Gia LaiNhiều phụ huynh trường Tiểu học Cù Chính Lan, TP Pleiku gửi đơn kiến nghị, nói giáo viên quá cứng nhắc khi đánh giá 10 học sinh “chưa hoàn thành” môn Âm nhạc.
Trong đơn kiến nghị, họ cho rằng giáo viên dạy môn Âm nhạc của trường Tiểu học Cù Chính Lan thiếu tích cực trong giảng dạy, truyền đạt kém khiến các học sinh không cảm nhận được nội dung bài học cũng như phát triển các kỹ năng để theo kịp yêu cầu. Ngoài ra, việc kiểm tra, đánh giá cũng thiếu khách quan nên không tạo được sự đồng thuận, gây ức chế cho học sinh.
Do đó, họ đề nghị các cấp xem xét lại công tác giảng dạy môn Âm nhạc của cô giáo trên.
Trả lời VnExpress sáng 31/5, bà Phan Thị Hợp, Hiệu trưởng trường Tiểu học Cù Chính Lan, cho biết cô giáo bị phụ huynh phản ứng đang là giáo viên duy nhất dạy Âm nhạc cho 800 học sinh của trường. Trường không coi nhẹ môn học nào.
Năm học 2022-2023, trường có 10 học sinh chưa hoàn thành chương trình học môn Âm nhạc. Trong số này có một học sinh lớp 1, sau khi gia đình đưa giấy tờ chứng minh em bị mắc chứng rối loạn giảm chú ý, trường đã xem xét điều chỉnh kết quả.
Năm ngoái trường cũng có 10 em không hoàn thành môn Âm nhạc, còn năm trước nữa có 15 em. Có phụ huynh ngỡ ngàng vì con mình mới học lớp 1 đã không hoàn thành môn Âm nhạc, phải rèn luyện lại trong hè. Cũng có em giỏi nhiều môn nhưng bị đánh giá không đạt ở môn này. Trong khi đó, ở các trường khác, theo phụ huynh là khó khăn hơn nhưng tất cả học sinh đều được đánh giá hoàn thành và hoàn thành tốt.
Bà Hợp nói Âm nhạc là môn chuyên biệt, việc giáo viên đánh giá học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo là không sai. Giáo viên bộ môn phải chịu trách nhiệm trước kết quả, cũng như thắc mắc của học sinh và phụ huynh.
Tuy nhiên, bà cũng mong cơ quan chuyên môn hỗ trợ nhà trường trong việc đánh giá này.
“Học sinh tiểu học còn đang tập ghép vần, ghép âm thì làm sao mà có thể hát tròn vành rõ chữ, thuộc được bài hát là tốt rồi. Với lớp 1, lớp 2 mà phải hát đúng cao độ, trường độ thì làm sao các cháu biết được”, bà Hợp nói. Qua kinh nghiệm dạy học, bà nhìn nhận, tiểu học là cấp hình thành kiến thức cơ bản, đem lại niềm vui cho các học sinh thông qua các môn học.
Bà và giáo viên chủ nhiệm cũng rất trăn trở khi có học sinh cuối cấp, đạt 5/9 điểm 10, các môn còn lại đạt loại Tốt, trừ môn Âm nhạc.
Trước đó, phòng Giáo dục và Đào tạo TP Pleiku đã mời cô giáo Âm nhạc của trường Tiểu học Cù Chính Lan và 7 giáo viên Âm nhạc của 4 trường khác cùng làm việc. Theo lời bà Hợp, giáo viên các trường đều có quan điểm là với môn Âm nhạc cần có sự đánh giá tích cực, theo tiến bộ của học sinh. Tuy nhiên, giáo viên Âm nhạc của trường bà cho rằng “cần theo thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo để đánh giá”.
Hôm 31/5, ông Nguyễn Đình Thức, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, đã đối thoại với hàng chục phụ huynh khiếu nại.
“Hiện phòng đang xác minh, làm việc với những người liên quan. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ thông tin”, ông Thức nói.
Hiện việc đánh giá học sinh tiểu học được thực hiện theo Thông tư số 27 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thông qua nhiều phương pháp như quan sát, đánh giá sản phẩm, vấn đáp, viết…, giáo viên sẽ đánh giá sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo các yêu cầu cần đạt của chương trình. 4 mức đánh giá là: Hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành.
Với môn Âm nhạc, chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) tập trung hình thành và phát triển năng lực cho học sinh ở ba khía cạnh: Thể hiện, Cảm thụ và Ứng dụng.
Cụ thể, ở lớp 1, học sinh bước đầu biết hát một mình và hát cùng người khác, thể hiện đúng giai điệu và lời ca, diễn tả được sắc thái và tình cảm của bài hát; đọc nhạc đúng tên nốt, đọc đúng cao độ và trường độ, biết chơi nhạc cụ. Ngoài ra, các em bước đầu biết mô phỏng, tái hiện một số âm thanh quen thuộc; cảm nhận được vẻ đẹp của một tác phẩm âm nhạc cùng nhiều yêu cầu khác.
Trần Hóa