“Cửa sáng” xuất khẩu gạo tiếp tục rộng mở
Theo các thương nhân xuất khẩu gạo, Indonesia là quốc gia nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam. Hiện quốc gia này đang trải qua 9 tháng liên tiếp bị thiếu hụt gạo do sản xuất trong nước thấp hơn so với nhu cầu, đẩy giá gạo bán lẻ gạo phẩm cấp cao trong nước lên tới 1,16 USD/kg, vượt giá trần Chính phủ ấn định là 0,9 USD/kg. Vì vậy, Chính phủ Indonesia cho phép tăng nhập khẩu gạo để “hạ nhiệt” giá gạo trong nước.
Ông Vũ Tuấn Anh – Chủ tịch Công ty GLE cho hay, ngày 25.3.2024, Cơ quan thu mua nhà nước Bulog (Indonesia) công bố thông báo mở thầu quốc tế lần 3 trong năm 2024 để mua vào 300.000 tấn gạo 5% tấm. Sáng ngày 27.3, Bulog đã công bố kết quả trúng thầu và Việt Nam thắng 108.000 tấn gạo tại gói thầu này.
“Tổng hạn ngạch nhập khẩu gạo trong năm 2024 của Indonesia lên đến 3,6 triệu tấn gạo, đây là con số không hề nhỏ. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2024, Bulog đã mở 3 gói thầu để mua vào tổng cộng 1,1 triệu tấn gạo trong tổng lượng gạo 3,6 triệu tấn dự kiến nhập khẩu trong năm 2024. Điều này tạo cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục khởi sắc” – ông Vũ Tuấn Anh nói.
Philippines cũng là quốc gia nhập khẩu gạo Việt với số lượng lớn. Dẫn thông tin của Cục Trồng trọt Philippines, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, quốc gia này đã nhập khẩu trên 793.753 tấn gạo. Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp chính với trên 431.846 tấn (Thái Lan xếp thứ hai với trên 210.127 tấn).
“Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng gạo Philippines ở mức 12,125 triệu tấn, cao hơn cùng kỳ, tuy nhiên, đây vẫn là thị trường tiềm năng về xuất khẩu gạo của Việt Nam” – ông Vũ Tuấn Anh thông tin thêm.
Nguồn cung gạo xuất khẩu của Việt Nam dồi dào
Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, sản lượng lúa vụ mùa và đông xuân của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng 126 nghìn tấn (tăng 1,1%); trong đó sản lượng lúa vụ đông xuân ước đạt 10,7 triệu tấn, tăng 65 nghìn tấn (tăng 0,6%); sản lượng lúa mùa đạt 974 nghìn tấn, tăng 60 nghìn tấn (tăng 6,6%). Đây là con số khá lớn khi sản lượng lúa đông xuân vùng ĐBSCL chiếm tới trên 50% sản lượng lúa đông xuân của cả nước. Nguồn cung dồi dào đã kéo giá lúa giảm nhẹ.
Một thương nhân xuất khẩu gạo tại Long An (đề nghị không nêu tên), cho biết: Việt Nam và Thái Lan đều đang trong thời gian thu hoạch cao điểm, nguồn lúa gạo dồi dào nên các thương lái buộc phải giảm giá lúa. Điều này khiến các thương nhân xuất khẩu gạo “dễ thở”, bởi hiện tại giá gạo xuất khẩu của hầu hết các nước đều giảm.
Giảm giá xuất khẩu sẽ dễ cạnh tranh hơn khi hiện nay, giá xuất khẩu của gạo Việt thấp nhất trong 3 nước xuất khẩu gạo truyền thống (Việt Nam, Thái Lan và Pakistan. Ấn Độ hiện vẫn đang tạm ngừng xuất khẩu gạo trắng).
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tuần này, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 5 USD/tấn. Theo đó, gạo 5% tấm xuất khẩu với giá 577 USD/tấn; gạo 25% tấm xuất khẩu với giá 558 USD/tấn; gạo 25% tấm chào hàng với giá 478 USD/tấn.
“Gạo 5% tấm là loại gạo xuất khẩu phổ cập nhất. Loại gạo này của Việt Nam đang thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan 4 USD/tấn và thấp hơn gạo Pakistan 24 USD/tấn sẽ tạo cơ hội cho gạo Việt trên bàn đàm phán” – ông Vũ Tuấn Anh cho hay.
Theo Bộ NNPTNT, trong 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo đạt 1,37 tỉ USD, với số lượng 2,07 triệu tấn, tăng 40% về giá trị và tăng 12% về lượng. Giá xuất khẩu gạo bình quân đạt 661 USD/tấn, tăng 5%.