Trong 15 năm thiết lập Đối tác Chiến lược Toàn diện, các lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đã thực hiện nhiều chuyến thăm cấp cao, góp phần củng cố quan hệ song phương.
Việt Nam và Trung Quốc nhất trí nâng quan hệ hai nước thành Đối tác hợp tác Chiến lược Toàn diện theo phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” trong chuyến thăm của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tới Bắc Kinh từ ngày 30/5 đến ngày 2/6/2008.
Trong ảnh, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh (bên phải) và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào duyệt đội danh dự tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.
Ngày 31/12/2008, hai nước ra Tuyên bố chung về việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc.
Tháng 10/2011, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh. Trong chuyến thăm này, hai bên ra Tuyên bố chung và Thỏa thuận Nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển.
Vào tháng 6/2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Trung Quốc. Đây cũng là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam sau khi ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc.
Trong chuyến thăm, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác cùng có lợi trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mong muốn phía Trung Quốc tăng cường đầu tư những dự án lớn trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, chế tạo, công nghiệp phụ trợ với công nghệ hiện đại, tiên tiến.
Cùng trong năm 2013, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (bên trái) thăm Việt Nam ngày 13-15/10, gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao Việt Nam, trong đó có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và người đồng cấp Trung Quốc, hai bên nhất trí thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tăng cường tin cậy, thúc đẩy hợp tác, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, theo tinh thần và nguyên tắc của DOC, trên cơ sở đồng thuận, nỗ lực hướng tới thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh ngày 10/11/2014, trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 22.
Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017, hy vọng hai bên tiếp tục duy trì hợp tác và phối hợp trong cơ chế APEC.
Tháng 4/2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc và hội đàm cùng ông Tập Cận Bình. Năm 2015 đánh dấu 65 năm Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trong cuộc hội đàm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng dù quan hệ song phương có lúc thăng trầm, hợp tác hữu nghị, phát triển tích cực vẫn là dòng chính.
Tháng 9/2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang thăm Trung Quốc và chuyển lời mời ông Tập thăm Việt Nam.
Đầu tháng 11/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Lãnh đạo Trung Quốc cho biết nước này rất coi trọng tình hữu nghị giữa hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 10 đến 15/9/2016, theo lời mời của người đồng cấp Lý Khắc Cường. Đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Đảng, nhà nước và chính phủ Việt Nam sau Đại hội Đảng lần thứ 12.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tham dự Hội chợ Trung Quốc – ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị Thượng đỉnh thương mại, đầu tư Trung Quốc – ASEAN (CABIS) lần thứ 13 tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng phái đoàn cấp cao Việt Nam thăm Trung Quốc hồi tháng 1/2017.
Trong chuyến thăm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam với các dự án áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, ưu tiên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ cao, chế tạo máy, công nghiệp phụ trợ, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; kết hợp đầu tư với chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với nhu cầu và chiến lược phát triển của Việt Nam.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 12-13/11/2017 thăm Việt Nam. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Tập sau Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc, và là chuyến thăm Việt Nam thứ hai của ông trên cương vị Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc.
Trong ảnh, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Trung Quốc thăm nhà sàn Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội ngày 13/11/2017.
Hai bên ra Tuyên bố chung, nhấn mạnh sẽ luôn nhìn nhận và phát triển quan hệ Việt – Trung từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn lâu dài, kiên định thực hiện chính sách hữu nghị đối với nhau.
Sau khi Trung Quốc mở cửa hậu đại dịch Covid-19, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn Việt Nam đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 30/10 đến 1/11/2022.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì lễ đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 31/10, với 21 phát đại bác chào mừng.
Ông Tập đã trao tặng Huân chương Hữu nghị cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, khẳng định Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là “người bạn tốt, chân thành” của Trung Quốc, “người định hướng và thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Việt Nam trong thời đại mới”.
Ngày 25/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên, trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Trong ảnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường duyệt đội danh dự trong lễ đón chính thức tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh sáng 26/6.
Hồi tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã tới Trung Quốc dự Hội chợ Trung Quốc – ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Thương mại – Đầu tư Trung Quốc – ASEAN lần thứ 20 tại Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây.
Trong cuộc tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Trụ sở Trung ương Đảng ngày 1/12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị hai bên thúc đẩy toàn diện quan hệ trên các lĩnh vực, trọng điểm là tăng cường giao lưu tiếp xúc cấp cao nhằm tạo định hướng chiến lược cho quan hệ song phương.
Ông Tập Cận Bình và phu nhân sẽ thăm Việt Nam từ ngày 12 đến 13/12 theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân. Đây sẽ là chuyến thăm Việt Nam thứ ba của ông Tập Cận Bình trên cương vị Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc.
Ảnh: TTXVN, China Daily, Xinhua, Reuters
Vnexpress.net