Món quà ý nghĩa
Dự án cung cấp bò giống sinh sản phát triển kinh tế, xã hội theo mô hình “Bộ đội gắn với dân bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” năm 2023 do Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) làm chủ đầu tư, được triển khai tại xã Ia Lang, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai vào giữa tháng 1/2024.
Cụ thể, có 66 hộ dân thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo được cấp 132 con bò cái sinh sản (mỗi hộ 2 con). Đây là giống bò vàng từ 16 đến dưới 24 tháng tuổi, trọng lượng bình quân mỗi con đạt 180kg và được thụ tinh 100% trước khi bàn giao về địa phương.
Ngoài việc cung cấp bò giống sinh sản, dự án còn cung cấp 150kg thức ăn hỗn hợp cho mỗi hộ gia đình được nhận bò. Đồng thời tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng cỏ, hỗ trợ làm chuồng với số tiền 2,5 triệu đồng/hộ, nhằm bước đầu giúp bà con có thêm hiểu biết, điều kiện chăm sóc và làm chuồng trại nuôi bò.
Đây là một chương trình hết sức có ý nghĩa đối với bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi ngoài việc bà con được nhận tài sản có giá trị lớn (tương đương khoảng 34 triệu đồng/hộ) đây còn là sinh kế để người dân phát triển kinh tế, tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống.
Sau khi nhận bò về nuôi, ngay trong đêm đầu tiên, 1 trong 2 con bò của hộ anh Rơ Châm Bơl (làng Phang) đã “vượt cạn” thành công. Đây là con bò đầu tiên trong tổng số 132 con bò vừa được cấp thực hiện “sứ mệnh” tiên phong của dự án. Đến thời điểm hiện tại đã có 7 hộ có bò đẻ, đặc biệt cả 2 con bò cái của hộ gia đình em Rơ Mah Yên đều đã đẻ bê con.
Là một trong 66 hộ dân được cấp bò đợt vừa rồi, Rơ Ma Yên (trú làng Klũh Yẻh) có hoàn cảnh rất đáng thương. Bố mẹ mất sớm, Rơ Mah Yên cùng anh trai sống nhờ vào gia đình chú ruột, cuộc sống hết sức khó khăn. Hàng ngày vợ chồng em phải đi cạo mủ cao su, hái điều, cuốc cỏ thuê kiếm sống nuôi 2 con nhỏ, đắp đổi qua ngày.
Vuốt ve chú bê con, Rơ Ma Yên xúc động nói: “Em rất vui mừng khi được cấp 2 con bò giống này vì đây là tài sản quá lớn đối với gia đình. Vợ chồng em đi làm thuê, kiếm đủ ăn đã khó nói gì đến chuyện mua bò. Em không nghĩ rằng đến một ngày bọn em có trong tay cặp bò như thế này. Em sẽ chăm sóc 2 con bò thật tốt để sinh sản được thật nhiều bê con”.
Động lực thoát nghèo
Vợ chồng anh Rơ Mah Đeo (SN 1994, trú lại làng Le 1) có một mảnh vườn nhỏ trồng 200 gốc cà phê, mỗi năm tổng thu nhập được khoảng được trên 30 triệu đồng nên cũng chỉ đủ sống qua ngày. Thời gian rảnh rỗi vợ chồng đi hái tiêu, nhặt điều thuê để kiếm thêm thu nhập.
Cũng như nhiều hộ dân hưởng lợi từ dự án, vợ chồng anh Đeo rất mừng vì đây là tài sản quá lớn. Trong thời gian tới, tài sản này sẽ tạo ra giá trị kinh tế cho gia đình qua việc đẻ ra những chú bê con. Ngoài ra, mỗi năm còn có một lượng phân bò rất lớn để bón cà phê, đỡ phải tốn kém mua phân hoá học.
“Nếu không có sự hỗ trợ của dự án thì không biết đến bao giờ vợ chồng em mới có tiền để mua được cặp bò như thế này. Mong rằng từ dự án này, cuộc sống của người dân đỡ vất vả hơn”, Rơ Mah Đeo nói và nghĩ về một tương lai tốt đẹp hơn.
Nhìn những chú bê con đã ra đời khoẻ mạnh, nhiều hộ dân cũng thấy vui trong lòng, bởi vào một ngày gần đây họ cũng được đón nhận thành quả từ dự án. Đây là những “món quà” giúp họ xoá đói, giảm nghèo, vượt lên cuộc sống.
Bà Rơ Châm H’Guel, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Lang (huyện Đức Cơ) cho biết, Ia Lang là xã đặc biệt khó khăn của huyện. Toàn xã có 5 thôn, làng với hơn 1000 hộ dân sinh sống. Trong đó có 4 làng là đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2023, toàn xã có 257 hộ nghèo và 157 hộ cận nghèo.
Theo bà Rơ Châm H’Guel, trước đây người dân địa phương cũng đã được nhận một số bò dự án, tuy nhiên đây là dự án có số lượng bò nhiều nhất, chất lượng tốt, bò to, đẹp lại gần đẻ. Nếu không có dự án này thì nhiều hộ dân không thể mua nổi 1 con chứ đừng nói có cả đôi như hiện nay.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Lang cũng cảm ơn chủ đầu tư dự án đã quan tâm, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo. “Mong rằng trong thời gian tới các đơn vị đóng quân trên địa bàn quan tâm hơn nữa để giúp dân xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế”, bà H’Guel nói.