Vấn đề của ngành đăng kiểm: “Mất bò” mà vẫn chưa “lo làm chuồng”!
Tiếp tục Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, tuần làm việc thứ ba diễn ra từ 5-11/6. Trong đó, trọng tâm là hoạt động chất vấn – đây là nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm. Quốc hội dành 2,5 ngày (từ ngày 6/6 – 8/6) để tiến hành chất vấn về các nhóm vấn đề: Lao động, thương binh và xã hội; giao thông vận tải; khoa học và công nghệ; dân tộc.
Trao đổi với phóng viên bên hành lang nghị trường, các Đại biểu Quốc hội cho rằng, cử tri và nhân dân rất mong đợi những giải pháp mà các vị Bộ trưởng, trưởng ngành đưa ra thiết thực, sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Liên quan đến nhóm vấn đề giao thông vận tải, Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) nhìn nhận: “Phải nói rằng, thời gian vừa qua, cử tri và nhân dân bức xúc nhất là vấn đề đăng kiểm, đã xảy ra hàng loạt sai phạm, gây nhức nhối dư luận. Qua đó để thấy được những bất cập trong quản lý của ngành bấy lâu nay. Thậm chí, khi sai phạm đã được phát hiện, xử lý thì cũng chưa thấy được giải pháp nào linh hoạt, phù hợp để ổn định tình hình, phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Tôi cho rằng, việc xử lý đang rất lúng túng. Làm gì đến mức mà như thời bao cấp, đi đăng kiểm mà phải đi từ đêm, đứng xếp hàng dài không có chỗ, thậm chí phải quay về… Cần phải quan tâm nguồn lực cho lĩnh vực này. Chứ hiện nay chưa thấy ngành giao thông vận tải có giải pháp căn cơ để bịt “lỗ hổng” đăng kiểm. “Mất bò” mà vẫn chưa “lo làm chuồng”. Tôi hy vọng Bộ trưởng Giao thông Vận tải đưa ra được những giải pháp cụ thể, tháo gỡ tồn tại bất cập trong lĩnh vực này, phải có lời hứa thực hiện lộ trình tháo gỡ như thế nào. Bên cạnh đó, phải xử lý triệt để, làm trong sạch bộ máy, minh bạch, công khai, lành mạnh, chứ không thể để lợi dụng làm “méo mó” các quy định của pháp luât, để xảy ra tai nạn giao thông”.
Trong khi đó, cùng quan tâm đến vấn đề đăng kiểm, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ: “Theo tôi, vấn đề của ngành đăng kiểm có liên quan đến năng lực phản ứng chính sách. Nhìn chung, từ trước tới nay, việc phản ứng chính sách thì Chính phủ đã làm tốt, tôi ví dụ như chúng ta đã có nghị định về giản, giãn, hoãn thuế ở thời kỳ đầu của đại dịch COVID-19… Do đó, tôi mong rằng, với vấn đề của ngành đăng kiểm lần này, Chính phủ tiếp tục phát huy điều đó. Khi chúng ta đã phát hiện ra vấn đề có mức ảnh hưởng lớn đến xã hội thì tốc độ để phản ứng phải rất nhanh. Chúng ta đã có chủ trương nên gia hạn tự động cho các xe đã đến hạn đăng kiểm nhưng vì năng lực phục vụ không đáp ứng được thì được “tự động” gia hạn. Nhưng mà tôi thấy rằng, từ lúc thảo luận chính sách cho đến bây giờ, có lẽ là một thời gian đã quá dài mà vẫn chưa “gỡ” được vướng mắc. Vấn đề này, chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết được nhanh, thậm chí phải giải quyết theo hướng tự động”.
Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu phân tích: “Hiện nay, theo dự thảo thì sẽ xử lý theo hướng “tự động”. Theo tôi hiểu rằng, nếu như “tự động” thì tức là người dân không phải làm bất kỳ thủ tục gì. Còn nếu như “tự động” mà người dân lại phải đi đăng ký hoặc làm bất cứ thủ tục gì thì đó không phải là tự động. Như vậy, có nghĩa là nó sẽ chuyển từ thủ tục này sang thủ tục khác và có nguy cơ chuyển từ tắc nghẽn này sang tắc nghẽn khác, mà nó không giúp giải quyết được vấn đề. Tôi rất mong rằng, Chính phủ đã có kinh nghiệm, Chính phủ đã làm tốt trong việc phản ứng chính sách trong thời kỳ COVID-19, rất nhiều thủ tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân được đưa ra kịp thời thì lần này Chính phủ cũng sẽ có giải pháp hợp lý, kịp thời”.
Cần xử lý hình sự doanh nghiệp vi phạm việc đóng bảo hiểm cho lao động
Cũng trao đổi với phóng viên bên lề Kỳ họp Quốc hội, đối với thực trạng thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội sẽ dẫn đến nguy cơ người lao động khó đảm bảo an sinh sau khi về hưu và hệ thống chính sách an sinh xã hội của chúng ta khó đảm bảo tính bền vững, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nói: “Khi người lao động làm việc cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội cho họ thông qua trích một khoản từ tiền lương. Do vậy, việc doanh nghiệp chậm đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, quyền lợi của người lao động khi xin nghỉ việc”.
Để khắc phục tình trên, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần tham mưu với Chính phủ phải có những động thái quyết liệt để tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động bình thường trở lại sau tác động bởi dịch bệnh COVID-19 bằng cách cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ nguồn vốn, tạo quỹ đất cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa… Những việc làm này vừa góp phần để cho doanh nghiệp có thêm đơn hàng duy trì và phát triển sản xuất; còn về phía người lao động sẽ có thêm việc làm để ổn định cuộc sống, góp phần giảm tải tỷ lệ lao động thất nghiệp.
Ngoài ra, theo Đại biểu Phạm Văn Hòa, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần tham mưu với Chính phủ đề xuất có chế tài xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm việc đóng bảo hiểm cho lao động không chỉ thông qua xử phạt hành chính mà phải xử lý bằng hình sự. Cơ quan chức năng cần thực hiện việc làm này để lấy đó làm hình thức răn đe cho doanh nghiệp khác không vi phạm.
Để hạn chế lao động rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, Nhà nước cần có sự hỗ trợ kịp thời với người lao động khi các doanh nghiệp đóng cửa hoặc đình trệ sản xuất, kinh doanh.
Về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho rằng, một số giải pháp để khắc phục đã được đưa ra là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, người lao động lại rất khó hoặc không thể thanh tra, giám sát được việc doanh nghiệp có đóng bảo hiểm xã hội cho họ hay không. Như vậy, trách nhiệm thuộc về các cơ quan chức năng, trước tiên là thuộc về cơ quan bảo hiểm xã hội và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có thể đôn đốc, theo dõi các doanh nghiệp thực hiện việc đóng bảo hiểm cho lao động.
Theo Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, trên thực tế, chúng ta đã có đủ các chế tài để xử lý doanh nghiệp chậm đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội cho lao động. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra có một phần là do việc sản xuất, kinh doanh, thu nhập của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Chính phủ, Quốc hội đã có nhiều giải pháp như cho doanh nghiệp hoãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Việc doanh nghiệp nợ đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội cho lao động chủ yếu là do họ vẫn chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của người lao động mà chỉ chú trọng đến lợi nhuận thu được. Nếu tình trạng này còn diễn ra và là vấn đề nhức nhối thì chúng ta phải có giải pháp quyết liệt, mạnh tay trong công tác thanh tra để nâng chế tài xử phạt doanh nghiệp không thực hiện đúng quyền lợi cho lao động.
Nguyễn Hường