Với “gia tài” hơn 60 ca khúc, các bài hát do Trà Bình sáng tác chủ yếu đều đeo đuổi dòng nhạc trữ tình quê hương, như: Về phương Nam, Thương lắm Cà Mau, Bến đục bến trong, Tình ca miệt thứ, Đẹp lắm quê mình, Về An Giang, Con chim sáo Bù Đăng, Gió qua rặng mù u, Giữ trọn tình quê, Chuyện tình của dòng sông, Sầu trái bòn bon, Sao vẫn mong chờ, Thương về U Minh Hạ, Nỗi lòng phận gái, Đừng tha hương nữa, Hương sắc Cẩm Khê, Về làng Chương, Lời ru tình mẹ, Gió chướng miền quê ngoại, Cho con được làm người, Mùa xuân dịu dàng, Gửi trọn tình xuân, Mùa xuân mới...
Ít ai biết rằng, nhạc sĩ Trà Bình không phải là người con phương Nam. Anh sinh ra và lớn lên trên quê hương đất tổ Phú Thọ, nơi có với nhiều di tích văn hóa lịch sử như: Đền Hùng, chùa Hoàng Long, đền Gò Thờ Chương Xá… và điệu hát xoan nổi tiếng.
Ngay từ thuở nhỏ, dòng nhạc dân ca trữ tình đã đi sâu vào trong tâm khảm và máu của anh. Sau khi học xong phổ thông trung học, Trà Bình vào học tập và lập nghiệp tại tỉnh Bình Dương. Ngoài công việc thông dịch viên thì niềm đam mê sáng tác nhạc luôn “âm ỉ cháy” trong anh mỗi ngày.
Cái tình và ngọt vị quê hương làm say đắm bao người
Bằng tình yêu quê hương tha thiết, những sáng tác của nhạc sĩ Trà Bình luôn gần gũi với con người, thiên nhiên. Chính những nhiệt huyết và niềm đam mê nghệ thuật mà những nhạc phẩm của anh luôn được nhiều khán giả quan tâm. Như sự mộc mạc của chính con người anh, mỗi ca từ mỗi giai điệu trong các ca khúc là sự gắn kết tình cảm đong đầy với cảm xúc hàng ngày, qua từng khoảng thời gian, từng vùng miền anh đã đi qua.
Những nơi anh đã từng sống, đã từng đến, đã từng có nhiều tình cảm, thì những miền quê ấy lại hết sức gần gũi, thân thương cứ thế tự nhiên đi vào lòng người bằng các câu hát ngọt ngào: “Ai có về miền quê sông nước, theo ghe xuồng về miệt thứ phương Nam, làng quê ta êm ả thanh bình, ẩn mình bên những rặng dừa xanh…”.
Những câu hát bình dị đến nhường nào trong bài hát Tình ca miệt thứ, là những dòng sông, những con kênh rạch, chiếc xuồng…, đó còn là cái tình, cái ngọt vị đã say đắm biết bao con người cũng như chính tâm tư của nhạc sĩ trong bài hát Về phương Nam: “Muốn nghe câu vọng cổ ngắm bông điên điển trổ, nhớ trở về phương Nam miền quê đang mong chờ…”.
Có thể nói quê hương không chỉ là nơi ta chôn nhau cắt rốn, mà quê hương còn là những miền đất mà mỗi ai trong chúng ta đã đi qua đều phải vấn vương, thương nhớ mong chờ. Có lẽ chính cái mến, cái thương đó mà một chàng trai xứ Bắc như nhạc sĩ Trà Bình đã gửi gắm qua từng câu hát ngọt ngào, phóng khoáng như thể chính anh là người con được sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất chín rồng này vậy.
Còn mùa xuân mới trong bài hát Mùa xuân dịu dàng lại là niềm khao khát đơn sơ, cầu mong cho mọi gia đình đoàn tụ bên nhau, trao cho nhau niềm vui, gửi gắm nhau lời chúc trong ngày tết đến xuân về. Trên khắp mọi miền quê hương đất Việt, niềm hạnh phúc dâng trào khi nhà nhà cùng đón xuân sang, cùng gia đình và con cháu, người thân…
Nơi sinh ta ra, ta chứa đựng trong đó hồn quê, ngọn cỏ… Vì thế mà hình ảnh quê nhà được nhạc sĩ Trà Bình phác họa vô cùng rõ nét và chân thật: “Ngân nga câu xoan ghẹo thắm đượm nghĩa tình, cánh đồng bao la đêm trăng thanh sáo diều vi vu, những đồi cọ xanh chè xanh, ngõ làng thôn xóm lượn quanh…”
Lời những câu hát trong bài Đẹp lắm quê mình như nói lên tấm lòng da diết của người con xa quê luôn hướng về nơi cội nguồn, có tiếng “à ơi” là lời ru của mẹ, tiếng rình rang của những “khúc môn đình”.
Và đâu đó, tiếng quê hương vẫy gọi theo cánh diều căng gió, inh ỏi, tiếng dế kêu vang trời và thanh tĩnh đến lạ thường khi trăng tròn vành vạnh, bên chái bếp cùng nồi khoai luộc nóng hổi…
Cứ thế, tất cả tình yêu quê hương như đong đầy trong từng ca khúc của nhạc sĩ Trà Bình và ở trong từng ca từ được anh chăm chút cũng luôn thường trực hai chữ “quê nhà”.