Đến khi nghe chuyên gia tâm lý cho rằng tuổi dậy thì trẻ con thường nghe theo lời bạn bè, chỉ có bạn mới đúng, mới thấu hiểu mình, còn cha mẹ chỉ là người… xa lạ. Thật là ngậm ngùi, bài học làm bạn với con đến lúc đó người cha mới được học vỡ lòng.
Làm bạn với con trẻ
Một người cha khác khi con gái 11 tuổi có dấu hiệu dậy thì mà vợ đang vắng nhà… Không biết giúp con làm sao, mở Google thấy hướng dẫn đủ kiểu rối tinh rối mù. Trước tình huống này, người cha mới nhận ra một lỗ hổng rất lớn về kiến thức nuôi dạy con trẻ, bèn xin lỗi con gái: “Con yêu cho ba xin lỗi con nhé, ba cũng lần đầu làm ba nên chưa có những hiểu biết này”.
Làm cha mẹ là một hành trình dài cần học hỏi rất nhiều… Trẻ vừa lớn lên, vừa học cách để phát triển kỹ năng, trí thông minh, thái độ và giá trị sống. Còn cha mẹ lại phải học cách để ứng xử, giao tiếp và nuôi dạy con cái sao cho phù hợp.
Câu chuyện của một người cha xì-tin khiến tôi vừa ngưỡng mộ vừa quyết tâm đem sách vở để học tập về cách làm bạn với con trẻ. Vì vợ thường ra nước ngoài công tác nên anh L. (45 tuổi, Q.2, TP.HCM) đã trông nom, đưa đón, dạy dỗ hai đứa con trai tuổi teen. Bí quyết làm bạn với con của anh không có gì khó khăn cả, chỉ là nếu muốn làm bạn với các con thì phải có sở thích cùng con.
Biết các con thích nghe nhạc Alan Walker, người cha cũng tìm hiểu, sưu tầm những bản nhạc hay của Alan Walker. Tụi nhỏ thích đạp xe đến các khu du lịch vào hai ngày cuối tuần, anh L. cũng ráng đua theo.
Kinh nghiệm làm cha của anh L. là thường xuyên hỏi hai con về những thứ con quan tâm và cùng con theo những trend trên mạng xã hội anh thấy phù hợp. Quan niệm của anh là thế giới của trẻ con có quá nhiều điều đáng học hỏi, cha mẹ cần bỏ cái tôi để lĩnh hội những gì thuộc về các con.
Vậy đó, nhưng vẫn không tránh khỏi những trường hợp người cha được thử thách: “Ba ơi! Một bạn nữ thích con mà con không thích thì phải làm sao? Con gái giờ mạnh dạn lắm ba ơi! Bạn ấy còn nhắn tin cho con là sẽ tỏ tình ở trước lớp vào giờ sinh hoạt”…
Không ngừng tích lũy trong hành trình làm cha mẹ
“Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông” có nghĩa là cha mẹ, ông bà chỉ học được cách ứng xử, giao tiếp phù hợp với từng đứa trẻ khi chúng được sinh ra.
Mỗi bạn nhỏ đều có những đặc điểm tính cách, khí chất, sở thích khác nhau…
Những kiến thức chung về tâm lý trẻ em sẽ là nền tảng, không thể áp dụng một cách rập khuôn, máy móc vào một đứa trẻ cụ thể được. Để dạy bảo từng đứa trẻ hiệu quả, người lớn phải tiếp xúc, tìm hiểu kết hợp với những kiến thức về tâm lý trẻ em được trang bị.
Vừa nuôi dạy con trẻ, vừa học hỏi cách tác động đến trẻ sao cho hợp lý nhất. Trẻ con càng lớn, kinh nghiệm làm cha mẹ càng được tích lũy nhiều, càng có cách ứng xử phù hợp hơn.
Cha mẹ không ở được với trẻ bao nhiêu, nên nếu có thể, cần tranh thủ hết cơ hội và thời gian cho con những ký ức tuổi thơ vui vẻ, hạnh phúc ngay từ khi nằm trong bụng mẹ.
Trẻ càng có nhiều ký ức hạnh phúc thời tuổi thơ sẽ sinh trưởng tốt lành, có tâm lý dễ chịu, yêu đời và hài lòng hơn với cuộc sống. Đồng thời, những trẻ này cũng có xu hướng xây dựng mối quan hệ trong sáng, lành mạnh với mọi người hơn.
Để đồng hành với con trong suốt chặng đường nuôi nấng, dạy dỗ, các bậc cha mẹ cần không ngừng tích lũy những hiểu biết, kỹ năng và thái độ ứng xử phù hợp với sự phát triển liên tục của trẻ.
Có thể nói, mỗi một đứa trẻ xuất hiện trên thế giới này sẽ có những cách thức tác động khác nhau đến trẻ, để cha mẹ trẻ vì thế mà trưởng thành, chín chắn hơn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nhung-lung-tung-lan-dau-lam-cha-20240721085021665.htm