Theo Financial Times, việc cấm bán không chỉ tác động đến CPU của Intel mà còn cả những chiếc máy tính HP và Dell sử dụng chúng. R2 Semiconductor có trụ sở tại California (Mỹ) đang cố gắng chứng minh trước tòa án ở nhiều khu vực pháp lý khác nhau khi cho rằng Intel đang sử dụng trái phép một số bằng sáng chế của mình liên quan đến bộ điều chỉnh điện áp được tích hợp trong CPU.
Vào tháng 12.2023, một tòa án ở Đức đã công nhận tính hợp lệ của các tuyên bố từ R2 Semiconductor về quyền tác giả đối với một trong những công nghệ gây tranh cãi. Tại Mỹ, công ty này đã thua kiện trong tranh chấp pháp lý với Intel, còn tòa án ở Anh vẫn chưa đưa ra phán quyết.
Phán quyết của tòa án ở Đức ảnh hưởng đến bộ xử lý Intel thuộc dòng Ice Lake, Tiger Lake và Alder Lake, cũng như bộ xử lý máy chủ Xeon thế hệ Ice Lake-SP. Các nguồn tin thân cận với Intel giải thích rằng quy mô thiệt hại từ phán quyết này giảm vì một số bộ xử lý được liệt kê đã ngừng hoạt động, trong khi các CPU Raptor Lake và Raptor Lake Refresh mới nhất không bị ảnh hưởng bởi tranh chấp bằng sáng chế này.
Trong một tuyên bố chính thức, Intel cho rằng R2 Semiconductor đang tham gia vào “hàng loạt vụ tống tiền từ các công ty thực sự là những nhà đổi mới”. Tại Mỹ, Intel đã tìm cách vô hiệu hóa bằng sáng chế R2 Semiconductor thông qua các tòa án, sau đó họ chuyển sự chú ý sang các tòa án châu Âu. Nhìn chung, Intel coi đối thủ của mình trong cuộc tranh chấp này là một “hình nộm” tầm thường và một “kẻ lừa đảo bằng sáng chế” – công ty không tiến hành bất kỳ hoạt động thực tế nào ngoài kiện tụng.
Tòa án Đức yêu cầu Intel cung cấp số liệu thống kê về doanh số bộ xử lý bị ảnh hưởng bởi tranh chấp trong khoảng thời gian từ tháng 3.2020 tại Đức vì mức độ thiệt hại vật chất sẽ được xác định dựa trên thông tin này. Không bất ngờ khi Intel phản đối quyết định này của tòa án.