Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói, nhiều chủ đầu tư đã bỏ qua thủ tục, vi phạm khi chạy đua thời gian để hưởng giá FIT.
Chiều 1/6, khi thảo luận về tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, các đại biểu Quốc hội đề cập tới sự lãng phí trong chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo.
Ông Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Lập pháp cho rằng, sự thay đổi đột ngột về chính sách đầu tư năng lượng tái tạo khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn, nguy cơ phá sản.
Số dự án không kịp vận hành thương mại để hưởng giá FIT (giá ưu đãi trong 20 năm), phải đàm phán với EVN theo giá thấp hơn 21-29% (theo khung giá phát điện của Bộ Công Thương đưa ra đầu năm nay). Hệ quả là, sản lượng lớn điện gió, điện mặt trời không được đưa vào sử dụng, gây lãng phí và đẩy nhà đầu tư điện tái tạo vào cảnh khó khăn, nguy cơ phá sản. Về lâu dài, theo ông, việc này có thể ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo.
“Từ thời điểm trễ hẹn giá FIT đến nay có trên 4.600 MW từ các dự án trên không được khai thác, đưa vào sử dụng. Trong khi chúng ta đang thiếu điện và phải mua của nước ngoài”, ông nói.
Giải trình trước Quốc hội hôm nay, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói không thể phủ nhận sự lãng phí nếu các dự án đã đầu tư mà không được khai thác, sử dụng. Nhưng ông cho biết, hầu hết chủ đầu tư các dự án này đã chạy đua thời gian để hưởng giá FIT, bỏ qua hoặc bỏ sót thủ tục, thậm chí vi phạm pháp luật.
“Để không lãng phí, không bị xem là hợp thức hóa cái sai, vi phạm pháp luật, cần chủ trương của các cấp có thẩm quyền, nỗ lực của chủ đầu tư và các bộ, ngành, địa phương mới có thể tháo gỡ”, ông Diên nêu.
Trước đó, Bộ Công Thương cho biết, nhiều chủ đầu tư dự án điện tái tạo chuyển tiếp vi phạm các quy định pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng, nên chưa đáp ứng thủ tục pháp lý. Một số chủ đầu tư được yêu cầu bổ sung hồ sơ từ cuối tháng 3, nhưng sau hai tháng vẫn không bổ sung được. Vì thế số dự án này chưa thể đàm phán giá với EVN.
Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý để cấp phép hoạt động điện lực cho dự án – thủ tục cần thiết theo Luật Điện lực để dự án điện được khai thác. Đây cũng là lý do dẫn tới việc chậm trễ trong khâu chuẩn bị và nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền.
Bộ trưởng Công Thương cũng cho hay, đặc tính của điện gió, mặt trời là không ổn định. Phát triển chủ yếu ở miền Trung – nơi có phụ tải thấp nên cần đầu tư lớn về đường dây truyền tải điện, hệ thống lưu trữ. Bên cạnh đó, phải có một số nguồn điện ổn định, tức có khả năng phát điện liên tục để bù đắp những khi “cái nắng, cái gió giảm thì có cái đó bù vào”.
Trong khi tại nhiều nước, các nguồn điện chạy nền có thêm điện hạt nhân, tại Việt Nam chỉ có thủy điện, nhiệt điện than, dầu, khí, điện sinh khối. Do đó, các nguồn này vẫn được duy trì huy động để đảm bảo an toàn hệ thống dù đắt hơn khi giá nhiên liệu đầu vào cao, phát thải carbon nhiều hơn.
Liên quan tới khung giá điện cho các dự án điện tái tạo chuyển tiếp được Bộ Công Thương đưa ra thấp hơn giá ưu đãi 20 năm (giá FIT) trước đây, ông Diên nói, thời hạn hiệu lực giá FIT được thể hiện ngay trong quyết định của Thủ tướng chứ không phải dừng đột ngột. Do đó, số dự án không kịp vận hành thương mại trước thời hạn thì không thể áp giá FIT mà phải đàm phán giá để chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Ông giải thích thêm, giá thành nguồn điện này phụ thuộc vào thiết bị, công nghệ và giá này giảm bình quân 6-8% một năm. “Vì thế, năng lượng tái tạo có thể là nguồn điện có giá rẻ nhất nếu chưa tính phí truyền tải, lưu trữ điện”, ông nói.
Khung giá phát điện được Bộ này đưa ra trên cơ sở Luật Điện lực, Luật Giá, các thông số tính khung giá dựa trên cơ sở thống kê 102 nhà máy điện mặt trời, 109 nhà máy điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện và tham vấn các tổ chức quốc tế, bộ ngành khác.
Ông Diên thông tin thêm, trên thị trường thế giới, suất đầu tư dự án điện mặt trời nối lưới giảm từ 11% một năm, điện gió trên bờ giảm 6,3% mỗi năm trong giai đoạn 2018-2021. Với Việt Nam, khung giá ưu đãi ban hành 2020 (giá FIT 2) giảm 8% so với giá ưu đãi 2017 (giá FIT 1); còn khung giá giảm khoảng 7,3% so với giá FIT 2.
Hiện có 85 nhà máy không đủ điều kiện hưởng giá FIT, tổng công suất hơn 4.730 MW. Đến cuối tháng 5, có 59 nhà máy trong số này, công suất 3.389 MW nộp hồ sơ với EVN. Trong đó, 50 dự án đề xuất giá tạm thời bằng 50% khung giá, tức 754-908 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), tùy loại nguồn điện mặt trời hay gió.
“Số dự án còn lại chưa gửi hồ sơ là không muốn đàm phán với EVN trong khung giá Bộ đưa ra, chưa hoàn thiện pháp lý, khó khăn về truyền tải”, ông Diên nhận xét.
Theo số liệu cập nhật từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến chiều 31/5, 9 dự án điện tái tạo chuyển tiếp gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD) – đây là điều kiện để các dự án phát điện lên lưới.
Trong đó, 7 dự án, phần dự án với tổng công suất hơn 430,2 MW được phát điện lên lưới, tăng gấp đôi công suất vận hành so với cách đây hai ngày. Ngoài ra, 40 dự án khác được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm.
Tuy vậy, ông Đào Hồng Vận, Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy Hưng Yên nhận xét, khó khăn, chậm trễ trong triển khai, đầu tư các dự án, trong đó có dự án năng lượng tái tạo đã “ít nhiều làm giảm niềm tin cho nhà đầu tư trong, ngoài nước và thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp”.
Còn Viện trưởng Viện Lập pháp Nguyễn Văn Hiển đề nghị, Chính phủ, Bộ Công Thương cần xem xét, điều chỉnh chính sách và “phải có phương án giảm sốc, lộ trình hợp lý, tránh việc thay đổi chính sách một cách quá đột ngột, khiến các nhà đầu tư không thể dự báo và có chiến lược kinh doanh phù hợp”.
Nhà chức trách cần sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững ngành năng lượng tái tạo. Trong đó, cần bảo đảm cơ chế giá mua điện phù hợp, hài hòa giữa bên mua điện, các nhà đầu tư và người sử dụng.
Để giải quyết dứt điểm, tránh lãng phí nguồn lực và hài hòa lợi ích, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm cho chủ trương, cơ chế tháo gỡ. Việc này, theo ông, các tổ chức cá nhân thực hiện việc này cũng không bị xem là vi phạm.
Về nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc, trưởng ngành Công Thương nói đây là chiến lược dài hạn nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, được xác định trong quy hoạch điện quốc gia ở từng thời kỳ. Việc nhập khẩu điện thực hiện từ nhiều năm trước Trung Quốc là từ 2010 và Lào từ 2016.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói, nhập khẩu điện là cần thiết, đa dạng hóa loại hình nguồn điện, để tương lai phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong khi chưa có nguồn điện nền khác thay thế.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nhập khẩu điện rất nhỏ, khoảng 572 MW, bằng 0,73% công suất toàn hệ thống và dành cho khu vực biên giới. Chưa kể, điện nhập khẩu là điện sạch, rẻ hơn nguồn điện tái tạo.