(Dân trí) – Một tuần trước ngày chính quyền và bộ đội về tiếp quản Thủ đô, gần 400 thanh niên đã vào Hà Nội làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ các chính sách của Đảng, Nhà nước.
70 năm đã qua, nhưng khi nhắc về ngày lịch sử 10/10/1954, ông Nguyễn Văn Khang (89 tuổi), Trưởng ban liên lạc Đội Thanh niên công tác tiếp quản Thủ đô lúc bấy giờ, vẫn nhớ như in từng nhiệm vụ và cảm xúc của những thanh niên mới tuổi mười tám, đôi mươi.
Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông Khang dù tai đang phải đeo máy trợ thính, nhưng trí nhớ rất minh mẫn.
Sau một hồi trầm ngâm, lật lại từng trang ký ức, ông nhớ lại, khi vừa bước sang tuổi 19 lúc còn đang học ở trường Tân Trào (Tuyên Quang), ông cùng 11 đoàn viên được Hội đồng giáo viên nhà trường tuyển chọn tham gia đoàn viên thanh niên cứu quốc ưu tú.
Lúc đó, ông nghĩ mình được về mặt trận Điện Biên Phủ. Nhưng thay vì hành quân lên Tây Bắc như suy nghĩ, đoàn của ông lại di chuyển đến Đại Từ (Thái Nguyên). Sau đó, ông mới biết mình được tuyển chọn vào Đội Thanh niên làm công tác tiếp quản Thủ đô.
Trong 2 tháng (từ tháng 7 đến tháng 9/1954), khoảng 400 đoàn viên thanh niên các trường Tân Trào, Hùng Vương, Lương Ngọc Quyến, Nguyễn Thượng Hiền,… của tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ… được chỉ định chỉnh huấn (tập huấn), học tập chính sách của Chính phủ để thực hiện một nhiệm vụ quan trọng trước ngày chính quyền, bộ đội tiếp quản Thủ đô.
Sau khi được chỉnh huấn xong, ông Khang và những đoàn viên khác nhận được chỉ thị của cấp trên mà ông mãi không quên, đó là “vào Hà Nội phải nghiêm túc, tuyệt đối không được đụng đến cái kim, sợi chỉ của dân; thanh niên trong đội không được yêu nhau”. Ngày 3/10/1954, ông đặt chân tới Hà Nội.
“Lúc đó, chúng tôi là những thanh niên mới 19-20 tuổi, còn rất trẻ nhưng được giao nhiệm vụ phải tiếp xúc với nhân dân trước khi bộ đội trở về. Vì thế, khi về Hà Nội, chúng tôi rất lo lắng không biết phải làm thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, ông Khang chia sẻ.
Từ ngày 3 đến 6/10/1954, Đội Thanh niên tiếp quản Thủ đô bắt đầu đi tiền trạm, tiếp xúc với người dân Hà Nội trước khi quân đội tiến về tiếp quản.
Lúc bấy giờ, địch đưa ra nhiều thông tin xuyên tạc nhằm lôi kéo nhân dân ta di cư vào miền Nam. Các thành viên của Đội Thanh niên công tác tiếp quản Thủ đô được chia thành từng nhóm từ 7 đến 10 người, len lỏi trong 36 phố phường thực hiện nhiệm vụ được giao.
Ông Khang cùng những thanh niên của đội tiếp xúc từ công chức đến các thanh niên trong trường đại học, trung học, thiếu niên, tiểu thương, những người buôn bán nhỏ và người dân,… để nói về chính sách của Chính phủ ta.
Khi tiếp xúc người dân Thủ đô, ông và đồng đội phải trả lời ngọn ngành rất nhiều câu hỏi như: Phụ nữ bán hoa có được mặc áo dài không?, tiểu thương chợ Đồng Xuân có được tiếp tục buôn bán không?, lương có bị thay đổi không?,…
Nhờ được tập huấn chính sách, chủ trương của Đảng, Chính phủ về các hoạt động buôn bán, học tập tại nhà trường, nên ai nấy trong đội đều dõng dạc, tự tin trả lời người dân: “Chính phủ sẽ duy trì cuộc sống như trước đây. Mọi việc không có gì thay đổi, bà con yên tâm tiếp tục sinh sống tại Hà Nội”.
Để tạo cảm tình với tầng lớp thanh thiếu niên, Đội Thanh niên công tác tiếp quản Thủ đô xuống phố, gặp gỡ, trò chuyện với người dân, thanh niên và dạy hát múa cho các em.
“Nhờ công tác tuyên truyền, vận động nên khi quân ta về Thủ đô tiếp quản, mọi hoạt động của các công sở, trường học, nhà máy điện, nước, tàu điện,… vẫn diễn ra bình thường. Chỉ khác là quân đội Pháp không còn có mặt ở Hà Nội”, ông Khang tự hào kể.
Được sự vận động, giải thích của các đội viên Đội Thanh niên công tác tiếp quản Thủ đô nên sau khi không còn bóng dáng quân Pháp, người dân, thanh thiếu niên cùng đội thanh niên dọn dẹp, vệ sinh đường phố.
Đến đêm 9/10/1954, cả Hà Nội gần như không ngủ. Thanh niên, người dân ở các khu phố thức xuyên đêm để chuẩn bị cờ, biểu ngữ đón chính quyền, bộ đội về tiếp quản Thủ đô.
8h ngày 10/10/1954, đoàn quân từ 5 cửa ô tiến vào Thủ đô. Hàng vạn người dân quần áo chỉnh tề, cờ hoa rực rỡ xuống đường đón mừng chính quyền và quân đội cách mạng, cùng với tiếng trống, tiếng pháo, tiếng hoan hô vang dậy khắp phố phường. Trong ngày lịch sử, ông Khang được giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự ở khu vực đài phun nước bờ hồ Hoàn Kiếm hiện nay.
“Ngày 10/10/1954, là sự kiện lịch sử mà suốt cuộc đời tôi không bao giờ quên. Hôm đấy, có người mẹ nghẹn ngào ôm con sau nhiều năm xa cách; em bé được gặp lại cha trong ngày trở về; người vợ được gặp chồng nhưng cũng nhiều gia đình mòn mỏi tìm kiếm khắp nơi nhưng không thấy người thân của mình.
Ngày đấy, rất nhiều hình ảnh xúc động nhưng thật đáng tiếc không có nhiều máy ảnh như bây giờ để ghi lại những khoảnh khắc xúc động đấy”, ông Khang bồi hồi nhớ lại những khoảnh khắc thiêng liêng của lịch sử.
Sau ngày 10/10/1954, ông Khang tiếp tục cùng Đội Thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô thực hiện nhiệm vụ chống dụ dỗ di cư ở Hà Nội. Đến tháng 4/1955, nhiệm vụ của ông và các thành viên kết thúc một cách xuất sắc. Một số thành viên trong đội được chọn đi du học ở Trung Quốc, Liên Xô, Tiệp Khắc…
Năm 1955, ông Khang được cử đi học ngành nông nghiệp tại Trung Quốc, rồi về công tác tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho tới khi nghỉ hưu. Sau 10 năm sinh sống cùng gia đình con trai út tại TPHCM, năm 2023 ông Nguyễn Văn Khang và vợ về sống ở Hà Nội.
Ông mong mỏi, trong đợt kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô sẽ có cơ hội được gặp lại những thành viên cũ, từng hoạt động sôi nổi với Đội Thanh niên công tác tiếp quản Thủ đô một thời.
Tại căn nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ 33 phố Chùa Láng (quận Đống Đa, Hà Nội) Đại tá Bùi Gia Tuệ, nguyên Trưởng phòng Pháp chế (Tổng cục Công nghiệp bộ Quốc phòng) đưa phóng viên trở về những năm tháng hào hùng của ngày 10/10/1954 – Ngày bộ đội trở về tiếp quản Thủ đô từ tay thực dân Pháp.
Sinh ra và lớn lên tại phố Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm), ông Tuệ sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Đêm 19/12/1946, sau khi nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ông Tuệ khi ấy mới 15 tuổi đã tình nguyện tham gia chiến đấu bảo vệ thành phố.
Vì còn nhỏ tuổi ông chỉ được giao nhiệm vụ trinh sát, liên lạc cho lực lượng tự vệ khu phố Hàng Bè.
“Tôi được phân công quan sát trên một ngôi nhà cao tầng tại phố Cầu Gỗ, nếu thấy quân Pháp kéo vào thì vẫy cờ ra hiệu cho lực lượng tự vệ sẵn sàng ứng phó. Suốt 60 ngày khói lửa ấy tôi trực tiếp tham gia chiến đấu một lần.
Lần đó, Pháp kéo vào 1 xe tăng, 1 xe quân sự, theo sau là bộ binh từ hướng đường Trần Nhật Duật, hòng chọc thủng phòng tuyến của ta nhưng bất thành”, ông Tuệ kể.
Ngày 17/2/1947, Trung đoàn Thủ đô rút ra khỏi thành phố, ông Tuệ chưa đủ tuổi tham gia bộ đội nên cùng gia đình di tản về vùng hậu phương. Đến năm 1948, trong một lần đi thăm người thân đang làm bác sĩ ở Đại đoàn 308, ông Tuệ xin được nhập ngũ.
Do chưa đủ tuổi, ông bị người thân từ chối, khuyên về tiếp tục học tập. Nhưng trước quyết tâm của người thiếu niên giàu lòng yêu nước, ước nguyện của ông đã được chấp thuận và tham gia chiến đấu trong hàng ngũ Đại đoàn 308. Khi quân và dân ta bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Tuệ giữ vai trò Trung đội trưởng, đồng thời làm nhiệm vụ vận tải, tiếp đạn cho lực lượng pháo binh.
Nhắc đến chiến dịch Điện Biên Phủ, bao kỷ niệm lại ùa về trong tâm trí người lính Cụ Hồ: “Ngoài tải đạn, đơn vị tôi còn có nhiệm vụ tiếp nhận quân Pháp đầu hàng. Không rõ lý do gì hoặc đoán được kết quả thua trận, quân đội Pháp đã chuẩn bị trước khăn trắng, lần lượt nộp vũ khí đầu hàng. Nhìn cảnh tượng đó chúng tôi cảm nhận rằng ngày hòa bình, ngày trở lại Hà Nội không còn xa nữa”.
Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Đại đoàn 308 hành quân về Hà Nội. Đến Phú Thọ, ông Tuệ vinh dự là một trong số 70 cán bộ, chiến sĩ đại diện gặp Bác Hồ tại đền Hùng, nghe Bác căn dặn những điều quan trọng khi trở về tiếp quản Thủ đô.
“Vì sao Bác Hồ nói “trở về”, bởi vì Bác biết rằng chúng tôi từ Hà Nội ra đi. Trước khi rời đi, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đã viết lại khẩu hiệu “sẽ có ngày trở về Hà Nội”. Với chúng tôi đó là lời hứa chiến thắng”, Đại tá Bùi Gia Tuệ kể.
Ngày 10/10/1954 , thời khắc lịch sử đã điểm, các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh quân lớn tiến vào tiếp quản Thủ đô.
Xe của ông Tuệ là xe thứ 3 tiến vào Hà Nội, đi sau xe của Chủ tịch Ủy ban Quân quản Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Ủy ban quân chính TP Hà Nội Trần Duy Hưng.
Đoàn xe xuất phát từ Hà Đông, Thủ đô dần hiện ra trước mắt, một rừng cờ hoa, biểu ngữ khẩu hiệu, nhiều nhất là khẩu hiệu “Hồ Chí Minh muôn năm”. Ông Tuệ cùng các đồng đội hành quân qua Cửa Nam, qua Hàng Đậu, Hàng Ngang, Hàng Đào, bờ Hồ,… rồi hội quân cùng các đơn vị khác tại sân Cột Cờ.
“Ngồi ngay đầu xe bên phải, tôi chứng kiến sự hân hoan, mừng vui chào đón, hô vang khẩu hiệu “Hoan hô bộ đội Cụ Hồ” của hàng vạn người dân, lúc đấy xúc động vô cùng.
Người dân nhìn bộ đội bằng ánh mắt đầy trìu mến, gần gũi như đã mong đợi từ lâu. Các nữ sinh trường Trưng Vương ùa ra đón, ôm, nắm tay từng chiến sĩ chúc mừng… Đó là phút giây thực sự hạnh phúc mà tôi không thể nào quên”, Đại tá Bùi Gia Tuệ xúc động kể.
15 giờ ngày 10/10/1954, nhà hát thành phố phát đi một hồi còi dài. Quốc ca hùng tráng vang lên, quân với dân hòa vào làm một. Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên đỉnh Cột Cờ Hà Nội.
Sư đoàn trưởng Vương Thừa Vũ thay mặt Ủy ban Quân chính, đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhân dân Hà Nội. Lời thư vừa dứt, tiếng hô: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm” vang lên thể hiện tấm lòng tôn kính, tự hào của nhân dân Thủ đô với Bác.
“Chúng tôi đã thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô do Bác giao phó, đời sống nhân dân dần trở lại bình thường.
Những ngày trở về Hà Nội mang đến cho tôi những kỷ niệm đẹp không thể nào quên. Tôi mong rằng âm vang chiến thắng đó luôn ngân vọng qua các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ hôm nay. Tôi mong rằng các cháu sẽ tiếp nối truyền thống cha ông, học tập, rèn luyện xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, giàu đẹp, hiện đại”, Đại tá Bùi Gia Tuệ nhắn nhủ.
Sau ngày tiếp quản Thủ đô, ông Tuệ và các đồng đội trong đơn vị được giao nhiệm vụ bảo vệ Nhà máy nước Yên Phụ trong khoảng 2 tháng.
Dấu ấn sâu đậm trong tim ông là hai lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Lần thứ nhất khi Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ, nói chuyện với Đại đoàn Quân Tiên phong (tức Sư đoàn 308) tại đền Hùng, Phú Thọ vào tháng 9/1954, trước khi đơn vị làm nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô.
Lần thứ hai khi ông đang học tập tại Trường Đại học Kinh tế Tài chính (nay là Trường Đại học Kinh tế quốc dân). Ngày đấy, Bác Hồ đến thăm trường và ông được trò chuyện cùng Người.
Chiều 3/2/1961, bất chợt Bác đến thăm Trường Đại học Kinh tế Tài chính. Không ai nghĩ Bác đến thăm trường trong lúc đang bộn bề công việc. Đến trường, Bác đi thẳng vào khu nhà bếp, kiểm tra bếp ăn của cán bộ, sinh viên, sau đó mới lên hội trường.
Tại hội trường, ông Tuệ ngồi hàng ghế đầu. Bác hỏi: “Cháu tên gì?”. Ông Tuệ đứng lên đáp: “Dạ thưa Bác, cháu là Bùi Gia Tuệ ạ”.
“Bác nói tiếp: “Cháu Tuệ, cháu thay mặt anh chị em sinh viên tại đây trả lời Bác nhé. Các cháu học để làm gì?”, “Dạ, thưa Bác, chúng cháu học để phục vụ nhân dân”.
“Phục vụ nhân dân là như thế nào?, “Dạ, thưa Bác, phục vụ nhân dân là lo cho đời sống của nhân dân được cải thiện tốt hơn về ăn, ở, mặc, đi lại, học hành”, “Thế là tốt, cháu ngồi xuống”” ông Tuệ nhớ lại lần thứ 2 gặp Bác Hồ mà suốt đời mãi không quên.
Sau khi học xong tại Trường Đại học Kinh tế Tài chính, ông Tuệ về Cục Quân giới (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) công tác. Sau này, ông đã trải qua nhiều cương vị công tác, tại nhiều đơn vị. Năm 1991, ông nghỉ hưu với quân hàm Đại tá.
Trong ký ức của Đại tá Bùi Gia Tuệ và ông Nguyễn Văn Khang, Hà Nội những ngày tháng 10/1954 gói gọn trong 36 phố phường.
Ông Khang vẫn nhớ như in con đường từ Ngã Tư Sở đến thị xã Hà Đông (nay là quận Hà Đông), hai bên là đồng ruộng, chưa có nhà cửa phố xá như bây giờ. Ngay cả đường Nguyễn Chí Thanh (nay thuộc quận Cầu Giấy) hay đoạn gò Đống Đa, từ phố Tây Sơn nhìn sang tận đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai) cũng toàn đồng ruộng.
Nhà cửa chủ yếu một tầng, thỉnh thoảng có nhà 2-3 tầng. Phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Mã, Hàng Bạc, Hàng Cót, Hàng Mây,… sầm uất hơn so với các khu vực khác trong thành phố. Ban đêm, 36 phố phường của Thủ đô có điện thắp sáng.
“Sự đổi thay của Hà Nội ngày nay là hết sức to lớn. Sau 70 năm, Thủ đô đã khoác lên mình một diện mạo mới, một bộ mặt mới trên tất cả các lĩnh vực”, ông Khang đánh giá.
Hà Nội không chỉ phát triển mạnh mẽ về hạ tầng, kinh tế, xã hội mà đời sống của người có công, gia đình chính sách cũng được thành phố hết sức quan tâm.
“Nhiều năm nay chúng tôi đều có thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được sử dụng xe buýt miễn phí. Các ngày lễ, Tết, ngày kỷ niệm lớn của đất nước địa phương luôn quan tâm đến các gia đình có công với cách mạng, gia đình có hoàn cảnh khó khăn,… Đó là những việc làm hết sức nhân văn, ý nghĩa cao đẹp của thành phố”, ông Khang tâm sự.
Ông khẳng định, bản thân sẽ tiếp tục phát huy phẩm chất đạo đức cách mạng, tinh thần tiền phong, gương mẫu, tích cực động viên con, cháu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Là một người con sinh ra và lớn lên giữa lòng Thủ đô, Đại tá Bùi Gia Tuệ nắm rõ sự đổi thay, phát triển của Thủ đô hôm nay.
Đại tá Tuệ chia sẻ, từ một thành phố bị chiến tranh tàn phá, gần 10 năm đặc mùi thuốc súng, đất trời rung chuyển trong tiếng đạn bom. Ngày nay, Hà Nội đã trở thành một trung tâm về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục,… có vị trí quan trọng của cả nước và trong khu vực.
“Nhìn lại quá trình phát triển của Thủ đô, chúng tôi đều thấy sự đổi thay nhanh chóng, phát triển toàn diện, bền vững từ thành thị đến vùng nông thôn. Khoảng cách giữa nông thôn đến thành thị được thu hẹp.
70 năm trước, các vùng nông thôn chỉ toàn nhà tranh, vách đất nhưng nay đã đổi thay, từ thành phố đến nông thôn đều có nhà cao tầng, điện, đường, trường học, trạm y tế khang trang, sạch sẽ”, Đại tá Tuệ nói.
Hà Nội 7 thập kỷ trước chỉ gói gọn trong 36 phố phường. Ngày nay con đường to, đẹp, thẳng tắp từ sân bay quốc tế Nội Bài thẳng đến trung tâm thành phố, qua cầu Nhật Tân đã minh chứng cho sự đổi thay, phát triển, vươn mình ra quốc tế của Hà Nội.
Bên cạnh đó, nhiều dự án khu đô thị mới văn minh, hiện đại đã và đang hình thành tạo nên không gian đô thị, diện mạo mới cho Thủ đô sau 70 năm phát triển. Đặc biệt là những công trình giao thông hiện đại bậc nhất của đất nước và khu vực như cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù, cầu Vĩnh Tuy, đường sắt trên cao Nhổn – Cầu Giấy, đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông,…
Để Hà Nội có được bức tranh kinh tế – xã hội khởi sắc như hôm nay là nhờ vào sự đồng lòng, đoàn kết của cả hệ thống chính trị từ Trung ương xuống địa phương và nhân dân Thủ đô.
Nội dung: Nguyễn Hải – Trần Văn
Thiết kế: Tuấn Huy
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/nhiem-vu-dac-biet-truoc-ngay-tiep-quan-thu-do-20241009212253241.htm