Đây là nội dung trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “Xác nhận nhập học trúng tuyển: Những điều thí sinh cần nhớ” do Báo Thanh Niên tổ chức chiều qua (29.8). Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.
XÁC NHẬN NHẬP HỌC VÀ LÀM THỦ TỤC NHẬP HỌC SONG SONG
Có mặt tại chương trình tư vấn, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, lưu ý thí sinh (TS) đã trúng tuyển đợt 1 phải thực hiện song song 2 việc, đó là xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD-ĐT và đến trường làm thủ tục nhập học trực tiếp trong khoảng thời gian từ 24.8 – 8.9.
“Các trường sẽ kết thúc việc nhận hồ sơ nhập học vào 17 giờ ngày 8.9. Trong khoảng thời gian từ 24.8 – 8.9, nếu các em không xác nhận trên hệ thống cũng không đến trường nhập học thì coi như từ chối nhập học. Hoặc TS đã xác nhận trên hệ thống mà chưa đóng học phí sau khi kết thúc thời gian quy định thì cũng coi như từ chối trúng tuyển”, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên khẳng định.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Bình, Trưởng phòng Quản lý đào tạo – Công tác sinh viên Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, cho rằng chỉ trong trường hợp thực sự cấp bách như TS bị ảnh hưởng bởi bão lũ hoặc một lý do đặc biệt nào đó, trường mới linh động giải quyết nếu qua ngày 8.9 mà TS vẫn chưa đến trường làm thủ tục nhập học. Tuy nhiên, TS phải có giấy tờ chứng minh mình gặp phải tình huống đặc biệt đó.
Thạc sĩ Nguyễn Ân, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Duy Tân, lưu ý việc xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ là quy định bắt buộc, nếu không thì các trường sẽ không thể tiếp nhận TS trúng tuyển đợt 1. Do đó, nếu TS không thực hiện coi như chỉ tiêu đó các trường sẽ dành cho đợt xét tuyển bổ sung. “Điểm xét tuyển và trúng tuyển bổ sung sẽ bằng hoặc cao hơn đợt 1 nên nếu các em từ chối nhập học để xét bổ sung thì sẽ có những rủi ro nhất định”, thạc sĩ Ân nhắc nhở.
Theo thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nếu TS chưa kịp xác nhận nhập học trên hệ thống thì khi tới trường nhập học trực tiếp, cán bộ tuyển sinh của trường sẽ hỗ trợ TS thực hiện thao tác này để đảm bảo đúng quy chế tuyển sinh.
NHỮNG GIẤY TỜ CẦN THIẾT KHI NHẬP HỌC
Tại chương trình tư vấn, đại diện các trường cũng đã thông tin về số lượng TS nhập học đến thời điểm này.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cho biết TS đến Trường ĐH Kinh tế – Tài chính nhập học đã đạt 60% chỉ tiêu và trường sẽ bố trí cán bộ tiếp nhận hồ sơ cả những ngày cuối tuần và dịp lễ 2.9. Trong khi đó, Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM đã đạt 50% chỉ tiêu. Số lượng hồ sơ của Trường ĐH Duy Tân đã đạt 60% chỉ tiêu, còn Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đã đạt 60 – 65% chỉ tiêu.
“Hồ sơ nhập học thì hầu hết các trường đều yêu cầu các giấy tờ giống nhau như phiếu điểm bản chính hoặc phiếu kết quả thi đánh giá năng lực bản chính tùy vào phương thức trúng tuyển của TS, bản sao bằng tốt nghiệp THPT hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, bản sao học bạ, bản sao căn cước công dân, bản sao giấy khai sinh, các hồ sơ giấy tờ nếu thuộc đối tượng ưu tiên… Nếu thiếu một trong các giấy tờ trên các em có thể bổ sung sau”, thạc sĩ Nguyên cho hay.
Còn về các khoản phí bắt buộc phải đóng khi nhập học, theo đại diện các trường, gồm có học phí tạm thu, phí bảo hiểm y tế, phí khám sức khỏe… Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương cho hay TS có thể đóng học phí bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng đều được.
Còn nhiều chỉ tiêu bổ sung ở những ngành “hot”
Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM xét 656 chỉ tiêu bổ sung cho tất cả các ngành trên phạm vi trên cả nước ở 3 phương thức gồm: điểm trung bình học kỳ 1 hoặc cả năm lớp 12 đạt từ 5 trở lên; điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với tổng 3 môn tổ hợp đạt từ 15 trở lên; hoặc kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, hồ sơ nhận đến hết 6.9.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung đối với tất cả các ngành theo phương thức học bạ (học bạ 3 học kỳ và học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn) đến 17 giờ ngày 10.9.
Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung bằng phương thức học bạ gồm tổ hợp 3 môn lớp 12 và xét điểm trung bình 3 học kỳ từ 18 điểm trở lên đến hết ngày 12.9.
Trường ĐH Duy Tân xét khoảng 630 chỉ tiêu ở phương thức học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT với điểm xét tuyển bằng điểm chuẩn đợt 1, hồ sơ nhận đến hết 17.9.
Như vậy, vẫn còn rất nhiều ngành “hot” mà thí sinh có thể nộp hồ sơ xét bổ sung như y đa khoa, răng hàm mặt, công nghệ thông tin, robot và trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử, quản trị khách sạn, công nghệ kỹ thuật ô tô, kiến trúc…