Có hơn 20 vở mới từ sàn diễn cải lương cho đến kịch nói sẽ ra mắt khán giả TP HCM trong dịp Tết Ất Tỵ
Chiều 12-1, Nhà hát Kịch IDECAF đã phúc khảo vở hài kịch “Cái gì vui vẻ thì mình … ưu tiên” của tác giả, đạo diễn Nguyễn Tâm Anh. Trước đó, sàn diễn này đã phúc khảo vở “Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài ngoại truyện”, hứa hẹn tạo tiếng cười tưng bừng đầu xuân.
Hài kịch “chiếm sóng”
Sân khấu Sài Gòn phẳng Nhà hát Thế giới trẻ sẽ trình làng vở hài “Căn nhà ma quái” (tác giả, đạo diễn Gia Bảo), lồng ghép tiếng cười vào một câu chuyện mang giá trị nhân văn, nhấn mạnh thông điệp thức tỉnh. Sân khấu Sài Gòn phẳng Nhà hát Thế giới trẻ còn có vở “Đại náo thành Mumbai” mang màu sắc Ấn Độ, tôn vinh giá trị của tình yêu chân thành, không vụ lợi.
Sân khấu Hồng Vân dựng vở “Thân sâu hồn bướm” mang tiếng cười tưng bừng nhưng cảm động, đề cao tình cảm gia đình, con cái dù khó nhọc thế nào thì cha mẹ và gia đình vẫn là điểm tựa. Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP HCM (hay còn gọi là Sân khấu 5B) dựng lại vở “Đẹp bất chấp” với nội dung nhẹ nhàng, cười vui vẻ xoay quanh chủ đề “cái nết đánh chết cái đẹp”.
Sân khấu Nghệ thuật Trương Hùng Minh có vở “Cầu vừa đủ xài” dung dị, vui tươi, nhắc nhớ người dân cần giữ gìn phong tục tập quán văn hóa miền Nam trong ngày Tết. Vở “Chấn động tam giới” thuộc thể loại cổ trang, tiếng cười châm biếm sâu cay được đưa vào sàn diễn này. Sân khấu Thiên Đăng có vở “13 đức thầy, đức thầy 13” (tác giả Ngọc Thạch, đạo diễn NSƯT Thành Lộc) hứa hẹn tạo cú hích cho sàn diễn này bởi câu chuyện vui nhộn mang ý nghĩa châm biếm sâu sắc.
Đạo diễn Tôn Thất Cần, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, nhìn nhận khán giả có tâm lý muốn xả stress, thư giãn ngày Tết nên các đơn vị nghệ thuật đều dựng vở hài để dễ bán vé. “Các nghệ sĩ cũng muốn đầu xuân được vui cười cùng khán giả và gửi gắm năng lượng tích cực nên các vở diễn tập trung nâng cao tính nhân văn, sống tốt đẹp cho xã hội và dùng tiếng cười đả phá những tệ nạn” – ông Tôn Thất Cần bày tỏ.
Bi kịch vẫn ăn khách
Năm nay đề tài về bi kịch, kinh dị vẫn được khai thác. Đây là điều lạ khi hằng năm một số sàn diễn vẫn ngại đụng đến đề tài này do kiêng cữ. Cụ thể, Sân khấu Xóm kịch diễn 2 vở: “Mộng du” và “Kẻ đánh cắp linh hồn” tại sân khấu thực nghiệm tại Trường Trung cấp Múa TP HCM (155 Bis Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, quận 3). NSƯT Vũ Xuân Trang chia sẻ: “Nếu vở diễn có nội dung hay, diễn viên thu hút thì đề tài nào cũng có người xem. Vấn đề là sau những chuyện buồn, chuyện khóc lóc bi ai…thì thông điệp đúc kết là gì để gửi đến khán giả những ngày đầu xuân”.
NSND Hồng Vân cho rằng sân khấu kịch đang trẻ hóa diễn viên và cả khán giả nên chuyện “hên – xui” trong nội dung kịch không còn là chuyện kiêng cữ nữa. Nội dung giáo dục để con người biết sống tốt hơn là điều mà các sân khấu đều tập trung khai thác mùa Tết này. Tết năm nay, sân khấu Hồng Vân sẽ sáng đèn các vở “Căn phòng câm lặng”, “Người vợ ma”, “Ngôi nhà hoang”…
Sân khấu Hoàng Thái Thanh năm nào cũng dựng bi kịch lấy nước mắt khán giả, năm nay sẽ là vở “Tóc mai sợi vắn sợi dài”. Sân khấu Hồng Hạc ra mắt vở “Nếu anh còn được sống” do đạo diễn Việt Linh dàn dựng, tạo được chất sâu lắng bởi câu chuyện về đề tài chiến tranh được dàn diễn viên trẻ thể hiện sinh động, giàu cảm xúc.
Có 3 vở diễn dành cho thiếu nhi trong mùa Tết năm nay gồm: “Cây bút thần” (Nhà hát Sân khấu nhỏ TP HCM), “Penny – Ô mê ly” (sân khấu Ban Mai – Nhà Thiếu nhi TP HCM) và “Hành tinh nâu” (Sân khấu Quốc Thảo). Theo những người trong cuộc, 3 vở diễn này có tính giáo dục và đầy màu sắc, đúng với lứa tuổi thiếu nhi.
Sân khấu cải lương TP HCM cũng có nhiều lựa chọn như vở “Nhị Hồ Điệp, Hiệp Nhất Hoa” diễn tại Nhà hát Nụ cười (số 6 Huyền Trân Công Chúa, quận 1); sân khấu Thiên Long dựng vở “Tứ hỉ lâm môn”, “Cao Quân Bảo đại chiến Dư Hồng”; Nhà hát Trần Hữu Trang tái dựng 2 tác phẩm kinh điển “Đời cô Lựu”, “Tiếng hò sông Hậu” còn sân khấu Chí Linh – Vân Hà dựng vở “Văn võ kỳ duyên”…
Nguồn: https://nld.com.vn/nhieu-vo-dien-hay-mua-tet-196250113205551838.htm