Phong trào mua đất làm homestay, “bỏ phố về rừng” hay căn nhà thứ hai tại vùng ven là một xu thế đầu tư xuất hiện từ hơn 10 năm trước và kéo dài cho tới vài năm trở lại đây. Tại thời điểm đó, giá đất tại những khu vực vùng ven hay tỉnh giáp ranh của các thành phố lớn vẫn còn rất rẻ, phù hợp cho nhu cầu đầu tư lâu dài kết hợp kinh doanh homestay.
Trong thời gian vài năm trở lại đây, đất vùng ven và đặc biệt tại các tỉnh có thể khai thác đầu tư du lịch, nghỉ dưỡng bị đẩy giá lên cao do nhu cầu của nhà đầu tư lớn. Những mảnh đất lớn xen kẽ đất trồng cây lâu năm và đất thổ cư luôn được nhiều người săn đón với mong muốn hưởng lợi từ kinh doanh homestay, du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng đồng thời đất cũng có tiềm năng tăng giá.
Tuy nhiên những tính toán ấy đã vấp phải nhiều trở ngại, trong đó có quãng thời gian đóng băng dòng tiền do đại dịch COVID-19. Ngành du lịch bị ảnh hưởng chung trên cả nước khiến nhiều người vay tiền đầu tư không thể xoay sở nổi với áp lực tài chính. Vì lý do đó, mà trong thời gian qua, xuất hiện tình trạng nhiều homestay bị rao bán ồ ạt với giá cắt lỗ nhưng khó tìm được người mua.
Là một tỉnh có tiềm năng du lịch lớn, lượng khách du lịch đổ về Lâm Đồng không bị ảnh hưởng nhiều như một số địa phương khác. Tuy nhiên, tại đây vẫn diễn ra tình trạng nhiều homestay, khu nghỉ dưỡng bị rao bán ồ ạt như các địa phương khác.
Trên một số diễn đàn nhà đất, nhiều homestay, farmstay hay các khu đất có view đẹp phù hợp nghỉ dưỡng đang được rao bán với giá từ 3 tỷ cho đến hơn 20 tỷ, tập trung chủ yếu tại các huyện như Bảo Lâm, Bảo Lộc, Lâm Hà, Di Linh…
Đơn cử như tại Lâm Hà, một người đang rao bán nhanh một khu nghỉ dưỡng tại Thị trấn Nam Ban có diện tích hơn 700m2, có sổ đỏ đầy đủ với giá 3,6 tỷ đồng. Khu đất này có 100m2 là đất thổ cư, còn lại là đất vườn. Đây là khu vực nằm không xa thành phố Đà Lạt, gần các khu du lịch của địa phương cũng như thuận tiện di chuyển ra sân bay.
Chủ khu đất cũng quảng cáo hiện xung quanh đang phát triển nhiều khu check-in lý tưởng, có tiềm năng phát triển du lịch trong tương lai. Tuy nhiên, do đang gặp khó khăn về tài chính, không đủ chi phí vận hành nên phải dừng kinh doanh và rao bán.
Một lô đất khác có diện tích 1.000m2 tại thị trấn Lộc Thắng của huyện Bảo Lâm cũng được rao bán với giá chỉ 900 triệu đồng. Lô đất này được quảng cáo nằm ở vị trí có view đẹp, phù hợp làm homestay nghỉ dưỡng, dễ kinh doanh. Tuy nhiên giá bán này chỉ rẻ chỉ bằng một nửa so với thị trường, thậm chí chủ đất này còn cho biết, với khách “nhiệt tình” còn có thể nhận chiết khấu 10% so với giá trị hợp đồng.
Cũng tại Bảo Lâm, một khu nghỉ dưỡng 4.000m2 đã thành hình với 3 bungalow, 3 nhà mái lá và 1 căn nhà 1 tầng đang được rao bán với giá 23 tỷ đồng, tương đương với gần 6 triệu đồng/m2. Đây là khu đất nằm sát cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, có tiềm năng phát triển khi dự án cao tốc khởi công. Với tiềm năng kinh doanh tốt như vậy, chủ khu nghỉ dưỡng này cho biết nơi đây vẫn đang kinh doanh tốt nhưng vẫn muốn bán gấp để… đi nước ngoài.
Theo anh Lã Minh Thắng, một môi giới bất động sản tại Lâm Đồng cho biết, phong trào mua nhà làm khu nghỉ dưỡng, homestay rất phổ biến tại Lâm Đồng trong những năm trước, do nơi đây có khí hậu dễ chịu, phong cảnh đẹp và dễ kinh doanh do lượng du khách lớn. Tuy nhiên do tốn chi phí đầu tư, du lịch lại đóng băng nhiều năm do dịch bệnh nên nhiều người bỗng dưng “mang nợ” khi chi phí vận hành và quảng cáo trước đó đều mất hết.
“Nhiều người rao bán vì phải chi trả ngân hàng, còn một số khác thì lại bỏ cuộc vì đầu tư sai địa điểm. Họ lựa chọn các huyện khác của Lâm Đồng, gần với thành phố Đà Lạt do giá đất rẻ, còn nhiều tiềm năng phát triển nhưng lại không tính toán đến chi phí và khả năng gồng gánh trong dài hạn. Bởi đây là các khu vực đang phát triển, lượng khách du lịch không lớn như Đà Lạt nên việc thu hồi vốn sẽ chậm hơn. Ngoài ra, do cung vượt quá cầu, dẫn tới nhiều homestay rơi vào tình trạng thiếu khách, không đáp ứng được dòng tiền đủ để trả nợ”, anh Thắng cho biết.
Nhân viên môi giới này cũng cho biết, trong thời gian qua, nhiều homestay có giá trên dưới 3 tỷ đồng đã được chuyển giao cho chủ mới. Còn với các khu nghỉ dưỡng, homestay có diện tích lớn với giá lên tới hàng chục tỷ thì rất ít người quan tâm. Do thời điểm hiện tại thị trường đang trong tình cảnh khó khăn chung, nhiều người còn lo ngại về rủi ro về kinh tế trong giai đoạn cuối năm nên chưa muốn xuống tiền.
Ngoài ra qua tìm hiểu, cũng có một số homestay ở Đà Lạt đang được rao bán với giá “cắt lỗ” vì nhiều lý do. Tuy nhiên phần lớn các homestay này vẫn đang vận hành và đem lại doanh thu ổn định.