Trong bối cảnh toàn cầu khó khăn, lực lượng lao động tại châu Á là động lực giúp kiều hối chảy về cả nước tăng lên mức kỷ lục 16 tỷ USD.
Kiều hối chảy về Việt Nam tăng trưởng chậm giai đoạn Covid-19, thậm chí suy giảm trong năm 2022. Tuy nhiên, dòng tiền này hồi phục mạnh trong năm qua, đạt con số kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Nói với VnExpress, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) ước tính lượng kiều hối chảy về cả nước năm 2023 đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm trước.
Địa phương đón nhận lượng kiều hối nhiều nhất tiếp tục là TP HCM với gần 9,5 tỷ USD, tức chiếm gần 60% của cả nước.
Vốn là khu vực có nhiều người Việt sinh sống, học tập và làm việc tại nước ngoài, TP HCM năm qua ghi nhận lượng kiều hối tăng hơn 40% so với năm ngoái. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất thập kỷ, một phần do nền thấp của năm 2022.
Một doanh nghiệp kiều hối top đầu tại địa bàn phía Nam – Công ty Kiều hối Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank-SBR) – cũng cho biết ghi nhận doanh số kiều hối chuyển về tăng trưởng vượt bậc. Năm 2023, công ty ghi nhận doanh số kiều hối chuyển về tăng hơn 95% so với năm 2022, là mức tăng mạnh nhất giai đoạn 5 năm trở lại đây.
Nhìn nhận diễn biến tích cực này, các chuyên gia cho rằng hậu Covid-19, một số nước bắt đầu tháo gỡ việc thắt chặt xuất nhập cảnh, giúp lượng người Việt xuất khẩu lao động tăng lên, là một trong các lý do khiến kiều hối tăng mạnh so với năm ngoái.
Ông Trần Kim Khoa, Chủ tịch Sacombank-SBR, cho biết năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi lao động, học tập tăng thêm hơn 158.000, tăng hơn 11% so với năm 2022. “Đây là yếu tố quan trọng góp phần tăng thêm nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam”, ông nói.
Theo số liệu được lãnh đạo Bộ Ngoại giao cho biết, hiện nay có 6 triệu người Việt đang sinh sống ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, 80% là các nước phát triển. Riêng tại TP HCM, có khoảng 2,9 triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc tại các nước.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp khó, động lực chính cho tăng trưởng kiều hối năm 2023 đến từ lực lượng lao động tại khu vực châu Á. Trong khi đó, lượng kiều hối chuyển về từ khu vực châu Phi và châu Mỹ giảm hoặc tăng thấp.
Khu vực châu Á đóng góp hơn một nửa lượng kiều hối chảy về TP HCM và ghi nhận mức tăng trưởng trên 140% so với 2022. Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP HCM, châu Á là khu vực có sự ổn định về kinh tế, chính trị cùng với quan hệ kinh tế, hợp tác lao động ngày càng mở rộng. Do đó, đây sẽ là khu vực có tác động đến tăng trưởng kiều hối thời gian tới.
Chung nhận định, ông Trần Kim Khoa đánh giá vai trò ngày càng quan trọng của khu vực châu Á đối với lượng kiều hối, gồm 3 thị trường lao động lớn nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Năm 2023, khi Mỹ, châu Âu,… đối mặt với lạm phát cao, bất ổn do ảnh hưởng của chiến tranh Nga – Ukraina, Israel – Hamas nên lượng kiều hối về Việt Nam tuy có tăng nhưng tốc độ có phần kém hơn so với khu vực châu Á.
“Bên cạnh đó, dù kinh tế các nước gặp nhiều khó khăn, kiều bào vẫn chắt chiu và tăng chuyển tiền về hỗ trợ và giúp đỡ người thân trong nước ổn định sinh hoạt, phát triển kinh tế gia đình. Các ngân hàng, công ty cũng đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút thêm nguồn lực vàng này”, ông Khoa chia sẻ.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP HCM đánh giá, kiều hối là một trong những nguồn cung góp phần bảo đảm quan hệ cung cầu ngoại tệ, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho chính sách tiền tệ, tỷ giá và thị trường ngoại hối. Điều này lại càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh các đồng tiền mạnh biến động, lạm phát tại một số quốc gia gây áp lực nhất định đến tỷ giá và mối quan hệ tỷ giá – lãi suất và lạm phát.
Lượng kiều hối gửi về nước tính từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến năm 2023 đạt trên 200 tỷ USD, đưa Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối.
Quỳnh Trang