Nhân dân Thủ đô hân hoan chào đón các đơn vị quân đội ta vào tiếp quản Thủ đô. (Ảnh: TTXVN – Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1)
Tôi sinh ra ở Hà Nội năm 1936, trước đây gia đình ở phố Mã Mây, Hoàn Kiếm. Năm 1946, cha mẹ tôi theo lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, dẫn 7 anh em lên Việt Bắc tản cư. Anh cả tôi năm đó mới 16 tuổi nhưng đã tham gia lực lượng tự vệ. Anh xin mẹ ở lại bảo vệ Thủ đô trong chiến dịch 60 ngày đêm giữ Hà Nội. Sau này anh tôi vào Tổng cục Chính trị, trở thành đại tá và cũng là một nhà báo.
Chúng tôi sinh ra ở Thủ đô, chỉ được 10 năm đầu đời sống vô tư hạnh phúc, sau đó là theo gia đình đi kháng chiến, chịu rất nhiều gian khổ. Ngày đó, cha tôi làm việc ở Tuyên Quang, tháng nào cũng đạp xe về Hạ Hòa, Phú Thọ thăm mẹ con tôi. Trong thâm tâm, gia đình chúng tôi luôn luôn cháy bỏng mong ước chiến thắng để trở về Thủ đô, về với ngôi nhà thân yêu của mình. Cha mẹ tôi cũng mong ước và tin tưởng đến ngày chiến thắng để cho các con trở về nhà và được cắp sách đến trường.
Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp.
Người Hà Nội thời đó dù ở đâu cũng cố gắng thích nghi với cuộc sống dù khó khăn gian khổ nhất. Những ngày ở trên chiến khu Việt Bắc, điều kiện sống vô cùng gian khổ, vất vả, ăn sắn, ăn khoai. Khi quân Pháp nhảy dù ở Phú Thọ, chúng tôi phải rút vào rừng. Nhưng dù khó khăn gian khổ đến đâu, người Hà Nội lúc nào cũng tin tưởng kháng chiến sẽ thành công. Tôi thấy người Hà Nội nào cũng yêu nước, và có tình yêu rất đặc biệt với Hà Nội.
Đại đoàn 308 trở về tiếp quản Thủ đô. (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1)
Năm 1946, tôi gia nhập quân đội, vào Đại đoàn Quân chủ lực tiên phong 308, bộ đội đi đâu chúng tôi theo đấy. Sau này khi về tiếp quản Thủ đô cũng vậy. Đại đoàn đi trước, chúng tôi đi sau.
Năm 1954, sau ngày 10/10 ít hôm, đoàn chúng tôi là đoàn 2 trở về Hà Nội sau 9 năm kháng chiến. Chúng tôi về Hà Nội diễn ở nhiều nơi phục vụ người dân, như Bờ Hồ, Nhà hát Lớn, khu Đấu xảo sau gọi là Nhà hát Nhân dân, xây bằng gỗ, mà ngày nay là Cung văn hóa Hữu nghị Việt – Xô.
Buổi biểu diễn đem lại nhiều ấn tượng nhất đối với chúng tôi là buổi diễn ở Bờ Hồ. Khi đó chúng tôi làm một sân khấu lớn ở ngoài trời phía trước đền Bà Kiệu, có cánh gà, phông hậu. Ban đầu khán giả ngồi trước sân khấu, về sau mọi người xem đông quá, tràn hết cả sang hai bên cánh gà và phía sau. Chúng tôi phải dỡ hết cánh gà và phông hậu đi để lấy chỗ cho người dân xem. Khi thay trang phục để đổi các tiết mục, các diễn viên, nghệ sĩ phải chui xuống gầm sân khấu.
Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp chia sẻ về những kỷ niệm trong dịp trở về Hà Nội sau ngày tiếp quản Thủ đô.
Điều này chứng tỏ người dân dành nhiều tình cảm cho cách mạng như thế nào. Người dân rất thích các chương trình văn nghệ của văn công cách mạng, và dành rất nhiều tình cảm cho chúng tôi.
Bản thân tôi, cảm xúc khi đó là vô cùng hạnh phúc. Khi tôi ra đi là giai đoạn kháng chiến, Hà Nội còn chìm trong khói lửa, và khi trở về là không khí chiến thắng tràn ngập khắp nơi, đó là niềm hạnh phúc. Tuổi thơ tôi ở Hà Nội gắn liền với chiến tranh, sau một thời gian dài đi kháng chiến, khi được về lại Hà Nội, nơi chôn rau cắt rốn của mình, tôi đã 18 tuổi, ở độ tuổi trưởng thành. Tôi rất hạnh phúc. Niềm vui, hạnh phúc cứ tăng lên theo cấp số nhân.
Chúng tôi ra đi để kháng chiến, và ngày chiến thắng, người Hà Nội đón chúng tôi trở về.
Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Cục Phó Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu:
Tôi đã đi tìm ‘Hà Nội dáng kiều thơm’ trong ngày tiếp quản Thủ đô
Trước khi tiếp quản thủ đô, tôi là Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 209, Đại đoàn 312. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đã hoàn thành tất cả mọi nhiệm vụ cấp trên giao cho, đánh thắng nhiều trận lớn, trong đó, có trận tiêu diệt Him Lam cùng với Trung đoàn 141, và bắt sống tướng De Castrie. Với việc lập nhiều chiến công lớn, đơn vị được tặng cờ Thi đua Quyết chiến, quyết thắng của Bác Hồ.
Đại tá Nguyễn Hữu Tài.
Năm 1954, Bộ Tư lệnh pháo của tôi cùng Đại đoàn 308 được về tiếp quản Thủ đô.
Việc đầu tiên, khi tiếp quản Thủ đô là chúng tôi phải ra Bờ Hồ để nhìn lại những kỷ niệm xưa, ngắm bờ hồ Hoàn Kiếm, Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc.
Tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc khi về Hà Nội. Một trong những kỷ niệm tôi nhớ nhất là kỷ luật bộ đội rất nghiêm, không được mua bán trong vùng mới giải phóng. Lúc đó, chúng tôi đi ra Bờ Hồ, ngồi nghỉ ngơi trên ghế đá và cũng khát nước. Khi ấy, một cháu bán kem chạy lại mời các chú bộ đội mua kem. Mặc dù 8 năm chưa biết kem là gì, chúng tôi rất thèm nhưng không dám mua và không dám ăn để thể hiện mình chấp hành đúng kỷ luật khi nhập thành.
Một kỷ niệm nữa, trước khi vào Thủ đô, tất cả mọi cán bộ, chiến sĩ phải học 10 điều kỷ luật và 8 chính sách với vùng giải phóng để đồng bào hiểu rõ bộ đội của ta khác với các lực lượng chiếm đóng khác, rất nghiêm túc, rất thân ái với đồng bào, gần gũi nhân dân và không có vi phạm kỷ luật.
Người dân Hà Nội tặng hoa cho Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội. (Ảnh: TTXVN – Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1)
Trong những đêm hành quân gian khổ, chiến đấu qua các chiến dịch, tất cả mọi người chúng tôi đều “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Tư tưởng, tình cảm, khát vọng trở về Hà Nội của những người ra đi khỏi Hà Nội đều có tâm thế như vậy.
Vì thế, khi về Hà Nội, ngoài chấp hành kỷ luật, giữ vững quan hệ nhân dân, chấp hành chính sách, chúng tôi vẫn nhớ câu hát của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi: “Bồi hồi chàng trai, những đôi mắt nào”. Vậy thì, khi về Hà Nội, chúng tôi đều phải đi tìm những đôi mắt ấy thế nào.
Trung đoàn Thủ đô về đến đầu phố Hàng Gai trong ngày 10/10/1954. (Ảnh: TTXVN – Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1)
Quả thật, đôi mắt thiếu nữ Hà Nội tuyệt đẹp, long lanh, tình cảm, quyến rũ. Những giờ nghỉ, chúng tôi hay đi qua trường Trưng Vương ở phố Hàng Bài – nơi đó là trung tâm của “những đôi mắt nào” để được ngắm nhìn các thiếu nữ Hà Nội. Đó là sự lãng mạn của thanh niên khi trở về Hà Nội.
Ở chiến khu, chung quanh chúng tôi toàn màu xanh đen, nhưng khi về Hà Nội, chúng tôi thấy đủ các màu sắc rực rỡ, với các tà áo dài xanh, đỏ, tím… của các nữ sinh Trưng Vương. Mỗi khi bước lên xe đạp, các thiếu nữ vắt tà áo dài lên xe đạp, quyến rũ vô cùng. Những hình ảnh đó không bao giờ quên được.
Đại tá Lê Văn Tính, Trung đoàn Thủ đô (Trung đoàn 102), Đại đoàn quân Tiên phong (Sư đoàn 308):
Những ngày tháng 10 không thể quên
Một ngày đầu tháng 10/1954, Đại đội 238 nhận lệnh hành quân về Phùng (ngoại thành Hà Nội). Đúng 5 giờ sáng 10/10, chúng tôi bắt đầu rời làng Phùng, theo Quốc lộ 32 tiến về Hà Nội.
Đại tá Lê Văn Tính.
Đoàn quân chúng tôi đi qua khu vực Cầu Diễn, Cầu Giấy. Chung quanh, ruộng lúa đang vào vụ chiêm thơm ngát. Bà con đổ ra đầy hai bên đường, mang theo hoa, biểu ngữ nhiều màu. Người dân thì mong bộ đội về, bộ đội thì mong mau về với Thủ đô. Hai niềm mong đợi ấy gặp nhau nên tình cảm vô cùng khó diễn tả. Có niềm vui mừng, phấn khởi; có nỗi rưng rưng. Thi thoảng, lại có người mang theo hoa, vội vã chạy ra dúi vào tay những người lính đang tiến về Hà Nội.
Đoàn quân đi qua các đường phố đến Hồ Gươm, về cửa chợ Đồng Xuân. Phố phường đang có lệnh giới nghiêm nhưng nhà nào cũng mở cửa, mọi người đứng trong nhà nhìn bộ đội đi qua với nét mặt thân thiện, gần gũi như mong đợi từ lâu…
Quân đội ta chuẩn bị làm lễ Chào cờ tại sân Cột Cờ vào ngày 10/10/1954. (Ảnh: TTXVN – Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1)
Sau khi ăn cơm trưa, chiều cùng ngày, chúng tôi tập trung ở sân vận động Cột Cờ, cùng các đơn vị bạn, nhân dân dự lễ chào cờ. Lúc này, có cả Tổ Quốc tế giám sát thi hành Hiệp định Geneva có mặt.
Thiếu tướng Vương Thừa Vũ đọc Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào Thủ đô.(Ảnh: TTXVN – Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1)
Đúng 15 giờ ngày 10/10/1954, còi Nhà hát Thành phố vang lên một hồi dài. Tiếng Quốc ca hùng tráng vang lên, cờ Tổ quốc phấp phới bay trên đỉnh cột cờ Hà Nội. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ đọc Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào Thủ đô. Những lời trong thư khiến chúng tôi rất xúc động. Đọc xong, tất cả xúc động cùng hô vang: “Hồ Chí Minh muôn năm”.
Những ngày đầu tiên, bộ đội ta bắt đầu triển khai nhiệm vụ quân quản. Lúc này, địch cũng dùng nhiều luận điệu để làm lung lạc tinh thần nhân dân ta. Các chiến sĩ chia thành từng tổ 3 người, vào từng nhà hỏi thăm sức khỏe, nói chuyện, giải đáp những vướng mắc cho nhân dân.
Đại tá Lê Văn Tính và Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp bắt tay chào nhau.
Đặc biệt, tối tối, văn công các tiểu đội sẽ tổ chức múa sạp, múa lụa ở các góc phố, vườn hoa. Nhân dân đổ ra hưởng ứng rất đông.
Thực hiện lời căn dặn của Bác, chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Bác giao, và đơn vị chúng tôi được khen thưởng, riêng tôi và một số đồng chí trong Sư đoàn được Bác tặng Huy hiệu của Người – một phần thưởng vô cùng quý giá.
Nhandan.vn
Nguồn:https://nhandan.vn/ven-nguyen-cam-xuc-cua-nhung-nguoi-trong-doan-quan-tro-ve-thu-do-tu-70-nam-truoc-post836096.html