Ngày 21-4, trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024, tại Công trường Công xã Paris (quận 1, TPHCM) diễn ra chương trình giao lưu cùng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM 2024-2025. Sự kiện do Sở TT-TT TPHCM phối hợp cùng NXB Trẻ tổ chức đã thu hút sự quan tâm đông đảo của độc giả.
Tại chương trình, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bày tỏ niềm vui khi có cơ hội được trò chuyện cùng độc giả và có những chia sẻ về câu chuyện sáng tác cũng như lan tỏa tình yêu với sách đến cộng đồng, đặc biệt là các bạn đọc trẻ.
Trả lời cho câu hỏi làm sao để gieo mầm, khơi gợi tình yêu đọc sách đối với những độc giả nhỏ tuổi, theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, việc này cần có sự cộng hưởng, tác động từ nhiều phía và trước hết chính là vai trò của gia đình. Ông lý giải: “Trong gia đình, nếu cha mẹ quan tâm đến chuyện đọc sách của con cái hoặc cha mẹ thích đọc sách thì tình yêu, niềm đam mê dành cho sách tự động sẽ truyền cho con cái và lớn dần theo thời gian. Vì theo tôi, thông thường, con cái sẽ chịu ảnh hưởng nhiều từ người lớn, nhất là các bậc phụ huynh. Nếu đứa trẻ lớn lên trong môi trường có văn hóa tốt, có văn hóa đọc sách, chẳng hạn như bố mẹ thích đọc sách hay có tủ sách, đứa con lớn lên có thể kế thừa sự đam mê với sách từ đó và trau dồi nó. Hoặc chúng ta đi đến những ngày hội sách, xung quanh chúng ta sẽ toàn là sách, từ gian hàng này đến gian hàng khác. Mỗi lần chọn, lật một cuốn sách, xem trang bìa, tranh minh họa và ngửi thấy mùi giấy mới. Những điều đó cộng hưởng và tạo nên cho chúng ta một tình yêu với sách”.
Bên cạnh đó, nhà văn cũng cho rằng, các bậc phụ huynh, những người lớn trong gia đình có thể khuyến khích con em đọc sách bằng cách mua tặng những cuốn sách hay cho con cháu của mình trong các dịp lễ tết, sinh nhật, giúp các em hình thành được thói quen đọc sách ngay từ khi còn nhỏ.
“Với thông điệp của ngày hội sách, mỗi người dân là một đại sứ văn hóa đọc. Điều đó hoàn toàn đúng với xã hội của chúng ta. Không chỉ trong phạm vi cá nhân, gia đình mà từ góc độ là người sáng tác, tôi nghĩ những nhà văn, nhà báo chúng ta sẽ cố gắng viết những cuốn sách hay, lôi cuốn để kéo bạn đọc đến gần hơn với sách. Về phía NXB, các đơn vị sẽ chọn lọc, xuất bản các tác phẩm hấp dẫn, truyền tải thông điệp ý nghĩa đến cộng đồng và hạn chế sự tràn lan của vấn nạn sách giả. Ngoài xã hội, nếu phát triển được các hệ thống thư viện, xây dựng các tủ sách ở vùng sâu vùng xa, điều này sẽ giúp các em ở khu vực khó khăn có cơ hội được tiếp cận với sách, mở mang tri thức. Đây đều là những việc làm từ cá nhân, tổ chức, cộng đồng nhằm lan tỏa sâu rộng tình yêu với sách và góp phần tạo nên sự thích thú khi đọc sách của các em nhỏ”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ.
“Sách có vai trò rất đặc biệt trong đời sống tinh thần của con người. Nó khác với đôi dép để mang, chiếc xe để chạy. Tuy chúng đều là sản phẩm vật chất nhưng cái khác của sách với đôi dép, chiếc xe chính là nằm ở giá trị tinh thần mà sách chuyên chở. Sách giúp con người nâng cao tri thức, giàu có về tâm hồn, trưởng thành về tình cảm và mài sắc các ý niệm đạo đức qua câu chuyện và chúng ta sẽ yêu những nhân vật tốt, ghét những nhân vật xấu trong truyện”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bộc bạch.
Chia sẻ về cơ duyên đến với sách và nuôi dưỡng ước mơ trở thành một nhà văn của mình, tác giả Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ, thuở thơ ấu, vùng quê nghèo nơi ông sống rất ít sách. Người lớn khi đi thành phố thỉnh thoảng sẽ mua về cho trẻ con vài cuốn sách nên sách rất hiếm và muốn đọc sách thì bạn bè ở nhà có sách sẽ đổi cho nhau để cùng đọc. Do đó, việc đọc sách rất khó khăn.
“Khi tôi được cha dẫn vào nhà sách ở thành phố vào năm 14 tuổi, đó là lần đầu tiên tôi bước vào nhà sách và biết được trên đời có một nơi tập trung nhiều sách nhiều như vậy. Tôi cảm tưởng như bước vào một ngôi đền thờ hết sức hoa lệ, nguy nga và thiêng liêng với toàn là sách. Tôi bước một cách rón rén và không dám thở mạnh… Đó là niềm hạnh phúc của tôi trong thiên đường sách. Hiện tại, các bạn trẻ, đặc biệt là ở các thành phố lớn, các bạn dễ dàng tiếp cận được nhiều nhà sách lớn nhỏ và có những ngày hội sách như thế. Đối với tôi, đây là một niềm hạnh phúc lớn và may mắn”, ông nói thêm.
Đồng thời, tác giả cho biết luôn ấp ủ giấc mơ trở thành nhà văn từ nhỏ và nếu sau này lớn lên, ông không trở thành nhà văn thì sẽ cố gắng là một chủ tiệm sách để luôn gắn bó với sách. Nói về nguồn cảm hứng và chất liệu cho các sáng tác, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ: “Để xây dựng những câu chuyện thú vị, hấp dẫn, chứa nhiều bài học và không truyện nào giống nhau, tôi nghĩ, đó là một phẩm chất, tiềm năng cần có ở nhà văn. Ba nguồn chất liệu để tôi viết những tác phẩm là: ký ức từ sự trải nghiệm, sự quan sát và trí tưởng tượng của mình. Dù tách thành 3 nguồn nhưng khi sáng tác, tôi vận dụng và kết hợp chúng lại với nhau để cho ra những câu chuyện gần gũi, sáng tạo và ý nghĩa”.
THANH TRÚC