Loạt bài “Những ngọn đèn biển chủ quyền trên Biển Đông” của nhà báo Lê Đình Thìn nói về hành trình vượt qua gian nguy của những người lính hải quân, công binh và lực lượng đảm bảo an toàn hàng hải trong việc xây dựng những ngọn hải đăng ở Trường Sa, ở Hòn Hải… Mỗi ngọn đèn biển ấy là một minh chứng hùng hồn của hoạt động dân sinh, dân sự để khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Những chuyến khảo sát và xây dựng các ngọn hải đăng ở Trường Sa vào thập niên 1990 của thế kỷ 20 mang nhiều ý nghĩa quan trọng tầm quốc gia và quốc tế. Bởi từ đó đến nay, Việt Nam đã có hệ thống đèn biển hoàn chỉnh trên Biển Đông. Những ngọn hải đăng trên quần đảo Trường Sa không chỉ là đèn biển mà còn như những cột mốc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Không chỉ giúp ngư dân trong nước xác định phương hướng, những ngọn hải đăng đầu tiên ở Trường Sa thắp sáng, chỉ hướng cho tàu bè qua lại. Nhiều hãng tàu và thuyền trưởng quốc tế đã điện thoại cho Bộ Giao thông vận tải để cảm ơn. Bởi vì nhờ có đèn biển ở Trường Sa mà họ chọn được hải trình an toàn, không sợ mắc cạn và tiết kiệm được quãng đường đi, tiết kiệm chi phí. Đặc biệt là ngọn hải đăng Song Tử Tây và Đá Lát – hai điểm ra – vào quần đảo Trường Sa.
Trong lần thăm ngọn hải đăng trên đảo Hòn Hải, tỉnh Bình Thuận, nhà báo Lê Đình Thìn có đọc về thời gian thi công và thời gian hoàn thành công trình, ngoài ra anh còn để ý đến các ngôi mộ gió trên đảo từ đó anh mường tượng về quá trình xây dựng các ngọn hải đăng của thế hệ ông cha trước kia.
Nhớ về ý tưởng xuất phát từ đâu để triển khai loạt bài, nhà báo Lê Đình Thìn chia sẻ: Từ ngọn hải đăng đảo Hòn Hải tôi nghĩ đến những công trình hải đăng xây dựng ở các đảo Trường Sa, vì ra được khu vực đó cũng khó khăn hơn rất nhiều. Cũng từ đó tôi nuôi dưỡng ý tưởng về viết loạt bài về đề tài này và bắt đầu triển khai.
Nói là làm, anh đã dành nhiều ngày để tìm hiểu thông tin trong các tài liệu sách báo về biển đảo, đi thực tế các đảo và thăm các bảo tàng có giới thiệu về di sản văn hóa biển, đảo Việt Nam, hỏi những đơn vị, nhân vật đã từng tham gia xây dựng các ngọn hải đăng. Anh tìm đến các đơn vị thi công như: Bộ Tư lệnh Công binh; công ty Xây dựng Lũng Lô,…, xin địa chỉ, số điện thoại của những công nhân xây dựng ngọn hải đăng tại đảo Hòn Hải, Trường Sa.
Đặc biệt anh tập trung tìm đến các đơn vị xây dựng các ngọn hải đăng ở Trường Sa. Những công trình này chủ yếu do Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam thi công. Họ biết được những người xây dựng các ngọn hải đăng thời kỳ đó là ai. Qua quá trình liên lạc, anh may mắn biết được ngày hội ngộ gặp mặt các cán bộ hưu trí tham gia và xây dựng các công trình hải đăng ngày đó. Theo đó cứ đến ngày 30/11 hàng năm họ lại tổ chức gặp mặt. Có được mốc thời gian này anh đã chờ đến ngày đó để gặp từng người.
Nhà báo Lê Đình Thìn chia sẻ: Tôi từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội để gặp tất cả các nhân vật, phỏng vấn các công nhân đã từng xây dựng công trình, tìm hiểu những câu chuyện đặc biệt, từ người này giới thiệu người khác, những người trực tiếp xây dựng nên các ngọn hải đăng. Nhiều người mặc dù đã cao tuổi nhưng vẫn nhớ như in thời điểm đó thoát chết như thế nào.
Họ kể lại thời kỳ đi khảo sát, những lần gặp sóng to gió lớn, bão biển như thế nào, trải qua những thử thách gì khi mang vật liệu xây dựng, mang từng viên đá ra các đảo. Thực tế để xây dựng một ngọn hải đăng trên đảo đòi hỏi kỹ thuật cao, xác định về hướng, vị trí đặt, đo đạc thăm dò địa chất để có được nền móng vững chãi nhất.
“Có người thời điểm đó mới là sinh viên mới ra trường, nhưng cũng xung phong ra các đảo để khảo sát và thi công. Thời điểm đó để leo lên các vách đá dựng đứng, để lên phía trên đã là gian truân, nhưng ở đây nhiệm vụ của họ còn là khảo sát và xây dựng công trình trên đó. Nơi chỉ có sóng to, gió lớn, không điện không nước ngọt, mỗi lần ra đảo phải trải qua những con sóng dữ… thế nhưng, vượt qua những thử thách đó, họ dành nhiều tháng thi công, trải qua những điều kiện còn nhiều khó khăn thiếu thốn” – Nhà báo Đình Thìn chia sẻ.
Có thể nói, hành trình khai phá và xây dựng hải đăng của ông cha đã làm nên những ngọn đèn lấp lánh trên biển ngày nay. Khi có đèn biển, ngư dân mình ra đó nhìn thấy đèn biển của Tổ quốc là yên tâm vì đó là biển của đất nước mình, chủ quyền của mình. Lá cờ đỏ sao vàng trên đỉnh đảo có ý nghĩa rất lớn cho cả Tổ quốc và cho mỗi ngư dân, mỗi con tàu đi qua đây.
Lựa chọn một đề tài khó về bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, nhà báo Lê Đình Thìn muốn khẳng định những ngọn hải đăng trên các đảo như ý chí can trường, không tiếc máu xương của người Việt vì Tổ quốc thiêng liêng của mình. Đó là biểu tượng để thế hệ sau này gìn giữ phát huy những điều quý giá của ông cha đã để lại. Làm sao để các ngọn đèn biển được sáng mãi cho mai sau.
Loạt phóng sự “Những ngọn đèn biển chủ quyền trên Biển Đông” của báo Tuổi Trẻ vinh dự được trao giải Nhất. Nhận giải thưởng nhà báo Lê Đình Thìn bày tỏ sự cảm ơn, trân trọng đối với những kỹ sư hàng hải cũng chính là nhân vật trong tác phẩm, thông qua những câu chuyện đầy cảm xúc của họ anh đã hoàn thành loạt bài.