Khi tiến hành quy hoạch Sài Gòn, người Pháp đã chủ ý tạo ra những trục đại lộ theo ô bàn cờ và các điểm nhìn bằng những quảng trường lớn. Trấn ngự các quảng trường là các công trình mang tính biểu tượng của thiết chế đô thị: nhà hát, dinh Norodom (dinh Thống Nhất ngày nay), dinh Xã Tây (tức tòa thị chính, UBND Thành phố hiện nay), nhà ga cũ, chợ Bến Thành… và nhà thờ Đức Bà là điểm đón trục Catinat (Đồng Khởi) từ bờ sông đi lên.
Trong số các công trình này, nhà thờ Đức Bà có vị trí nổi bật nhất, nhờ có khoảng lưu thông rộng xung quanh cũng như chiều cao đáng kể so với các công trình lân cận. Ngoài chiều cao đến đỉnh 60,5m, điểm khiến công trình gây ấn tượng mạnh chính là màu gạch đỏ khác biệt và độ hoàn hảo của các chi tiết kiến trúc.
Khánh thành năm 1880, nơi đây trở thành trung tâm cộng đồng của thành phố. Quảng trường trước mặt nhà thờ tiếp giáp các đại lộ xung quanh cũng như tòa nhà bưu điện bên cạnh, tạo thành một sự kết nối hoàn thiện như mô hình một thành phố châu Âu.
Các nhà thờ khác cũng chọn những điểm nằm kế cận các khu dân cư đông đúc, như nhà thờ Ngã Sáu (tức nhà thờ Thánh Jeanne d’Arc, khánh thành 1922) nằm ở đối diện công viên Dạ Trạch trông ra một ngã sáu các con đường lớn ở quận 5, hình thành một điểm đón các hướng giao thông. Tương tự như nhà thờ Đức Bà, nhà thờ Ngã Sáu cũng có vị trí tách biệt với các khu nhà xung quanh, khiến cho ngôi nhà thờ không quá đồ sộ vẫn có sự đường bệ khác thường.
Các con đường trồng những hàng cây sao dầu thẳng tắp như đồng dạng với tháp chuông Gothic của nhà thờ tạo nên một chỉnh thể thống nhất của quy hoạch. Các nhà thờ thường chọn những màu ấm nóng như gạch đỏ, hồng, cam, thậm chí rực rỡ như nhà thờ Tân Định khiến cho chúng nổi bật giữa ánh nắng nhiệt đới và trên nền trời xanh cùng những tán cây màu lục tươi tốt quanh năm, tựa như những điểm nhấn về màu sắc dẫn dắt không gian đô thị.
Tạp chí Heritage