Trao đổi với PV VietNamNet bên lề Quốc hội, liên quan đến câu chuyện bất thường về chất lượng và giá cả bò giống được cấp cho các hộ nghèo mà báo chí phản ánh mấy ngày qua, đại biểu Lò Thị Luyến – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên nhìn nhận có tình trạng bò gầy, bò ốm và giá cao hơn so với bò tại bản địa.
Theo bà Luyến, thời gian qua, Điện Biên triển khai việc mua sắm giống cây trồng, vật nuôi theo dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Phải nhập bò từ tỉnh khác về cấp cho người dân
Theo bà, nguyên nhân của tình trạng cấp bò gầy, ốm, giá cao cho hộ nghèo như báo chí phản ánh là gì?
Theo tôi, nguyên nhân của tình trạng này một phần là do vận chuyển xa, có những đơn vị cung ứng con giống từ dưới xuôi lên, gần nhất là từ Lào Cai sang.
Vận chuyển đi hàng mấy trăm km thì việc ảnh hưởng đến sức khỏe của con bò là tất yếu. Người đi xe ô tô còn say thì bò cũng có thể bị say. Thêm vào đó khi vận chuyển đến địa phương khác thì khí hậu, môi trường sống thay đổi nên một số con bò có thể bị xổ mũi, đau ốm.
Một số trường hợp bò gầy thì cũng cần xem xét lại hồ sơ con giống của phía cung ứng có đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định hay không.
Việc giá bò cung ứng cao so với các con giống tại chỗ thì cũng không có gì lạ vì bò ở địa phương nuôi tại chỗ, chăn thả tự nhiên, không phải vận chuyển.
Các con giống do các đơn vị cung ứng từ nơi khác đến phải có các điều kiện, thủ tục như: Chứng nhận nguồn gốc bố mẹ, được chứng nhận là giống tiến bộ, được nuôi theo quy chuẩn chuồng trại, quy chuẩn thức ăn… thêm vào đó là chi phí vận chuyển làm cho giá các con giống đội lên.
Hiện nay huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đang rà soát và đã cho thu hồi 180 con giống. Việc thu hồi con giống chưa đảm bảo trong thời gian còn bảo hành để thay bò mới đảm bảo chất lượng cho người dân cũng là việc bình thường.
Bên cạnh yếu tố khách quan như bà nói, liệu có vấn đề gì khác chủ quan trong quá trình triển khai thực hiện không?
Theo tôi tìm hiểu, huyện Điện Biên đã làm rất cẩn thận là thành lập hội đồng thẩm định để xem xét các nhà cung ứng có đủ năng lực hay không và giao cho các chủ đầu tư là cấp xã đến tận nơi để xem bò. Khi xã chấp nhận, các nhà cung ứng mới vận chuyển bò về Điện Biên để cấp cho người dân.
Về giá bò cũng được hội đồng định giá gồm có các cơ quan chuyên môn của huyện tham gia thẩm định. Các điều kiện, tiêu chuẩn của con giống thì giao cho chủ đầu tư là cấp xã trực tiếp thẩm định.
Ngoài ra, theo quy định, các con giống này phải được bảo hành trong 21 ngày sau khi cấp cho người dân nhưng huyện Điện Biên đã yêu cầu các con giống này được bảo hành 1 tháng.
Như vậy, tôi cho rằng, huyện đã rất chủ động để triển khai, thực hiện chính sách này. Vấn đề là trong quá trình giao cho các xã triển khai thực hiện, các đơn vị cung ứng con giống có thực hiện đảm bảo đúng như cam kết với xã hay không, còn chuyện có vấn đề này kia hay không thì phải để các cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra mới kết luận được.
Xin ý kiến bộ vẫn gỡ không xong
Tại sao tỉnh, huyện không tính đến bài toán cung ứng con giống tại chỗ để có giá cả hợp lý và tránh rủi ro con giống gầy, ốm như vừa qua?
Hiện nay việc cung ứng con giống vật nuôi cho người dân phải thực hiện đúng các điều kiện, tiêu chuẩn theo Luật Chăn nuôi như tôi nói trên là phải có chứng nhận nguồn gốc bố mẹ, được chứng nhận là giống tiến bộ, được nuôi theo quy chuẩn chuồng trại, quy chuẩn thức ăn…
Nếu thực hiện theo đúng các điều kiện tiêu chuẩn này, hiện ở Điện Biên chưa có một nhà cung ứng nào đáp ứng được. Vì vậy, Điện Biên phải tìm các nhà cung ứng ở các tỉnh lân cận và các nhà cung ứng này đều được cấp giấy chứng nhận theo quy định.
Nhưng cũng phải khẳng định, trong các nhà cung ứng con giống trên các địa bàn của tỉnh Điện Biên hiện nay cũng có nhà cung ứng các con giống rất chất lượng, bò rất đẹp và người dân rất ưng ý. Thậm chí nhiều trường hợp người dân nhận bò chỉ sau vài tháng đã đẻ con rồi.
Cho nên tôi cũng mong báo chí khi phản ánh cũng có cái nhìn khách quan, toàn diện tránh gây nên những ý kiến trái chiều, dư luận không tốt, cơ quan quản lý thì băn khoăn làm ảnh hưởng đến việc triển khai một chủ trương đúng đắn, nhân văn.
Tức là theo bà hiện nay địa phương đang gặp vướng mắc về cơ chế chính sách trong việc cấp con giống cho hộ nghèo?
Đúng là như vậy. Hiện nay Nghị định 38/2023 có quy định “ưu tiên sử dụng giống cây trồng, vật nuôi do người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án…” nhưng các địa phương chưa triển khai được quy định này, do vướng mắc về tiêu chuẩn giống vật nuôi và việc xác định giá thị trường.
Cụ thể về tiêu chuẩn con giống, tỉnh Điện Biên đã ban hành công văn xin ý kiến của Bộ NN&PTNT và được Cục Chăn nuôi có văn bản trả lời là: Đề nghị địa phương mua con giống vật nuôi phải đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của Luật Chăn nuôi và các văn bản có liên quan.
Do đó, khi triển khai có khó khăn vì người dân trên địa bàn các xã khó khăn chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, giống bản địa, không thể đáp ứng được các điều kiện theo quy định của Luật Chăn nuôi như tôi đã nói trên.
Đề nghị hạ tiêu chuẩn để gỡ khó cho địa phương
Hiện Quốc hội đang thảo luận dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, bà có kiến nghị gì để gỡ vướng cho địa phương?
Người dân đề nghị được mua con giống bản địa, được lựa chọn theo tri thức bản địa, cảm quan, kinh nghiệm chăn nuôi về chiều cao, cân nặng, vòng bụng, vòng cổ, màu da, màu lông… và là những giống phù hợp với điều kiện khí hậu để sinh trưởng, phát triển tốt.
Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung vào dự thảo nghị quyết: Trường hợp mua sắm giống cây trồng, vật nuôi do người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án thì giống cây trồng, vật nuôi đó chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn theo định mức kinh tế kỹ thuật do cấp tỉnh ban hành và được UBND cấp xã xác nhận.
Ngoài ra, việc định giá giống cây trồng, vật nuôi khi mua trực tiếp từ người dân cũng có vướng mắc. Khoản 2 Điều 3 Thông tư 55/2023 của Bộ Tài chính quy định “Đơn giá thu mua sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tính theo giá thị trường trên địa bàn tại cùng thời điểm, được UBND cấp xã xác nhận tại giấy biên nhận mua bán với người dân”. Tuy nhiên, thực tế nhiều địa phương e ngại rủi ro pháp lý không dám áp dụng quy định này.
Dự thảo nghị quyết quy định “Cơ quan tài chính cùng cấp, hoặc UBND cấp xã chịu trách nhiệm xác định giá thị trường của hàng hóa trong trường hợp thanh toán theo giá thị trường”.
Tôi đề nghị quy định theo hướng giao cho cấp huyện thành lập tổ thẩm định, định giá giống vật nuôi trên địa bàn làm cơ sở để triển khai thực hiện.
Phải quy định cụ thể về tiêu chuẩn con giống và việc xác định giá như vậy thì địa phương mới triển khai được việc ưu tiên sử dụng giống địa phương.