Du khách trong và ngoài nước tham gia các hoạt động du lịch đầu năm ở Vịnh Lan Hạ, TP Hải Phòng. (Ảnh: PV) |
(PLVN) - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày, nhiều địa phương vượt mốc doanh thu du lịch hơn 1.000 tỷ đồng, thậm chí có địa phương đạt doanh thu gấp nhiều lần so với năm trước. Đây là một “đòn bẩy” để ngành Du lịch Việt Nam chuẩn bị cho một năm với nhiều bước tiến mới.
Những bước đệm “nghìn tỷ”
Mùa xuân là mùa “vàng” du lịch ở Việt Nam. Đầu tiên, đây là những đợt cuối mùa đón du khách quốc tế, đồng thời trùng với dịp nghỉ Tết cổ truyền dài ngày ở nước ta. Vì vậy, có một lượng lớn du khách trong, ngoài nước đăng ký các tour du lịch, lưu trú, nghỉ dưỡng dài ngày.
Đặc biệt, khí hậu ba miền ở Việt Nam, vào những ngày đầu năm tương đối ôn hòa, dễ chịu, phù hợp cho du khách đến tất cả các địa điểm. Lấy ví dụ, ở miền Nam, các bãi biển như Vũng Tàu, Nha Trang, Phú Quốc vào thời điểm ấm áp, khô ráo, đã qua mùa biển động, du khách dễ dàng tham gia các hoạt động bơi lội, lặn biển, vui chơi. Ở miền Bắc, các điểm đến du lịch như Hà Giang, Cao Bằng, Sa Pa,... đang độ rực rỡ sắc hoa, nhiều hoạt động lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc, thu hút hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan.
Nhờ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, mà du lịch mùa xuân đã giúp các tỉnh, địa phương khai thác được nhiều sản phẩm thế mạnh, hấp dẫn du khách đến tham quan. Như du lịch tâm linh ở tỉnh Bắc Giang đang vào thời điểm đông đúc khách nhất trong năm. Tỉnh Ninh Bình đang là một điểm đến được nhiều khách chọn “hành hương” chiêm bái lễ Phật, vãn cảnh đầu năm.
Vì vậy, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc, báo cáo cho ra số liệu rất khả quan. Theo thống kê của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và của từng địa phương, công bố chiều 2/2 (mùng 5 Tết), trong dịp Tết vừa qua, du lịch cả nước ước đón 12,5 triệu lượt khách nội địa, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Khách nước ngoài cũng tăng trung bình khoảng 30% nhờ hiệu ứng từ chính sách thị thực, cơ cấu lại thị trường khách và nỗ lực của các doanh nghiệp cũng như địa phương.
Một số địa phương có doanh thu nổi bật như Kiên Giang đạt doanh thu 1.886 tỷ đồng, đưa mức tăng trưởng lên gần 50% so với cùng kỳ. Phú Quốc dịp Tết có lượng lớn khách quốc tế với khoản chi tiêu và lưu trú cao. Dịp cận Tết, đảo đón trung bình 38 - 40 chuyến bay quốc tế đi và đến. Tại Khánh Hòa, lượng khách tham quan, nghỉ dưỡng từ ngày 27/1 đến ngày 1/2 (28 Tết đến hết mùng 4 Tết) là 940.500 lượt, giúp cho công suất phòng trung bình 82%, chủ yếu tập trung ở trung tâm thành phố, cao điểm từ ngày mùng 2 Tết đến mùng 5 Tết. Các khu nghỉ dưỡng 5 sao tại khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh có công suất trên 90%. Tổng doanh thu 1.356 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2024.
Để các điểm đến du lịch tiếp tục “nóng” suốt bốn mùa
Có một điểm dễ dàng nhận thấy, các điểm đến du lịch nước ngoài là một đối thủ cạnh tranh lớn, hút rất nhiều khách Việt Nam. Theo Cục Du lịch Quốc gia, vào mùa xuân năm nay, vẫn còn nhiều yếu tố ảnh hưởng tới doanh thu du lịch như chi phí vận chuyển - giá vé máy bay tăng 10 - 15% so với năm 2024. Xu hướng lựa chọn tour du lịch quốc tế đến Thái Lan, Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc thay vì các điểm đến trong nước của du khách Việt tiếp tục tăng.
Du lịch mùa xuân sẽ kéo dài khoảng giữa tháng 3 và giảm nhiệt dần. Vì vậy, bắt đầu từ đòn bẩy “bội thu” du lịch đầu năm, các tỉnh, địa phương cần sớm lên kế hoạch để hấp dẫn du khách vào mùa du lịch thấp điểm và cạnh tranh với thị trường quốc tế vào dịp cao điểm du lịch hè sắp tới.
Để làm được điều đó cần phát huy thế mạnh vốn có sẵn của tỉnh, địa phương. Đồng thời thiết kế ra nhiều sản phẩm du lịch mới mẻ, dựa trên nền tảng phát triển bền vững. Đặc biệt, cần nâng cấp cơ sở hạ tầng, thuận lợi các tuyến đường giao thông. Để ngoài đường hàng không, du khách có thể đi bằng đường biển, tàu hỏa, đường bộ,... Từ đó thúc đẩy khách đến tham quan suốt bốn mùa.
Nguồn: https://baophapluat.vn/don-bay-1000-ty-tu-mua-du-lich-boi-thu-dau-xuan-at-ty-post539086.html
Bình luận (0)