Theo Parade, những cuộc trò chuyện hằng ngày trong gia đình trông có vẻ bình thường, nhưng rất nhiều cụm từ quen thuộc có thể gây hại cho sự phát triển tâm lý và hạnh phúc tổng thể của trẻ em.
Trò chuyện với con, cha mẹ nên tránh những câu nói có tính tạo "áp lực" - Ảnh minh họa: Freepik
Bác sĩ tâm lý lâm sàng, tiến sĩ Sarah Bren cho biết có vô số cách mà cha mẹ và ông bà có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của con hoặc cháu mình. "Cha mẹ liên tục định hình quỹ đạo phát triển của con mình, cả trực tiếp và gián tiếp", bà Bren giải thích.
Người lớn nên ngừng nói gì với trẻ em?
"Hoàn hảo"
Bác sĩ tâm lý trẻ em, tiến sĩ Caroline Danda cho biết mọi người thường khen ngợi "hoàn hảo" khi mọi việc diễn ra theo kế hoạch.
Tuy nhiên, việc nói điều này với trẻ thường xuyên có thể khiến trẻ nghĩ rằng sự hoàn hảo là điều có thể đạt được và là điều được kỳ vọng, trẻ cần phải đạt được cột mốc đó.
Vì vậy, hãy nói "Tốt rồi, cha/mẹ cảm ơn con" hoặc "Con làm tốt lắm" để khích lệ trẻ mà không tạo ra những áp lực về sự hoàn hảo.
"Không có gì to tát đâu"
Nói câu này, hoặc tương tự như "Con sẽ vượt qua thôi", không phải là cách tốt khi con bạn, đặc biệt là trẻ ở tuổi teen, đang xúc động, vì đối với trẻ đó thực sự là chuyện lớn.
"Đây là những gì con nên làm"
Cụm từ này thuộc danh mục mà tiến sĩ Danda gọi là "quyết định một chiều", có thể vô tình làm suy yếu sự tự tin hoặc tính tự lập của trẻ. Thay vào đó, bà gợi ý các bậc phụ huynh nên nói "Cha/mẹ có một vài ý kiến nếu con muốn nghe".
"Ngày hôm nay của con thế nào?"
Thông thường, tiến sĩ Danda cho biết câu trả lời bạn nhận được từ câu hỏi này là "Bình thường", và trẻ sẽ khó chịu nếu bạn hỏi thêm.
Thay vào đó tiến sĩ Danda gợi ý các cụm từ như: "Cha/mẹ rất vui khi thấy con" hoặc "Cha/mẹ hy vọng bài kiểm tra của con có kết quả tốt. Cha/mẹ biết con đã học chăm chỉ để chuẩn bị cho bài kiểm tra"...
"Kế hoạch của con cho đại học là gì?"
"Đây là câu hỏi phổ biến, đặc biệt ở những bậc phụ huynh kỳ vọng con có thành tích cao", tiến sĩ Danda nói. Thay vào đó, bà gợi ý một câu hỏi tốt hơn là: "Dự định của con sau khi tốt nghiệp là gì?".
Nhưng cha mẹ và ông bà không cần phải là những người quá hoàn hảo. Tiến sĩ Bren thường nhắc nhở: "Nếu bạn lỡ nói điều gì đó mà bạn thực sự ước mình không nói, bạn sẽ có cơ hội làm lại vì việc nuôi dạy trẻ là hành trình dài chứ không phải đạt được sự hoàn hảo trong từng khoảnh khắc".
Nguồn: https://tuoitre.vn/5-cum-tu-nha-tam-ly-tre-em-mong-cha-me-va-ong-ba-ngung-noi-20250209111423616.htm
Bình luận (0)