Bài tập tăng sức bền, rèn luyện kháng lực như đi bộ, yoga, thái cực quyền, bơi lội, chạy bộ hỗ trợ kiểm soát đường huyết, giảm nguy cơ biến chứng tiểu đường.
ThS.BS.CKI Đỗ Trúc Anh, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết mục tiêu chính của điều trị tiểu đường là kiểm soát đường huyết tốt. Chỉ số đường huyết lúc đói của người tiểu đường type 2 cần đạt 80-130 mg/dl hoặc 4,4-7,2 mmol/l; chỉ số đường huyết sau ăn hai giờ nên dưới 180 mg/dl hoặc 10 mmol/l và chỉ số HbA1c (đường huyết trung bình trong 2-3 tháng) dưới 7%.
Cùng với sử dụng thuốc, thay đổi chế độ dinh dưỡng, tập thể dục đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết. Tập thể dục thường xuyên giúp cơ thể nhạy cảm hơn với insulin – hormone giúp tế bào trong cơ thể sử dụng đường trong máu làm năng lượng. Nhờ đó, người bệnh kiểm soát đường huyết tốt hơn, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tổn thương thần kinh, duy trì cân nặng phù hợp, giảm cân, ngủ ngon và vui vẻ hơn, cải thiện trí nhớ, giảm cholesterol…
Bác sĩ Trúc Anh cho biết tập thể dục kết hợp giảm cân được chứng minh làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 khoảng 58% ở người có nguy cơ cao. Dưới đây là một số loại hình thể thao người bệnh tiểu đường có thể tham khảo.
Các bài tập tăng sức bền như đi bộ, chạy bộ, chạy xe đạp hoặc bơi lội… làm tăng nhịp tim và nhịp thở. Thực hiện bài tập tăng sức bền giúp người bệnh tiểu đường tăng cường sức khỏe tim mạch, hô hấp, giảm tình trạng đề kháng insulin, cải thiện đường huyết, huyết áp và mỡ máu.
Người tiểu đường có thể thực hiện bài tập tăng sức bền ít nhất 150 phút mỗi tuần với cường độ vừa phải (tức tăng 50-70% nhịp tim tối đa) đến mạnh (tăng trên 70% nhịp tim tối đa). Một tuần tập ít nhất ba ngày và không để hai ngày liên tiếp không hoạt động. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần tập tùy theo tình trạng sức khỏe, có thể tư vấn với bác sĩ.
Rèn luyện kháng lực bao gồm các bài tập với tạ tự do, máy tập tạ, trọng lượng cơ thể hoặc dây kháng lực đàn hồi. Các lợi ích của tập kháng lực bao gồm tăng cường khối lượng cơ bắp, mật độ khoáng của xương, độ nhạy insulin, kiểm soát đường huyết và huyết áp. Nên duy trì bài tập có kháng lực 2-3 lần mỗi tuần.
Các hoạt động như thái cực quyền và yoga kết hợp linh hoạt, hoạt động cân bằng và kháng lực góp phần cải thiện phạm vi chuyển động xung quanh khớp. Chúng phù hợp với người tiểu đường lớn tuổi, giúp rèn luyện thăng bằng, giảm nguy cơ ngã bằng cách cải thiện sự cân bằng và dáng đi. Nhóm người này nên thực hiện bài tập có tính linh hoạt và thăng bằng 2-3 lần mỗi tuần.
Trước khi tập thể dục, người tiểu đường nên lưu ý kiểm tra lượng đường trong máu trước và sau khi tập để biết cơ thể phản ứng thế nào. Khởi động trước khi tập và thư giãn 5 phút sau tập thể dục. Uống đủ nước để tránh mất nước.
Bác sĩ Trúc Anh lưu ý người bệnh nên chuẩn bị kẹo, viên glucose hoặc một ít nước ép trái cây để phòng hạ đường huyết sau tập thể dục.
Đinh Tiên
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |