Với việc phát huy vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội và các mô hình câu lạc bộ, mô hình tự quản… trong việc xây dựng du lịch Đồng Tháp thực sự là “Điểm đến du lịch hấp dẫn – an toàn – thân thiện – chất lượng” gắn với hình ảnh “Đồng Tháp – Thuần khiết như hồn sen”. Trong đó tăng cường tuyên truyền nhận thức đầy đủ về du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, mang nội dung văn hóa và nhân văn sâu sắc; có khả năng đóng góp vào phát triển kinh tế, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành khác phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, chính trị, đối ngoại và an ninh, quốc phòng.
Khách du lịch tham quan Chợ quê Gò Tháp. Ảnh Hữu Tuấn
Đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng. Khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế so sánh của địa phương nhằm tạo ra các sản phẩm đặc thù có sức hấp dẫn và tính cạnh tranh cao, gắn với thương hiệu, hình ảnh địa phương, tạo môi trường du lịch thân thiện, phát triển bền vững, nâng cao uy tín, thương hiệu du lịch Đồng Tháp cả trong và ngoài nước.
Thúc đẩy quan hệ hợp tác công – tư và thiết lập các điều kiện tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, kích thích đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển lực lượng doanh nghiệp, hình thành doanh nghiệp du lịch có thương hiệu; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh du lịch tiếp thu công nghệ mới, kỹ năng số và tiếp cận tài chính. Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, nâng cao khả năng kết nối giao thông đến các khu di tích, điểm du lịch, khu vực động lực phát triển du lịch và khu vực có tiềm năng du lịch. Đầu tư các bãi đỗ xe, bến tàu khách du lịch; điểm dừng, nghỉ và khu vệ sinh công cộng trên các tuyến đường bộ phục vụ phát triển du lịch.
Khách du lịch tham quan tại Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp. Ảnh Hữu Tuấn
Thu hút nguồn lực xã hội, nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, đặc biệt là cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới, nâng dần giá trị gia tăng của sản phẩm dịch vụ du lịch và nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch. Phát triển nguồn nhân lực du lịch bảo đảm số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, phát triển, hội nhập; có chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và kỹ năng nghề du lịch, chú trọng đào tạo lao động lành nghề.
Phát triển thị trường khách du lịch tham quan thưởng ngoạn, ngắm cảnh quan thiên nhiên, sinh thái, sông nước miệt vườn; trải nghiệm nông nghiệp, làng nghề, thưởng thức ẩm thực dân gian Nam bộ; du lịch lễ hội – tâm linh, gắn với tìm hiểu văn hóa bản địa, lịch sử, cách mạng. Đồng thời, định hướng lại thị trường khách du lịch lễ hội, văn hóa tâm linh theo hướng kết hợp hài hòa giữa mục đích lễ hội, tâm linh với các mục đích khác nhằm khắc phục tính thời vụ.
Phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao và tăng cường trải nghiệm cho khách du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Đồng Tháp.
Đặc biệt là đẩy mạnh hợp tác, liên kết, xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch’ ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động du lịch, tăng cường quản lý nhà nước về du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch.
Dân Hùng