Ủng hộ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, nhiều bạn đọc còn trăn trở về quy hoạch, vị trí đặt các ga… Nhiều ý kiến đề xuất, hiến kế cho dự án này.
Chiều 30.11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trên trục Bắc – Nam. Theo phương án được Chính phủ trình Quốc hội, tuyến ĐSTĐC Bắc – Nam bắt đầu tại TP.Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, TP với chiều dài tuyến khoảng 1.541 km. Trước đó, thảo luận tại phiên họp chiều 20.11, phương án đặt nhà ga xa trung tâm cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều. Đơn cử, ga Ngọc Hồi (TP.Hà Nội), cách nhà ga hiện tại ở trung tâm khoảng 11 km; ga Huế (Thừa Thiên-Huế), cách trung tâm khoảng 20 km…
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng ga hành khách nên ở nội đô, nếu ở ngoại ô thì lại phải đầu tư thêm đường giao thông kết nối. Kinh nghiệm thực tế từ các nước phát triển cho thấy lượng hành khách do đường sắt quốc gia chuyên chở rất lớn, việc đưa toàn bộ vào trung tâm đô thị sẽ giảm tải nhiều cho việc di chuyển, kết nối giữa giao thông đường sắt với phương thức vận tải khác.
Đặt ga ở trung tâm để tiện đi lại
Bạn đọc (BĐ) đồng thuận với dự án này, đề nghị quy hoạch nhà ga ở trung tâm các đô thị để thuận tiện cho hành khách: “Tôi ở Hà Nội từ bé, thấy rằng nên đặt nhà ga của ĐSTĐC Bắc – Nam tại ga Hà Nội hiện hữu để đón trả khách. Các trục giao thông đường bộ chính từ ngoại ô đều đổ về ga Hà Nội, tuyến metro Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – ga Hà Nội đang vận hành cũng đổ về đây, tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Đồng Đăng, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Yên Viên – Quán Triều, Quảng Ninh đều đổ về đây”, BĐ Muathu Traitim viết.
Tương tự, về trường hợp ga Huế sẽ đặt ở xã Phú Mỹ, H.Phú Vang, cách trung tâm 20 km, BĐ Dinh Tran Van nêu quan điểm: “Nơi đó là vùng đất rất xa và thấp trũng nằm ở phía đông trung tâm đô thị Huế. Tuyến đường sắt này chắc chắn sẽ thu hẹp khẩu độ thoát lũ của hạ du, kể cả khi phương án cầu cạn được thực thi”.
“Nếu tính đường dài khi các đô thị mở rộng không gian, thì đặt nhà ga ở ngoài khu trung tâm là hợp lý. Nhưng trước mắt vẫn xây dựng ga ở khu trung tâm cho tiện việc đi lại. Khi các TP tăng diện tích, thì ga chính đưa đón khách sẽ được quy hoạch lại, lùi ra đặt tại ga kế cận ở bên ngoài”, BĐ Trung Quan hiến kế.
Kết nối bằng metro, xe buýt
Một số BĐ cho rằng nên đặt nhà ga ngoài khu vực trung tâm. Cụ thể, BĐ SnA ủng hộ quy hoạch ga Ngọc Hồi: “Theo tôi, kết nối hành khách tại ga Ngọc Hồi phía nam, và hàng hóa ở ga Gia Lâm phía đông là hợp lý với quỹ đất mới để làm nhà ga. Nhà ga nối tuyến với trung tâm bằng đường sắt đô thị, xe buýt”.
Theo BĐ Long Ho: “Nên đưa ga ĐSTĐC ra ngoài khu trung tâm, có các tuyến xe buýt kết nối nhà ga với các bến xe. Nên kết nối toàn tuyến, không để tình trạng như hiện nay, ga một nơi, bến xe liên tỉnh một nơi, rất phiền phức và khó khăn cho hành khách”.
“Phương án ĐSTĐC đi vào trung tâm là không khả thi vì đội chi phí và thiết kế khiến cho việc ùn tắc giao thông tăng cao. Phương án đường xương cá mới hiệu quả. Bố trí thêm xe buýt hoặc hệ thống metro kết nối với khu trung tâm. Hàng không, đường bộ thì sân bay, bến xe cũng đều đưa ra rìa TP mới đủ không gian phục vụ hành khách”, BĐ 5Xfe nhấn mạnh.
*Tôi rất ủng hộ ĐSTĐC Bắc – Nam. Nếu đường sắt qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa, đất tôi dính đường, tôi xin hiến tặng không đòi bồi thường.
Trung Pham Duy
*Nên đặt nhà ga ra ngoài TP và tuyến đường phải thẳng nhất có thể. Quê tôi ở Nam Định nhưng tôi không ủng hộ đường sắt cong veo vào tận TP.Nam Định.
Trận Đại Phá
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/nhieu-hien-ke-cho-duong-sat-cao-toc-bac-nam-185241130212051231.htm