Giới chức Nhật Bản sẽ giảm thuế thu nhập và trợ giá năng lượng để xoa dịu tác động từ chi phí sinh hoạt tăng.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm 2/11 cho biết chính phủ sẽ chi hơn 17.000 tỷ yen (113 tỷ USD) cho các gói giải pháp nhằm xoa dịu tác động kinh tế từ lạm phát. Các chính sách mới gồm giảm thuế thu nhập và trợ giá năng lượng.
Để thực hiện gói này, chính phủ sẽ soạn thảo ngân sách bổ sung 13.100 tỷ yen cho năm tài chính hiện tại, ông Kishida cho biết trước báo giới. Nếu tính cả các khoản vay do chính phủ bảo lãnh và chi tiêu của các chính quyền địa phương, quy mô gói này có thể lên tổng cộng 21.800 tỷ yen.
“Kinh tế Nhật Bản đang ghi nhận cơ hội lớn để bước sang một giai đoạn mới, lần đầu tiên trong ba thập kỷ, khi thoát khỏi vòng xoáy giảm phát. Đó là lý do chúng ta cần giúp các doanh nghiệp tăng lợi nhuận và doanh thu, để từ đó tăng lương”, ông Kishida cho biết trong cuộc họp với giới chức hôm nay.
Lạm phát tại Nhật Bản đã duy trì trên mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương (BOJ) hơn một năm qua. Việc này gây sức ép lên tiêu dùng và triển vọng nền kinh tế đang hồi phục chậm chạp sau đại dịch. Lạm phát tại đây chủ yếu do chi phí nguyên liệu thô tăng.
Lạm phát khiến tỷ lệ ủng hộ ông Kishida giảm sút. Thủ tướng Nhật Bản cũng chịu nhiều sức ép về việc đưa ra các biện pháp xoa dịu tác động của chi phí sinh hoạt tăng. Mức tăng lương hiện tại không đủ bù tăng giá.
Các nhà phân tích cũng nghi ngờ gói mới tác động đáng kể lên tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản. Takahide Kiuchi – cựu quan chức BOJ ước tính các biện pháp này chỉ giúp GDP Nhật Bản tăng 0,19% năm nay.
Nhật Bản tăng trưởng 4,8% trong quý II – mạnh nhất hơn 2 năm, do việc chấm dứt các lệnh phong tỏa vì đại dịch đã kích thích tiêu dùng. Tuy nhiên, việc lương thực tế của lao động giảm trong tháng 7 đã làm dấy lên ngờ vực về dự báo của BOJ, rằng nhu cầu nội địa sẽ giúp nền kinh tế phục hồi bền vững.
Hà Thu (theo Reuters)