Tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, stress, uống ít nước, lười vận động làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể.
Suy giảm sức đề kháng là tình trạng cơ thể giảm hay hoàn toàn không có khả năng chống lại sự tấn công của các tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng. Điều này làm tăng nguy cơ mắc cảm lạnh, cúm, Covid-19, viêm phổi, nhiễm trùng nặng hơn so với bình thường.
Bác sĩ Thân Thị Ngọc Lan, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết người có sức đề kháng kém thường có tần suất mắc bệnh nhiễm trùng nhiều, thời gian ủ bệnh ngắn, biến chứng nghiêm trọng. Một số thói quen, lối sống không lành mạnh là nguyên nhân gây nên tình trạng này.
Ô nhiễm môi trường là cơ hội sản sinh nhiều biến thể virus, vi khuẩn gây bệnh mới với khả năng lây nhiễm cao, làm thay đổi chức năng miễn dịch của cơ thể. Thường xuyên hít phải khói thuốc lá có thể kích thích, tiêu diệt hoặc biến đổi cấu trúc tế bào, tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh như viêm phế quản mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), các cơn hen phế quản cấp, ung thư phổi.
Hít phải không khí nhiễm bụi bẩn, hơi hóa chất, kim loại nặng có thể cản trở hoạt động của các tế bào lympho T thuộc hệ miễn dịch của cơ thể, dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp. Phơi nhiễm với bụi mịn PM 2.5 làm giải phóng cytokine gây viêm, phản ứng viêm ở phổi và toàn thân, trầm trọng thêm bệnh hô hấp, tim mạch.
Bác sĩ Lan cho biết các hạt vi nhựa trong môi trường khi xâm nhập vào cơ thể tích tụ trong các mô phổi và đường tiêu hóa. Sau đó chúng di chuyển tới các mô và cơ quan thông qua hệ tuần hoàn. Phơi nhiễm hạt vi nhựa phá vỡ tính toàn vẹn màng tế bào, gây căng thẳng miễn dịch, mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột và chuyển hóa năng lượng, từ đó giảm sức đề kháng.
Thức khuya khiến cơ thể không sản xuất đủ hormone melatonin, hệ miễn dịch không tạo đủ tế bào bạch cầu giúp chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh từ môi trường. Ngủ không đủ giấc cũng làm cho hệ miễn dịch tạo ra dư thừa các cytokine gây viêm, có thể huy động và kích hoạt các tế bào viêm, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Người trưởng thành nên ngủ 7-8 giờ mỗi đêm, thời điểm tốt nhất khoảng 22-23h. Lúc này, nhiệt độ cơ thể và nồng độ hormon cortisol giảm dần, não bắt đầu sản xuất melatonin, giúp ngủ ngon.
Uống ít nước hạn chế khả năng vận chuyển oxy, các chất dinh dưỡng trong máu đến nuôi dưỡng các tế bào. Thói quen này còn khiến cơ thể thiếu hụt một lượng khoáng chất thiết yếu, cản trở quá trình thải độc, khiến hệ miễn dịch suy giảm.
Lạm dụng kháng sinh, dùng không đúng liều lượng có thể loạn khuẩn đường ruột, rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng khả năng trao đổi chất và hấp thụ dinh dưỡng. Tình trạng này còn tăng nguy cơ vi khuẩn kháng kháng sinh, thậm chí đa kháng kháng sinh, khiến khó chẩn đoán và điều trị.
Căng thẳng kéo làm giảm số lượng tế bào tiêu diệt tự nhiên hoặc tế bào lympho trong cơ thể, vốn cần thiết để chống lại virus.
Bác sĩ Lan cho rằng căng thẳng có thể khiến hệ thống miễn dịch tạo ra phản ứng viêm. Nếu viêm dai dẳng và lan rộng góp phần gây ra các bệnh mạn tính, bao gồm tích tụ mảng bám trên thành động mạch. Căng thẳng mạn tính có thể tạo ra mức hormone cortisol cao hơn bình thường. Điều này còn cản trở phản ứng chống viêm của cơ thể dẫn đến nhiễm trùng tái diễn.
Chế độ dinh dưỡng không lành mạnh như lạm dụng thực phẩm chế biến sẵn, giàu đạm trong khi ít chất xơ khiến mất cân bằng dinh dưỡng. Cơ thể thiếu chất làm suy giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ nhiễm trùng, chậm phục hồi khi mắc bệnh.
Tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu chất béo bão hòa, lipid, đường… làm suy yếu các tế bào lympho B và lympho T trong hệ miễn dịch. Chế độ ăn quá nhiều chất đạm khiến cơ thể sản xuất lượng lớn hormone tăng trưởng IGF 1, đẩy nhanh quá trình lão hóa, cản trở hoạt động của hệ thống miễn dịch.
Bác sĩ Lan khuyến cáo mọi người cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng các nhóm chất như chất đạm, đường bột, chất béo, vitamin và khoáng chất, chất xơ, cung cấp lợi khuẩn để hệ miễn dịch khỏe mạch.
Lạm dụng rượu bia ảnh hưởng đến phổi, suy giảm chức năng tiêu hóa, gây nhiều bệnh như rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày ruột, viêm loét dạ dày tá tràng… Trong khi, đường ruột là nơi tập trung hơn 70% thành phần hệ miễn dịch, trong đó có miễn dịch hệ bạch huyết biểu mô. Đây cũng là nơi sản xuất các yếu tố miễn dịch cho cơ thể như các đại thực bào và các kháng thể IgA… Hệ tiêu hóa không khỏe mạnh sẽ cản trở sự vận hành của hệ miễn dịch.
Ít vận động khiến máu kém lưu thông, ảnh hưởng khả năng di chuyển và tiêu diệt tác nhân gây hại của hàng rào tế bào miễn dịch trong máu. Tốc độ trao đổi chất giảm, cơ thể chậm hấp thu chất dinh dưỡng, khiến sức đề kháng suy giảm.
Tập thể dục thường xuyên khoảng 20-30 phút mỗi ngày giúp tăng trao đổi khí, cải thiện dung tích phổi; giảm huyết áp, cholesterol và duy trì trọng lượng phù hợp; xử lý chất dinh dưỡng, chất lỏng; hỗ trợ giấc ngủ, sức khỏe cơ bắp, tăng cường miễn dịch.
Trịnh Mai