Khảo sát cho thấy nhà mặt phố tại các tuyến đường trung tâm quận 1, TPHCM như Lý Tự Trọng, Mạc Đĩnh Chi, Đồng Khởi, Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ… vẫn trong tình trạng bỏ trống nhiều. Giá thuê mỗi tháng từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng, tùy theo diện tích mặt bằng và diện tích sử dụng.
Tại đường Đồng Khởi, giá thuê phần lớn trên 100 triệu đồng/m2 tùy diện tích, chủ nhà chỉ cho thuê 1 năm. Con đường này có giá thuê mặt bằng đắt thứ 13 thế giới, theo khảo sát của Cushman & Wakefield hồi cuối năm 2023. Giá thuê tại đây cũng tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Trên đường Lê Lợi, khoảng chục mặt bằng đang chờ khách thuê, nhiều vị trí đã bỏ trống nhiều tháng qua. Giá thuê cũng đều trên 100 triệu đồng/tháng, thậm chí cao hơn 2-3 lần, tùy địa điểm.
Ông Võ Hồng Thắng – Giám đốc mảng dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án, DKRA Group – nói khoảng 3 tháng trước đây, đơn vị này có khảo sát và thấy rằng giá thuê mặt bằng ở các con đường lớn tại TPHCM giảm 10-15% nhưng tỷ lệ lấp đầy cũng giảm 20-25%. Nhưng giá thuê ở các mặt bằng phía trong hẻm thì có mức độ giảm thấp hơn và tỷ lệ lấp đầy tăng lên.
Thay vì bỏ ra chi phí lớn, thuê vị trí đắc địa, họ đã khác, tìm đến các vị trí vừa phải với chi phí hợp lý. Do đó, trong ngắn hạn, đại diện DKRA Group cho rằng mặt bằng cho thuê trên các tuyến phố sẽ rất khó để lấp đầy và còn kén khách thuê.
Bà Mai Võ – Phó giám đốc, Phụ trách Dịch vụ Bán lẻ toàn quốc, CBRE Việt Nam – ghi nhận có nhiều mặt bằng bán lẻ lõi trung tâm ở nhà phố dọc Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ trong cảnh bỏ trống. Lý do là ảnh hưởng nhu cầu sau covid, một số mặt bằng vướng pháp lý chưa sạch nên khách thuê e ngại.
Ngoài ra, khách thuê các khu vực trung tâm đa phần là thương hiệu mới, xa xỉ, muốn tăng sự hiện diện, mong muốn thuê 3-5 năm nhưng một số mặt bằng chỉ cho thuê 1 năm. Điều đó quá rủi ro và các thương hiệu cũng từ chối thuê.
Theo bà Mai, các mặt bằng có địa điểm đắc địa, vị trí trung tâm nên cũng có giá trị cao. Chủ nhà hiểu rõ điều đó nên thà để trống còn hơn giảm giá, cho thuê mà không được như mong đợi. Đại diện CBRE Việt Nam kỳ vọng thị trường bán lẻ sẽ sôi động hơn trong năm 2025, khi nhiều thương hiệu mới hơn xuất hiện tại Việt Nam và mở các cửa hàng mới.
Kinh tế khó khăn, chủ nhà đòi hỏi giá rất cao cũng là ý kiến của bà Trang Bùi – Tổng giám đốc Cushman & Wakefield khi nói về các mặt bằng bị bỏ trống nhiều ở TPHCM gần đây.
Ngoài ra, bà Trang còn chỉ ra ở những tuyến phố chính như Lý Tự Trọng, Mạc Thị Bưởi, mặt bằng chỉ có 4m chiều ngang. Các nhãn hàng thuê chỉ kinh doanh được tầng trệt, tầng trên làm kho. Vì thế, chi phí mặt bằng đòi hỏi khách thuê phải có nguồn lực tài chính, kinh doanh ổn định.
Với diễn biến kinh tế hiện nay, nguồn lực tài chính của nhãn hàng không khó kiếm nhưng kinh doanh ổn định thì khó hơn. “Họ phải xem xét bài toán đó, cân nhắc chi phí – lợi nhuận hơn là quảng bá thương hiệu từ mặt bằng”, bà Trang nói.
Cũng theo vị này, thông thường, mặt bằng hiện nay có chiều ngang 4m, sâu 20m, chính giữa có cầu thang, tính ra diện tích sử dụng khoảng 60m2, nhiều thương hiệu thấy không còn phù hợp… Họ mong muốn diện tích rộng hơn, không gian trải nghiệm tuyệt vời hơn. Như vậy các mặt bằng cần được tái cấu trúc, cải tạo lại thành các không gian có diện tích lớn và phát triển thành tầng cao.
Nguồn: https://dantri.com.vn/bat-dong-san/nha-cho-thue-tram-trieu-dongthang-o-tphcm-e-van-e-20240713073252037.htm