Nhà máy xe lửa Gia Lâm là công trình đường sắt trọng yếu người Pháp xây dựng tại Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Ban đầu được xây dựng như một kho cơ khí, nơi các đầu máy xe lửa được bảo dưỡng và sửa chữa.
Năm 1970, nhà máy được đầu tư xây dựng lại từ kinh phí do chính phủ Ba Lan viện trợ cho Việt Nam. Hệ thống cơ sở hạ tầng, nhà xưởng được đầu tư đồng bộ, thiết kế theo đặc thù của đường sắt để đáp ứng công suất tối đa là đóng mới gần 1.200 toa xe, sửa chữa hơn 120 đầu máy và 600 toa xe/năm.
Một Xưởng sửa chữa, đóng mới đầu máy, toa xe có mái che được thiết kế đặc biệt, với dàn kính lấy ánh sáng; cùng đó là hệ thống cần trục trên cao có thể nâng hàng trăm tấn.
Trải qua hai thế kỷ, biết bao thăng trầm đã song hành cùng nhà máy. Thời kỳ hoàng kim, có cả nghìn công nhân làm việc, được coi là niềm tự hào khi được có mặt tại đây.
Các chi tiết bánh xe tàu hỏa đang chờ được hoàn thiện tại một phân xưởng.
Kết nối giữa các xưởng trong nhà máy có hệ thống đường ray cả khổ 1,435m và khổ 1m và cầu lăn. Đầu máy, toa xe sẽ được kéo từ xưởng lên cầu lăn, sau đó cầu lăn được điều khiển vào đúng vị trí đường ray cần đưa đầu máy, toa xe vào xưởng để kéo sang.
Khu nhà xưởng hoàn thiện thân vỏ các toa tàu.
Khuôn viên của nhà máy rộng hơn 20,3ha, trong đó gần 5km đường ray dẫn vào các nhà xưởng, nối thẳng với ga Gia Lâm và hòa vào hệ thống đường sắt quốc gia, 6 xưởng sản xuất và khu nhà điều hành, kho chứa vật liệu, nhà nghỉ giữa ca, hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, 10 trạm cung cấp điện, đường giao thông nội bộ, hồ điều hòa lớn kết hợp phục vụ chữa cháy, khuôn viên cây xanh, sân thể thao…
Hiện tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm trở thành điểm nhấn lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 với nhà xưởng, đầu máy trở thành không gian nghệ thuật triển lãm, trưng bày… thu hút đông đảo người dân đến tham quan.
Đầu hơi nước có số hiệu 141-179 (đầu máy Tự lực) là một trong 3 đầu máy hơi nước thuộc dòng Mikado được các kỹ sư Nhà máy Xe lửa Gia Lâm nghiên cứu thiết kế, chế tạo từ năm 1964, có sự hỗ trợ của các kỹ sư đầu máy xe lửa Trung Quốc. Đây là loại đầu máy được thiết kế chạy trên đường ray khổ 1.000mm. Tổng số đầu máy chủng loại này được sản xuất khoảng 50 chiếc, chủ yếu được sử dụng vận chuyển hàng hóa ở miền Bắc.
Khách tham quan khu nhà xưởng bên trong nhà máy.
Một tháp nước cao hàng chục mét được xây dựng từ những năm 1977-1978 bên trong khuôn viên Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Nước giếng khoan sẽ được bơm lên bể chứa trên cao, sau đó tỏa đi phục vụ sản xuất của nhà máy và đời sống sinh hoạt của người dân trong khu vực.
Khi xây dựng, đài chứa nước đã được đúc sẵn, sau đó dùng tời tay kéo dần lên đặt trên tháp. Các khẩu hiệu vẫn còn in rõ ở phần dưới đài chứa nước dù trải qua hàng chục năm.