Nguyên vẹn những mùa xuân

Năm mới, tháng Giêng, mồng một Tết Còn nguyên vẹn cả một mùa Xuân Đôi câu thơ của nhà thơ “chân quê” Nguyễn Bính đã gợi đúng điều đặc biệt mà thật hiển nhiên: ngày Tết làm nên hồn cốt mùa xuân, của năm mới. Nhưng Tết chỉ thực sự là Tết với người Việt khi họ dành thời gian mở đầu một năm để thực hiện những nghi thức kết nối với tổ tiên, nguồn cội.

HeritageHeritage12/02/2025

Ở mỗi cộng đồng cư dân, các địa điểm và không gian nghi thức cúng lễ Tết phát huy vai trò làm cầu nối giữa người dân với truyền thống quá khứ. Dấu ấn văn hóa của đất nước hiện lên đậm nét ở những phong tục được tồn giữ qua nhiều thế hệ, gắn với những ngôi đình, chùa hay đền, miếu, có mặt ở hầu khắp các làng quê và cả chốn kinh kỳ.

Có thể nói, mỗi làng xã người Việt xưa là một thế giới thu nhỏ, một tiểu vương quốc văn hóa. Ở đó có đủ các công trình sinh hoạt cộng đồng và tín ngưỡng phục vụ đời sống tinh thần cư dân: đình, chùa, miếu, đền, phủ, quán, nghè, lăng, văn chỉ, văn từ… Đời sống tinh thần người Việt cổ truyền dường như liên kết qua những sợi dây kết nối vô hình giữa hệ thống không gian này, đượm vẻ linh thiêng, huyền bí mà cũng rất mộc mạc, bình dị.

Thường ngày, ít người lui tới những nơi thờ tự hoặc chốn tu hành dân gian, song đến Tết, những cửa đình hay chốn thiền môn lại là nơi cư dân tấp nập đến dâng hương, sinh hoạt cộng đồng. Trước hết phải kể tới đình, trung tâm sinh hoạt cộng đồng của làng xã, song chức năng quan trọng chính là nơi diễn ra các nghi thức cúng tế mùa xuân, dâng hương tưởng nhớ các vị khai dân lập ấp và bảo trợ cho sự bình an, thịnh vượng của làng xã.

Bên cạnh đình, đền và miếu cũng là những không gian tiến hành các nghi lễ quan trọng. Mỗi cộng đồng dành riêng những công trình kiến trúc được xây dựng để thờ cúng một vị thánh hoặc những nhân vật lịch sử được tôn sùng. Ở Việt Nam, phổ biến nhất là các đền thờ được xây dựng để ghi nhớ công ơn các anh hùng có công với đất nước hay công đức của cá nhân với địa phương được dựng theo truyền thuyết dân gian. Bởi vậy, ngày Tết là dịp cộng đồng tưởng nhớ những biểu tượng linh thiêng này nhằm củng cố đức tin, cầu mong phù trì cho thực tại.

Trong khi đó, đóng vai trò cán cân thăng bằng tâm lý cho làng xã từ trước cả khi hình thành nhà nước tập quyền theo tư tưởng Nho giáo chính là những ngôi chùa thờ Phật, nơi không chỉ các Phật tử mà bất kể ai cũng có thể tới tìm kiếm sự bằng an. Dưới bóng những tòa tam bảo, trong ngày Tết, con người ngưỡng vọng những điều tốt lành mà đức Phật truyền qua các thế hệ sau hơn 25 thế kỷ.

Tạp chí Heritage


Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available