Theo cánh hoa xuân

Có hai thời điểm thích hợp nhất để đến với vùng cao là mùa Thu và mùa Xuân. Nếu như mùa Thu trải khắp núi rừng gam màu vàng xuộm lộng lẫy của những thửa ruộng bậc thang từ Hoàng Su Phì (Hà Giang) đến Tú Lệ (Yên Bái) thì mùa Xuân lại mang đến những sắc hồng phớt, trắng muốt và xanh non.

HeritageHeritage22/02/2025

Màu hồng phơn phớt là màu của những cây đào rừng thường thấy mọc tự nhiên ven theo những sườn núi chênh vênh lên Sapa, hoặc xếp thành những hàng dài nối đuôi theo những con đường quốc lộ ở Yên Bái. Người du khách ngỡ ngàng bởi sức sống của loài hoa báo hiệu mùa xuân trên đất vùng cao sau những ngày đông lạnh lẽo khắc nghiệt.

Ở Tây Bắc, đào Mộc Châu (Sơn La) nở sớm nhất từ những tháng cuối thu đầu đông và kéo dài trong khoảng hai đến ba tuần. Vốn thuộc giống đào Pháp nên những cánh hoa thường ít hơn và màu nhạt hơn so với đào rừng nở vào tháng hai.

Vào những ngày tháng hai, có người thích lên Sapa (Lào Cai) ngắm đào, mà phải là loại đào cổ, thân mốc rêu xanh, cành mập mạp vươn lên tự nhiên và mọc tận sâu trong các núi đá khe suối. Thú ngắm đào rừng khiến người lữ khách còn kéo đến tận những nơi xa xôi như La Pán Tần – Mù Cang Chải (Yên Bái). Những vạt rừng đào hồng xuộm cũng là đặc sản của Mù Cang Chải bên cạnh danh thắng quốc gia là ruộng bậc thang.

Người H’Mông ở đây coi hoa đào (hay tên tiếng H’Mông là Hoa Tớ Dày) là một loài hoa báo hiệu mùa xuân, mùa lễ hội Gầu Tào với những bông hoa đào xinh xắn điểm tô trên váy áo của người thiếu nữ H’Mông.

Màu trắng là màu của hoa mận, nổi tiếng nhất là hoa mận ở xứ Mộc Châu, với sắc màu tinh khôi nở sau những tháng đông dài, khoảng từ cuối tháng một đến tháng hai. Hoa mận nở trắng trời chẳng khác chiếc áo choàng mới tinh phủ lên cao nguyên. Những người yêu mảnh đất hoa Mộc Châu có thể khẳng định Mộc Châu mùa nào cũng đẹp bởi mùa nào Mộc Châu cũng là thiên đường hoa.

Và khi mùa xuân đến, bạn chỉ cần đến với Mộc Châu là thưởng thức được tất cả các loài hoa của Tây Bắc khi hoa lê, hoa mận trắng muốt hòa cùng với đào rừng tạo nên một cảnh sắc tuyệt thế, chẳng khác câu chuyện thần tiên. Trong sắc trắng bạt ngàn hoa mận, những mái nhà lợp gỗ pơ mu nổi lên nhấp nhô như những điểm nhấn của bản làng!

Dưới những tán đào, mận, lê, người vùng cao cũng xúng xinh trong những gam màu thổ cẩm rực rỡ để đón xuân. Du khách bắt gặp họ trên những nẻo đường từ Hà Giang đến Lào Cai, từ Lai Châu sang Sơn La, với những chiếc gùi trên vai để ra phiên chợ sớm nhộn nhịp. Nếu du khách có lạc bước tới những bản làng nhỏ người H’Mông sinh sống thì vẫn có thể bắt gặp những người phụ nữ H’Mông cặm cụi bên công việc thêu thổ cẩm thường nhật. Còn ngoài sân, lũ trẻ người H’Mông vẫn đang chơi đùa hồn nhiên giữa những mùa hoa.

Người miền xuôi đến với miền ngược thì vừa xuýt xoa trước cảnh sắc núi rừng mà chả thể nào có được, vừa yêu cái chân thật hồn nhiên của người vùng cao. Có những người khách cứ mỗi mùa hoa xuân lại lên núi lên rừng, ngắm cho được cành đào rừng phai, phải say cho hết cái bát rượu ngô cay nồng được mời, phải hít cho căng tràn cái không khí thanh sạch của đất trời. Thế nên khi thấy những cây đào rừng lâu năm bị chở về với miền xuôi, người lữ khách cũng có chút bồi hồi xót xa bởi, đối với thiên nhiên “xin đừng để lại gì ngoài những bước chân và không mang gì đi ngoài những bức ảnh”. Đào rừng xin được ở với rừng. Và biết đâu, khi đó người Việt lại có thú vui mới là đón xuân ở vùng cao, ngồi dưới những tán hoa đào, hoa mận, và say trong hương rượu ngô giữa núi rừng. Thế là đã vào một mùa xuân.

Tạp chí Heritage


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available