Người dân Nam Bộ nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung đều ít nhiều từng nghe tới danh xưng “bác Ba Phi”. Ông xuất hiện trong nhiều câu chuyện, tài liệu liên quan đến văn hóa của người Nam Bộ.
Trong đó, bác Ba Phi được phác họa là người đàn ông trung niên sống ở vùng sông nước Cà Mau. Ông có biệt tài kể chuyện tiếu lâm và “nói dóc”. Ngoài ra, bác Ba Phi còn được hình dung là người nhân hậu, hào sảng nên được nhiều thế hệ người Nam Bộ yêu mến.
Trên thực tế, hình tượng nhân vật bác Ba Phi trong những câu chuyện, tài liệu văn hóa dân gian được xây dựng trên nguyên mẫu đời thực của ông Nguyễn Long Phi. Ông Long Phi vốn là con cả của gia đình có 5 người con sống ở Đồng Tháp, ông sinh năm 1884.
Năm lên 10, vì chiến tranh loạn lạc nên Long Phi cùng gia đình lưu lạc xuống vùng đất giáp biển Cà Mau. Sau đó, ông lần hồi trở về vùng U Minh, trở thành tá điền cho Hương quản Tế.
Sau mấy năm ở rể, Long Phi nên duyên với con gái của Hương quản Tế là bà ba Lữ, kể từ đây tên của ông được gắn với thứ bậc trong gia đình của vợ, trở thành Ba Phi.
Là lớp người dân khai phá vùng U Minh, lại trải qua nhiều thăng trầm vất vả nên bác Ba Phi có nhiều kinh nghiệm sống, có khí phách kiên cường và sự hào sảng đặc trưng của người dân Nam Bộ. Đặc biệt, ông còn được miêu tả là có tài năng nổi bật về đờn ca tài tử và kể chuyện.
Những câu chuyện của ông thường đề cập đến cuộc sống của người dân Nam Bộ thời bấy giờ nhưng được cường điệu để tăng độ hài hước, dí dỏm.
Đến nay, rất nhiều câu chuyện mang “thương hiệu” bác Ba Phi còn được truyền lại trong dân gian như: Nếp dẻo, Cọp xay lúa, Câu ếch, Trèo cây ớt té gãy chân…
Không chỉ có tài năng thiên bẩm, bác Ba Phi còn được yêu mến bởi tính cách hào sảng, sẵn sàng giúp đỡ người nghèo. Năm 1942, bác Ba Phi tự nguyện hiến hàng trăm mẫu ruộng cho Đảng, Nhà nước để chia cho dân nghèo canh tác, chỉ chừa lại vài mẫu cho gia đình làm kế sinh nhai.
Bác Ba Phi qua đời vào ngày 06/12/1964 tại ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, nay là Kênh Ngang, ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Năm 2003, bác Ba Phi được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam truy tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và tặng thưởng Huy chương “Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian”.
Hình tượng nhân vật bác Ba Phi từng xuất hiện trong không ít tác phẩm nổi tiếng, trong đó phải kể đến tiểu thuyết Bác Ba Phi của nhà văn Anh Động và đặc biệt là hình ảnh người đàn ông trung niên phóng khoáng, chất phác nhưng có khả năng trò chuyện đầy duyên dáng Ba Phi trong tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi.
Sau này, tiểu thuyết được dựng thành phim truyền hình có tên Đất phương Nam. Trong phim, tuy chỉ là nhân vật phụ nhưng hình ảnh bác Ba Phi do nghệ sĩ Mạc Can thể hiện đã in sâu trong ký ức của khán giả, trở thành nhân vật được nhiều người yêu mến, không hề thua kém nhân vật chính.
Mới đây nhất, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho ra mắt bộ phim điện ảnh có tên Đất rừng phương Nam và vai diễn bác Ba Phi được giao cho Trấn Thành thể hiện.
Tuy nhiên, dù phim còn chưa ra rạp, khán giả đã phản ứng khá gay gắt trước việc vai diễn bác Ba Phi được giao cho nam diễn viên sinh năm 1987. Công chúng cho rằng nam diễn viên còn quá trẻ, lại có ngoại hình đầy đặn không phù hợp với hình tượng bác Ba Phi từng trải, giản dị trong kho tàng văn học và trong tưởng tượng của nhiều người.
Thêm vào đó, nhân vật bác Ba Phi ở phim truyền hình Đất phương Nam do nghệ sĩ Mạc Can thể hiện quá xuất sắc, trở thành tượng đài trong lòng nhiều lớp khán giả. Điều này khiến bất cứ nghệ sĩ trẻ nào đảm nhiệm vai bác Ba Phi đều khó lòng chinh phục được công chúng.
Ngoài ra, vì nhiều ồn ào đời tư, Trấn Thành không có được cái nhìn thiện cảm từ một bộ phận khán giả. Chính vì vậy, việc giao vai người dân chất phác, hào sảng, được xem là biểu tượng văn hóa của người Nam Bộ cho nam diễn viên này cũng bị xem là không phù hợp.
Tuy nhiên, theo vị đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, nhân vật bác Ba Phi có nhiều điểm phù hợp với hình ảnh, cá tính của Trấn Thành.
“Nhân vật bác Ba Phi là một người rất hoạt ngôn, những chuyện vui vẻ, những chuyện người ta tưởng thật, có chuyện tưởng không, nhưng câu chuyện đều có ý nghĩa, triết lý riêng của nó, thì tôi nghĩ Thành là người rất hợp” – Đạo diễn phim Đất rừng phương Nam nói.
An Nguyên