Trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), chuyển đổi năng lượng xanh được xác định là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất. Đây cũng là cơ hội để ngành giao thông vận tải có sự phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và bền vững, bắt kịp với xu thế và trình độ phát triển tiên tiến của thế giới.
Theo thống kê, toàn TP.HCM hiện có khoảng 9 triệu phương tiện cá nhân, trong đó khoảng 900.000 phương tiện là ô tô, còn lại là xe 2 bánh. Dự kiến TP.HCM sẽ ban hành đề án hỗ trợ người dân đổi xe máy điện vào quý IV/2023 và triển khai thực hiện vào quý I/2024.
Để đẩy nhanh tiến độ đề án, thành phố sẽ tập trung vào các nội dung về hỗ trợ sản xuất, lắp ráp, xuất khẩu các phương tiện; hỗ trợ người tiêu dùng, người sử dụng; hỗ trợ hạ tầng, linh kiện điện, pin, trạm sạc; hỗ trợ trong khâu vận hành, khai thác.
Trong chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” hồi tháng 8/2023, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, thành phố sẽ tập trung chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng, xe buýt, taxi, mua sắm đầu tư khu vực công. Đồng thời thành phố sẽ tăng mức trợ giá, hỗ trợ trạm sạc đối với xe buýt, miễn giảm thuế trước bạn, hỗ trợ điều hành vận hành, khai thác đối với taxi.
Đối với các loại mô tô, xe 2 bánh cũ, thành phố cũng nghiên cứu, khoanh vùng và xác định một số đối tượng thí điểm như huyện Cần Giờ, khu vực trung tâm. Các đối tượng sẽ được hưởng các hỗ trợ gián tiếp bằng chính sách hoặc trực tiếp qua chi phí mua xe điện.
Tại An Giang, tháng 5/2023 UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải.
Trong đó, về đường bộ, ngành giao thông vận tải tỉnh lên kế hoạch từ năm 2022 – 2030 từng bước chuyển đổi phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với loại hình phương tiện này. Mặt khác, tỉnh có lộ trình phát triển hạ tầng sạc điện phù hợp với thực tế, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; khuyến khích bến xe, trạm dừng nghỉ chuyển đổi theo tiêu chí xanh.
Những năm tiếp theo (2030 – 2050), cùng với cả nước, An Giang chuyển đổi sang sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy điện, năng lượng xanh. Riêng các bến xe, trạm dừng nghỉ phải đạt tiêu chí xanh; chuyển đổi toàn bộ máy móc, trang thiết bị xếp, dỡ từ sử dụng hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh; cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn tỉnh.
Ngành giao thông vận tải An Giang khuyến khích đầu tư đóng mới, nhập khẩu, chuyển đổi phương tiện thủy nội địa sử dụng nguyên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh; nghiên cứu xây dựng tiêu chí cảng xanh, tuyến vận tải xanh làm cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu ư mới cảng thủy nội địa xanh trên toàn địa bàn.
Riêng giao thông đô thị, từ năm 2025 sẽ có 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới, sử dụng điện, năng lượng xanh; tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công đạt ít nhất 5%. Đến năm 2050, 100% phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh; 100% trang thiết bị tại cảng, bến thủy nội địa chuyển đổi tương tự.
UBND tỉnh An Giang chỉ đạo Sở GTVT nghiên cứu công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, IoT về giao thông thông minh trong quản lý; về điều hành các lĩnh vực GTVT… Qua đó, phối hợp cơ quan liên quan triển khai, tuyên truyền, chỉ đạo đơn vị ngành GTVT nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, chuyển đổi sử dụng điện năng lượng xanh với phương tiện, thiết bị, hạ tầng giao thông xanh.
Cùng với An Giang, TP.HCM, các địa phương khác trong cả nước cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022.
Chương trình hành động xác định phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
Trong đó mục tiêu giai đoạn đến năm 2030 là nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành giao thông vận tải đã sẵn sàng về mặt công nghệ, thể chế, nguồn lực nhằm thực hiện mức cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và mục tiêu giảm phát thải khí mê-tan của Việt Nam.
Giai đoạn đến năm 2050 phát triển hợp lý các phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
Để đạt được các mục tiêu trên, Quyết định của Thủ tướng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp như: Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, quy hoạch; Chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh; Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh; Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính; Tăng cường hợp tác quốc tế, khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và truyền thông.
Quyết định của Thủ tướng cũng nêu rõ: huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành giao thông vận tải. Trong đó, các nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thể chế, chính sách… kinh phí thực hiện được bố trí chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn huy động hợp pháp khác. Các chương trình, nhiệm vụ, dự án về chuyển giao công nghệ xanh, giảm phát thải khí nhà kính, huy động tối đa sự hỗ trợ quốc tế, các quỹ tài chính khí hậu. Bên cạnh đó, các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước, hỗ trợ quốc tế, đầu tư tư nhân và đối tác công tư…
Minh Thái