(NLĐO)- “Bánh mì không tên”, “bánh tiêu kiêu ngạo”, “mì thẩy” là những món ăn “độc lạ” mà du khách rất muốn thưởng thức khi đến với thành phố biển Vũng Tàu nhưng không phải ai cũng “đủ duyên” để ăn.
Tiệm bánh mì nhỏ gọn, nép mình giữa tuyến phố đông đúc trên góc đường Đồ Chiểu – Lý Thường Kiệt đã không còn xa lạ với người dân TP Vũng Tàu và là món ăn được nhiều người yêu thích, kể cả khách du lịch lần đầu ghé thăm.
Tiệm bánh mì không phải tên là “bánh mì không tên” mà bởi không có biển hiệu, không có số nhà nhưng khi hỏi người dân địa phương thì hầu như ai cũng biết đến nên từ đó mọi người tự đặt cho tiệm cái tên rất “độc lạ” là “bánh mì không tên”.
Muốn mua được ổ bánh mì, khách phải xếp hàng từ 15 phút đến 30 phút
Chị Nguyễn Ngọc Huyền, người dân TP Vũng Tàu cho biết từ nhỏ đã ăn bánh mì ở đây. Tiệm đã trải qua hàng chục năm, chứng kiến sự thăng trầm của thành phố du lịch, dù tiệm có nhiều lần sửa chữa, cũng có thời điểm nghỉ bán nhưng rồi lại được mở lại và điều đặc biệt là hương vị từ xưa đến nay vẫn không thay đổi. Từ nước sốt thơm, đậm đà đến thịt xá xíu, gia vị cũng rất riêng, khiến khách ăn một lần sẽ nhớ mãi và muốn ăn thêm lần nữa.
Theo chị Huyền, khách đến mua hàng tự xếp xe, xếp hàng và phải giữ trật tự nếu không sẽ nhận lại những cái nhìn “không mấy thiện cảm” từ chủ quán.
Bánh mì có nước sốt đặc trưng, thịt xá xíu, pa tê kèm rất nhiều loại rau khác
Mỗi ổ bánh mì có giá 20.000 đồng và chỉ bán vào buổi tối nhưng muốn ăn thì phải xếp hàng chờ ít nhất từ 15 phút đến 30 phút mới đến lượt và nếu không nhanh chân thì chỉ sau 21 giờ tiệm sẽ hết sạch bánh mì.
Cũng trên tuyến đường Đồ Chiểu, một cửa hàng bán món ăn vặt khác cũng “độc lạ” không kém là quán bánh tiêu đậu xanh. Không phải tự nhiên mà người dân và du khách gọi đây là quán “bánh tiêu kiêu ngạo”.
Bánh được làm tại chỗ và muốn ăn đều phải gọi điện đặt trước
Trước đây, cửa hàng bánh tiêu đặt tại số 43 Đồ Chiểu nhưng nay được chuyển về một con hẻm khác cũng trên tuyến đường này. Quán tồn tại từ hơn 30 năm, chỉ bán vào buổi chiều nhưng không phải ai muốn ăn đều mua được, bởi trước xe chiên bánh lúc nào cũng treo biển “Hết bánh”. Số bánh mà cửa hàng đang làm đã được đặt từ trước đó và mỗi ngày quán cũng chỉ làm đủ số lượng khách đã đặt trước, hầu như không có phát sinh thêm.
”Đây là quán bánh tiêu chảnh nhất mà tôi thấy”- anh Trịnh Hoàng Anh nói khi nhiều lần đến mua và đều tay không ra về.
Nhân bánh đậu xanh vàng óng, hương vị béo, thơm, bùi khó quên
Bánh tiêu đậu xanh thì trên khắp mọi nẻo đường tại Vũng Tàu đều bán, tuy nhiên nếu đã một lần được thưởng thức món bánh tiêu ở đây thì khó có thể ăn lại ở chỗ khác bởi những viên nhân đậu xanh hoặc cadé trứng vàng óng, ăn vào mang lại hương vị béo bùi khó quên. Phần đậu xanh sẽ được hấp chín và đem đi tán nhuyễn từ trước để đạt đến độ mịn vừa phải, khi cắn vào cảm nhận được vị béo béo, bùi bùi đặc trưng.
Một món ăn khác muốn ăn du khách cũng phải xếp hàng đó là mì thảy Nghiệp Ký trên đường Bacu, TP Vũng Tàu.
Sở dĩ món ăn này có tên gọi mì thảy vì cách chế biến độc đáo khi chủ quán vừa trụng mì, vừa thảy lên trên, những vắt mì đều nhau được cho vào một chiếc vợt chuyên dụng, mỗi một lần trụng mì vào nồi nước sôi, chủ quán sẽ thảy vắt mì lên cao rồi để mì rơi ngược trở xuống vô cùng điệu nghệ.
Vắt mì được chủ quán thảy lên trên sau khi trụng qua nước sôi, ảnh: S.T
Chủ quán cho biết món mì này được chế biến theo cách nấu mì truyền thống của người Hoa. Đặc biệt, phần mì tươi là do quán tự làm với nguyên liệu chính là trứng gà và bột, không quá dai như mì khô hay mì gói. Phần nước dùng được chế biến từ xương hầm và sườn non, ninh nhừ trong nhiều giờ. Khi chan nước dùng vào tô mì, sẽ thấy tô nước trong veo, không có một lớp ván mỡ dày như các loại mì khác.
Ngoài mì, quán cũng có bán cả hủ tiếu và hoành thánh để khách hàng thoải mái lựa chọn. Mỗi ngày, quán Nghiệp Ký mở cửa 2 buổi, từ 6 giờ sáng đến 13 giờ chiều và từ 16 giờ đến 23 giờ. Vào buổi chiều, đặc biệt là dịp cuối tuần, quán rất đông khách, du khách muốn thưởng thức món mì thảy thường phải đứng chờ một lúc mới tới lượt.