Các tỉnh phía Nam chỉ có 3 căn nhà liền thổ trên thị trường sơ cấp – chủ đầu tư mở bán lần đầu – được giao dịch tháng 4, mức thấp nhất từ đầu năm.
Giám đốc một sàn bất động sản có trụ sở tại quận 5, với hơn 100 nhân sự, cho biết lượng giao dịch nhà phố và biệt thự ở TP HCM xuống thấp đến mức nhiều dự án không bán được sản phầm nào. Theo ghi nhận từ các sàn phân phối, một siêu dự án nhà thấp tầng xây sẵn có vị trí khá gần khu đô thị mới Thủ Thiêm, bốn tháng qua tiêu thụ được 2 căn (không tính hàng chủ đầu tư tự bán vì các đơn vị này không có đội ngũ bán sản phẩm).
Cá biệt, một dự án nhà xây sẵn tại TP Thủ Đức từ đầu năm đến nay có giao dịch nhỏ giọt, khoảng 7-14 ngày bán được một căn. “Trước đây, cứ 10 khách đi xem có một người chốt giao dịch, nay 30 khách đi xem mới chốt được 0,5-1 sản phẩm. Nhiều người chỉ xem nhưng không ra quyết định”, giám đốc sàn địa ốc trên nói.
Theo ghi nhận của VnExpress, nhà thấp tầng, nhà liền thổ xây sẵn tại TP HCM có giá 15-20 tỷ đồng một căn, nhắm đến khách mua sẵn dòng tiền (50% vay đối ứng, 50% trả bằng tiền mặt) hiện rất khó tiếp cận khách mua vì lãi vay còn cao. Phân khúc này tại Đức Hòa (Long An) có vị trí mặt tiền giá 10 tỷ đồng cũng kén người mua trong tháng qua. Ở thị trường Biên Hòa và Nhơn Trạch (Đồng Nai), biệt thự nhà phố dự án giá 12-16 tỷ đồng một căn trở lên giao dịch đình trệ nhiều tuần nay.
Diễn biến trên cũng được nêu trong báo cáo của DKRA Group (công ty chuyên dịch vụ bất động sản). Theo đó, tháng 4, nhà phố, biệt thự tại TP HCM và vùng phụ cận chỉ bán được 3 căn từ rổ hàng sơ cấp. Đây là mức thanh khoản thấp nhất được thống kê theo tháng kể từ cuối năm 2022 đến nay, đồng thời là mức kém nhất nửa thập niên tính chung theo quý.
Đơn vị này cho hay, sức cầu thị trường ở mức rất thấp, chỉ tương đương 0,3% so với cùng kỳ năm trước. TP HCM và Bình Dương không phát sinh giao dịch trong tháng qua. Các dự án mở bán tháng 4 có mức giá giảm trung bình 8-10% so với lần mở bán trước đó (thời gian cách nhau khoảng 6 tháng). Chính sách chiết khấu thị trường nhà liền thổ lên đến 20%, cam kết thuê lại trong vòng 12 tháng được một số chủ đầu tư áp dụng để kích cầu thị trường sơ cấp nhưng chưa ghi nhận chuyển biến.
Ông Châu, môi giới nhà đất hoạt động hơn 10 năm tại TP HCM và Đồng Nai nhìn nhận không chỉ thị trường sơ cấp gặp khó, nhà xây sẵn trên thị trường thứ cấp (giới đầu tư mua đi bán lại) cũng ế khách. Dù thị trường thứ cấp xuất hiện không ít trường hợp nhà phố, biệt thự tỉnh ven giảm giá 15-25% do chủ cũ ngộp tài chính xả hàng, người mua vẫn cho là giá chưa hấp dẫn.
Theo ông Châu, dân địa phương không mặn mà mua nhà liền thổ dự án ở tỉnh vì các sản phẩm này chỉ phục vụ nhu cầu để ở trong tương lai, không thể kinh doanh buôn bán được khi hiện nay thưa vắng người đến ở. Trong khi đó, khách mua nhà xây sẵn tại vùng ven chủ yếu là giới đầu tư từ TP HCM đổ về, song nhóm này hiện cũng đuối tài chính hoặc ưu tiên giữ tiền mặt.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Công ty R&D DKRA Group xác nhận tình trạng này đã kéo dài hơn bốn tháng qua và đang có dấu hiệu trầm trọng hơn.
Theo ông Thắng, nhà xây sẵn thuộc các dự án trên thị trường thứ cấp hiện nay chịu biến động mạnh khi xuất hiện nhiều nhu cầu bán hòa vốn, cắt giảm lợi nhuận, thậm chí giảm giá cắt lỗ ở nhóm các nhà đầu tư có sử dụng vốn vay ngân hàng (dùng đòn bẩy tài chính). Tuy nhiên, nhu cầu bán ra nhiều song lực mua vào rất yếu.
Nguyên nhân thanh khoản nhà liền thổ đình trệ theo ông Thắng, trước tiên là do giá trị tài sản quá lớn. Giá bán nhà xây sẵn trong các dự án khoảng trên dưới 10 tỷ đồng một căn nếu ở tỉnh ven và lên đến triệu USD tại TP HCM, khiến nhà đầu tư sẵn tiền vẫn thận trọng cân nhắc.
Lý do thứ hai là làn sóng giảm giá thứ cấp chưa có dấu hiệu dừng lại, khiến người mua sợ giá giảm thêm, dẫn đến tâm lý nghe ngóng, chờ đợi.
Ngoài ra còn kể đến những vấn đề pháp lý chưa hoàn chỉnh, uy tín chủ đầu tư chưa đủ thuyết phục, tiến độ dự án không đúng với cam kết và sự hồi phục của nền kinh tế diễn ra chậm cũng khiến người mua đứng ngoài thị trường.
Ông Thắng dự báo với thực trạng thị trường đang đóng băng, tâm lý người mua nhà xuống thấp, thanh khoản nhà liền thổ có thể tiếp tục kém đi trong những tháng tới.
Vũ Lê