SGGPO
Ngày 14-5, nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang có buổi giao lưu và trò chuyện cùng bạn đọc nhân dịp tiểu thuyết Bể trăng côi (NXB Trẻ xuất bản) của anh được ra mắt. Đông đảo bạn văn đã đến chúc mừng với tác giả.
Sau Mộ phần tuổi trẻ, Những vọng âm nằm ngủ, Phật trong hẻm nhỏ, năm 2023 đánh dấu sự trở lại của nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang với tác phẩm Bể trăng côi. Tác phẩm được lấy cảm hứng từ những đợt cao điểm đại dịch vừa qua, được viết trau chuốt với giọng văn đẹp và thanh thản, đậm tính thiền và triết lý Phật, gợi nhiều cảm nghĩ về nhân sinh.
Như một sự nối tiếp từ tập truyện ngắn Phật trong hẻm nhỏ, tiểu thuyết Bể trăng côi cũng mang đậm tinh thần Phật giáo. Không kể chuyện theo một cách thông thường, Huỳnh Trọng Khang kể song song cùng lúc hai câu chuyện: hành trình của một chú tiểu rời thảo am để đến núi Sa Mạo và hành trình của ngài Huyền Trang đến Tây Trúc thỉnh kinh.
“Bể trăng côi” đánh dấu cho sự trở lại với văn chương của nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang |
Trong tác phẩm, nhân vật chú tiểu được khắc họa ở thời hiện đại, đối diện với đại dịch, đời sống của nhân vật càng lúc càng thu hẹp lại: từ một vùng núi rộng lớn, không gian sống chỉ còn diễn ra trong một ngôi nhà nhỏ bé giữa lòng thành phố. Đó là cuộc sống tĩnh. Ngược lại, từ Đại Đường, nhân vật Huyền Trang vươn ra với thế giới, cùng với hành trình đó, thế giới của ông càng rộng mở.
Nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang thuộc thế hệ 9X, anh là tác giả nổi bật hiện nay của văn học trẻ TPHCM |
Hai nhân vật, hai tuyến truyện tưởng chừng như đối sánh nhưng lại là ẩn dụ cho một thông điệp chung về sự tái sinh. Theo tác giả, sau những tai ương, sau dịch bệnh thì sự sống vẫn trải qua, chúng ta sẽ cảm thấy đó là phần lịch sử rất dài của đời sống này.
Chương trình diễn ra trong không gian thân tình và gần gũi |
Bạn văn đến chia vui với nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang. Từ trái qua: Tống Phước Bảo, Trần Huyền Trang, Huỳnh Trọng Khang, Phương Huyền và Trương Quốc Phong |
Nhà văn Bùi Tiểu Quyên đánh giá Bể trăng côi là tựa sách đắt giá. Theo tác giả của Cà Nóng chu du Trường Sa, đọc tác phẩm của Huỳnh Trọng Khang, bạn đọc sẽ thấy rằng, chính người viết thời điểm đó cũng đã dùng văn chương, câu chuyện của mình để nương tựa, rồi sau đó chuyển sự nương tựa đó cho độc giả.
Nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang ký tặng bạn đọc |
Nhà văn Bùi Tiểu Quyên cho biết, chị từng đọc khá nhiều tác phẩm, tản văn, ký sự về Covid-19 và cảm thấy rất đau lòng, khi phải gặp lại điều kinh khủng nhất mà cuộc đời mình, cộng đồng mình, đất nước mình đã trải qua. Tuy nhiên, với Huỳnh Trọng Khang thì không giống như vậy.
Chị lý giải: “Chính vì điểm tựa từ Phật giáo nên khi đọc Bể trăng côi, người đọc như cảm thấy được xoa dịu, được cứu rỗi rất nhiều. Mượn hình tượng của nhà sư, điểm tựa đó giống như một sức mạnh lớn trong tác phẩm này. Rất mừng là Khang đã làm được điều đó cho chính mình và cho mọi người”.