TP HCMBệnh viện Đa khoa Tâm Anh mỗi tháng tiếp nhận điều trị khoảng 50-100 người bệnh khàn tiếng, mất giọng do nói nhiều, xuất hiện polyp dây thanh quản.
Ngày 29/3, thạc sĩ, bác sĩ CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thông tin trên, thêm rằng người đến khám đa số làm các ngành nghề như giảng dạy, phát thanh viên, hướng dẫn viên du lịch, livestream bán hàng online…
Người nói nhiều, nói to, kéo dài trong nhiều năm dễ dẫn đến phù nề, thoái hóa niêm mạc ở dây thanh, hình thành polyp dây thanh quản (khối u lành tính trên dây thanh quản). Người bệnh cũng có thể có các yếu tố đi kèm như hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, viêm mũi xoang, trào ngược dạ dày thực quản…
Polyp khiến hai dây thanh âm không khép kín được, dây thanh rung động không đều dẫn đến khàn tiếng, càng nói càng mất hơi nhiều. Người bệnh thường mệt, hụt hơi khi nói và không nói được lâu, cảm giác vướng vùng cổ họng như có sợi tóc hay dị vật cản trở.
Như chị Nguyên, 29 tuổi, một năm nay bị khàn tiếng, hụt hơi khi nói, mệt mỏi, thở dốc, có hôm mất giọng hoàn toàn. Tình trạng xảy ra liên tục, chị mua thuốc về uống không bớt, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám.
Kết quả nội soi hoạt nghiệm thanh quản bằng máy nội soi Xion và dựa vào phần mềm phân tích giọng nói DIVAS của Đức cho thấy có polyp dây thanh quản gây rối loạn giọng nặng.
Bác sĩ Hằng giải thích khối polyp dây thanh quản bên trái kích thước lớn ảnh hưởng đến khả năng khép kín dây thanh lúc phát âm, gây rối loạn giọng nói, có thể do nói thường xuyên trong thời gian dài.
Chị Nguyên cho biết livestream bán quần áo nhiều năm, mỗi ngày hai lần, mỗi lần khoảng 3-4 tiếng liên tục, cuối tuần có thể lâu hơn. Chị được điều trị nội khoa bảo tồn kèm theo điều chỉnh thói quen nói, song bệnh không giảm, phẫu thuật cắt polyp dây thanh quản sau ba tháng điều trị nội khoa.
Bác sĩ Hằng phẫu thuật nội soi vi phẫu thanh quản tránh tối đa tổn thương đến dây thanh, cắt trọn polyp, có thể bảo tồn niêm mạc còn tốt của dây thanh. Sau ba tuần, chị hết khàn giọng, tập nói trở lại gần bình thường. Giọng nói được cải thiện khoảng 80-90% so với trước mổ.
Còn chị Thảo, làm nghề kinh doanh trực tuyến, cũng đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám do đau họng, khàn tiếng, hụt hơi hơn một tháng, uống thuốc không bớt. Người bệnh được chẩn đoán polyp dây thanh quản nhưng phát hiện sớm, khối polyp, chỉ cần điều trị nội khoa và theo dõi qua tái khám.
Polyp không tự nhiên biến mất. Người bệnh cần được chẩn đoán chính xác tổn thương và điều trị kịp thời. Phẫu thuật cắt polyp dây thanh quản góp phần giảm khàn tiếng, hụt hơi. Nếu không phẫu thuật, giọng nói có thể khàn hơn, nguy cơ mất giọng hoàn toàn, ảnh hưởng đến công việc và tinh thần.
Hậu phẫu, người bệnh cần dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, có thể ăn uống bình thường nhưng cần hạn chế nói chuyện khoảng một tuần.
Người bị khàn tiếng kéo dài hơn hai tuần nên đi khám. Bên cạnh đó, tránh nói nhiều, nói to, liên tục; uống đủ hai lít nước mỗi ngày; không lạm dụng chất kích thích; hạn chế thức ăn cay, nóng; vệ sinh họng bằng dung dịch nước muối.
Uyên Trinh
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |