gia này “điểm danh” những ngành điểm chuẩn được dự đoán ở mức cao như marketing, quản trị kinh doanh, truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng… Ngoài ra, một số ngành truyền thống của các trường và những ngành đang nằm trong xu thế của thời đại cũng có sự cạnh tranh rất cao giữa các thí sinh.
Ngay tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, thạc sĩ Phương cũng cho rằng các ngành có điểm chuẩn khá cao như: công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật ô tô, nhóm ngành quản trị về du lịch-nhà hàng-khách sạn, thiết kế đồ họa, truyền thông đa phương tiện… Thạc sĩ Phương nói thêm: “Thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn của các trường trong 3 năm gần đây để dự đoán mức điểm chuẩn năm nay”.
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM
Còn bao nhiêu chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT?
Từ tình hình xét tuyển các phương thức tuyển sinh sớm, thạc sĩ Cao Quảng Tư cho biết Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn còn khoảng 40% chỉ tiêu cho xét tuyển theo phương thức sử dụng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, trường bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào học bạ lớp 12 đợt thứ 2, từ ngày 3-31.7.
Chia sẻ thêm với thí sinh, thạc sĩ Tư nhắn nhủ: “Dù đã hoàn tất kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng các em đừng chủ quan. Thời điểm này cùng với việc nghỉ ngơi, học sinh nên dành thời gian để tìm hiểu thêm các trường, các ngành chuẩn bị cho việc đặt nguyện vọng xét tuyển chính thức từ ngày 10.7 tới trên cổng tuyển sinh của Bộ GD-ĐT”.
Theo ông Tư, Bộ GD-ĐT đã mở cổng tuyển sinh để thí sinh thực hành việc đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển. Thí sinh nên thực hành nhiều lần trong giai đoạn này để tự tin hơn khi thực hiện chính thức.
Liên quan đến việc thử nghiệm đăng ký xét tuyển, thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương cho rằng đây là dịp để thí sinh tra cứu kiểm tra thông tin cá nhân. Nếu phát hiện thông tin chưa chính xác, thí sinh cần kịp thời phản hồi để được chỉnh sửa.
Cũng theo thạc sĩ Phương, thí sinh đã nhận được thông báo trúng tuyển có điều kiện bằng các phương thức xét tuyển sớm của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cần lên cổng xét tuyển của Bộ GD-ĐT đăng ký nguyện vọng chính thức từ ngày 10-30.7.
Thạc sĩ Phương lưu ý thêm: “Trong giai đoạn xét tuyển sớm, thí sinh có thể đủ điều kiện để trúng tuyển nhiều ngành vào 1 trường bằng điểm học bạ, đánh giá năng lực… Tuy nhiên, năm nay các trường ĐH sơ loại trước để không để xảy ra tình trạng 1 thí sinh trúng tuyển nhiều ngành khác nhau hoặc trúng tuyển vào 1 ngành bằng nhiều phương thức khác nhau”.
Ở giai đoạn đăng ký trên cổng của Bộ GD-ĐT, thạc sĩ Phương nói: “Nếu muốn theo học ngành đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm, thí sinh chỉ cần đặt ngành đó ở nguyện vọng đầu tiên là trúng tuyển”.