Thị trấn Châu Ổ (huyện Bình Sơn) là nơi có làng nghề gốm Mỹ Thiện với lịch sử hơn 200 năm nức tiếng gần xa. Để phát triển du lịch gắn với khai thác tiềm năng của nghề gốm Mỹ Thiện, địa phương tăng cường kết nối giới thiệu sản phẩm; tạo điều kiện kết nối các tour từ làng gốm đến các địa điểm khác trên địa bàn.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi và huyện Bình Sơn cũng hỗ trợ kinh phí để cơ sở sản xuất gốm xây dựng cơ sở vật chất nhằm bảo tồn, phát triển làng nghề, khai thác du lịch.
Ở huyện Nghĩa Hành, xưa kia vùng đất dọc sông Phước Giang từng nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm. Tuy nhiên, nghề này chỉ thịnh trong một thời gian ngắn, bởi thiếu quy hoạch, kỹ thuật nuôi khắt khe, thị trường tiêu thụ bấp bênh.
Tưởng chừng nghề trồng dâu, nuôi tằm đã lụi tàn nhưng từ năm 2015 trở lại đây, giá kén tằm ổn định, các sản phẩm làm ra được bao tiêu nên nghề này từng bước hồi sinh. Chính quyền địa phương khuyến khích người dân giữ gìn và phát triển nghề nuôi tằm gắn với du lịch trải nghiệm, quảng bá hình ảnh làng nghề.
Cơ sở nuôi tằm của gia đình bà Võ Thị Thu An (xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành) là một trong những điểm thường xuyên đón du khách đến tham quan, chụp ảnh.
“Nghề trồng dâu, nuôi tằm mang lại thu nhập cao hơn hẳn so với các loại cây như sắn, ngô, lạc… Giờ có thêm việc phát triển du lịch, khách đến tham quan ngày càng đông. Chúng tôi càng có thêm thu nhập nên rất phấn khởi”- bà An chia sẻ.
Hay như ở thị xã Đức Phổ, nghề gốm Sa Huỳnh cũng đang trở thành điểm đến hấp dẫn. Trải qua hàng ngàn năm, nghề gốm cổ Sa Huỳnh dần đi vào quên lãng. Nhưng đến năm 2023, dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, HTX Gốm tiền sử Sa Huỳnh được thành lập tại thôn Vĩnh An (xã Phổ Khánh) với 7 thành viên.
HTX đồng hành, hỗ trợ những người thợ làm gốm còn lại ở Sa Huỳnh phục dựng, mô phỏng từ kỹ thuật tạo hình đến hoa văn, nhằm hồi sinh dòng gốm cổ của cư dân Sa Huỳnh niên đại cách đây 2.000-3.000 năm và tổ chức hoạt động cho khách tham quan, trải nghiệm làm gốm.
Em Phạm Thị Thu Hạnh (Trường THPT số 2 Đức Phổ) bày tỏ: “Được trải nghiệm một ngày làm gốm là hoạt động rất thú vị. Tự tay nặn đất, tạo hình,… em còn hiểu thêm về truyền thống quê hương”.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, toàn tỉnh hiện có 1 làng nghề, 5 làng nghề truyền thống và 7 ngành nghề truyền thống được công nhận. Các làng nghề trên địa bàn tỉnh đa dạng về loại hình và phong phú về sản phẩm, được phát triển theo nhiều nhóm nghề khác nhau như chế biến nông – lâm – thủy sản, thủ công mỹ nghệ, cơ khí, sinh vật cảnh…
Theo Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng, thời gian qua, nhiều mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm nghề truyền thống như các tour trải nghiệm làm gốm, làm muối, dệt thổ cẩm, làm nông dân,… được hình thành.
Những mô hình du lịch này không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập của người dân thông qua việc đưa khách du lịch trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ, tăng sức tiêu thụ cho sản phẩm làng nghề, mà thông qua đó còn giúp quảng bá sản phẩm, giá trị của làng nghề. Đây là cách bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa của làng nghề.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, để phát triển làng nghề gắn với du lịch một cách bài bản và lâu dài, cần có sự đầu tư nhiều hơn về nhiều mặt. Đồng thời, sản phẩm tạo ra phải đáp ứng được nhu cầu của du khách và được nhận diện một cách cụ thể.
“Để phát triển các làng nghề theo hướng bền vững gắn với du lịch, thời gian tới, ngành sẽ hỗ trợ các nghệ nhân gắn bó với nghề và đẩy mạnh hoạt động truyền dạy nghề. Bên cạnh đó, hỗ trợ đầu tư hạ tầng làng nghề, quy hoạch các khu sản xuất tập trung, quy hoạch vùng nguyên liệu, giao quyền quản lý, khai thác cho cộng đồng dân cư địa phương… Ngoài ra, cần phải tăng cường hơn nữa các hình thức truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch làng nghề”- ông Dũng nói.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/quang-ngai-nhieu-du-dia-de-phat-trien-du-lich-lang-nghe.html