Quái vật hồ Loch Ness là một trong những bí ẩn giúp hồ Loch Ness trở thành huyền thoại thu hút khách hàng trăm năm nay tại Scotland.
Dưới đây là những bí ẩn về hồ nổi tiếng ở Scotland, nơi gắn liền với huyền thoại “quái vật hồ Loch Ness” hơn 100 năm qua, được CNN tổng hợp và liệt kê.
Bí mật dưới lòng hồ
Dưới lòng hồ có gì là bí mật lớn nhất mà Loch Ness chứa đựng. Alistair Matheson, người dẫn khách tham gia các chuyến du ngoạn trên hồ được trang bị sóng siêu âm, cho biết có rất nhiều người tin rằng có quái vật dưới lòng hồ. Matheson cũng tin hồ chứa bí ẩn.
Hồ Loch Ness có nhiệt độ nước trung bình quanh năm 4-5 độ C, dài 37 km, sâu khoảng 230 m, đủ sâu để “nhấn chìm lâu đài Endinburgh” hai lần, theo CNN. Bùn từ các con sông và suối xung quanh trôi vào khiến nước có màu nâu đậm như nước trà. Dưới lòng hồ du khách khó có thể nhìn rõ một tàu ngầm dài 120 m ở khoảng cách nửa mét.
“Khung cảnh dưới mặt nước giống như một thế giới đã mất”, Alan McKenna, người sáng lập Loch Ness Exploration, tổ chức nghiên cứu và tìm kiếm quái vật hồ Loch Ness, cho biết. McKenna nói nhiều người “đã nhìn thấy những thứ không thể giải thích được”. Theo anh, những hình ảnh đó có thể là quái vật và cũng có thể là do hiện tượng tự nhiên gây nên.
Người đầu tiên chụp được “quái vật hồ Loch Ness”
Huyền thoại về quái vật hồ Loch Ness có từ lâu nhưng phải đến ngày 12/11/1933, Hugh Gray, công nhân của nhà máy gần đó mới chụp được bức ảnh đầu tiên về “quái vật” hồ Loch Ness.
Đầu năm đó, vào tháng 4/1933, quản lý khách sạn gần đó Aldie McKay đã tạo ra một “cơn sốt toàn cầu” khi thông báo về việc nhìn thấy một con quái vật khổng lồ gần bờ hồ.
Những thông tin trên thu hút lượng lớn du khách đổ xô đến hồ tìm kiếm trong thế kỷ qua. Khách sạn của McKay nằm tại làng Drumnadrochit gần đó trở nên nổi tiếng và hưởng lợi rất nhiều. Ngày nay khách sạn trở thành Loch Ness Center, trung tâm Loch Ness, được định giá 1,8 triệu USD, là nơi chuyên cung cấp các tour liên quan đến con quái vật bí ẩn.
Tháng 8/2022, một cuộc săn quái vật đã được tổ chức và trở thành cuộc săn lùng lớn nhất trong 50 năm trở lại. Giống như mọi lần, cuộc tìm kiếm không đưa được ra các chứng cứ thuyết phục về việc chụp được hình ảnh quái vật trong hồ.
Bí ẩn quanh hồ
Ngay cả khi đến thăm hồ vào một buổi chiều đầu tuần ảm đạm, bầu trời xám xịt, Loch Ness vẫn thu hút du khách nhiều hơn những gì họ mong đợi. Dù không thấy quái vật, du khách vẫn bị thu hút bởi những câu chuyện kỳ lạ xung quanh.
Một trong số đó là chuyện về tu sĩ Ireland Saint Columba từng trục xuất một con rắn biển ra khỏi sông Ness vào thế kỷ 6 cho đến những hành động kỳ lạ của nhà huyền bí người Anh Aleister Crowley tại dinh thự mang tên Boleskine ở phía đông nam hồ.
Ngôi nhà bị hỏa hoạn thiêu rụi năm 2015, đang được tân trang lại, thi thoảng mở cửa để khách tham quan. Quản lý ngôi nhà hiện nay là tổ chức từ thiện The Boleskine House Foundation, có chức năng khôi phục và bảo tồn ngôi nhà cùng khu đất xung quanh.
Dù vậy, không có huyền thoại nào về hồ vượt qua được hình ảnh con quái vật trong trí tưởng tượng của công chúng.
Những người gắn cuộc đời cùng quái vật
Nhà tự nhiên học Adrian Shine, người sáng lập nhóm nghiên cứu Dự án Loch Ness từ năm 1973, đã dành thời gian khám phá hồ 50 năm nay. Shine là nguồn cảm hứng và cố vấn cho nhiều thế hệ sau đam mê nghiên cứu hồ sau này, gồm Alan McKenna. Mỗi tháng, McKenna đều đặn đi 3 tiếng từ Edinburgh đến hồ để bắt đầu một cuộc săn tìm quái vật. Một người khác là Steve Feltham, sống cạnh hồ từ năm 1991.
Du khách khi đến đây đều có thể gặp được họ và cộng đồng những người hâm mộ hồ Loch Ness. Chân dung của họ là những người yêu môi trường, đam mê khám phá khoa học và bí ẩn của cuộc sống.
Ảo ảnh nước
Loch Ness không bị đóng băng vào mùa đông vì phía bên dưới là dòng nước ấm. Những lớp nước dịch chuyển ở các nhiệt độ khác nhau tạo ra các đợt sóng khổng lồ dưới nước và dòng chảy lớn trên bề mặt cuốn theo các khúc gỗ, mảnh vụn khiến nhiều người bị nhầm là đang nhìn thấy đuôi hoặc cổ của một sinh vật lớn.
Thi thoảng hồ có những vòi nước, cột sương mù và không khí xoáy tròn dù nước lặng. Từ xa nhìn lại khung cảnh giống như chiếc cổ dài của con quái thú đang quằn quại. McKenna lẫn Shine đều tin rằng phần lớn hình ảnh về quái vật hồ Loch Ness là ảo ảnh nước tạo ra.
Shine từng giải thích trong video rằng khi các tàu mang trọng tải lớn đi qua hồ dài, sâu và hẹp như Loch Ness có thể tạo ra những gợn sóng lớn giống vết lồi lõm của đốt sống lưng khủng long, đặc biệt khi quan sát từ một góc thấp như đứng ở bờ biển.
Ý tưởng về một sinh vật giống khủng long sống trong hồ bị bác bỏ nhiều năm trước. Một nghiên cứu cho thấy không có DNA của loài bò sát trong nước. Và nước cũng quá lạnh để một sinh vật như vậy có thể tồn tại.
Hồ cũng thông với biển và nhiều con sông. Vì vậy các giả thuyết giải thích cho hình ảnh nghi là quái vật có thể là do hải cẩu hoặc cá voi bơi qua.
Sự tồn tại của con quái vật chưa bao giờ được chứng minh, nhưng nó cũng không thể bị bác bỏ. Và chính niềm tin này đã giúp các tín đồ tiếp tục cố gắng tìm kiếm.
Anh Minh (Theo CNN)