Hà NộiChênh lệch cung – cầu, danh tiếng, điều kiện cơ sở vật chất và giáo viên đã tạo ra “cơn sốt”, khiến các phụ huynh lao tâm khổ tứ.
Giữa tháng 6, hàng trăm phụ huynh ở quận Hà Đông, Hà Nội, xếp hàng xuyên đêm, đợi tới 8h30 sáng hôm sau để nộp hồ sơ cho con vào lớp 1, trường Tiểu học Vạn Bảo. Cảnh hỗn loạn xuất hiện khi trường mở cổng, phụ huynh nhao tới, chen lấn vì đều muốn vào bên trong.
Ngay cả khi 200 phụ huynh đã được vào nộp hồ sơ, bằng với số chỉ tiêu, nhiều bố mẹ vẫn ngồi lại ở cổng trường, chờ cơ hội nếu ai đó không đủ điều kiện nhập học.
Trước đó, nhiều phụ huynh bức xúc vì hồ sơ toàn điểm 10 của con bị loại khỏi vòng dự tuyển lớp 6, hệ THCS của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Lý do là con có một môn học chỉ “hoàn thành” chứ không “hoàn thành tốt”. Điều kiện để qua được “vòng gửi xe”, như cách công chúng thường ví, cũng đã gắt gao.
Tiểu học Vạn Bảo và hệ THCS, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, đều là trường công lập chất lượng cao ở Hà Nội.
Hà Nội là địa phương duy nhất cả nước có mô hình trường công lập chất lượng cao, theo Luật Thủ đô năm 2010. Những trường này luôn nhận được sự quan tâm lớn từ học sinh và phụ huynh, số thí sinh đăng ký vào học gấp nhiều lần khả năng đáp ứng.
Trường Hà Nội – Amsterdam năm nay tuyển 200 học sinh lớp 6. Tổng hồ sơ nộp vào khoảng 3.000, có năm 5.000, nghĩa là tỷ lệ đỗ chỉ 4 đến 7%. Trường THCS Cầu Giấy có hơn 2.700 học sinh dự thi để giành 440 suất. Với bậc học nhỏ hơn, trường Tiểu học Nam Từ Liêm năm nay cũng nhận hơn 500 hồ sơ, trong khi chỉ tiêu là 176.
Ở quy mô thành phố, Hà Nội có hơn 2.230 trường mầm non, phổ thông công lập nhưng chỉ có khoảng 20 trường chất lượng cao.
Sự chênh lệch cung – cầu cùng danh tiếng, chất lượng các trường là một số nguyên nhân dẫn tới “cơn sốt” trường chất lượng cao, theo TS Phạm Tất Dong, nguyên phó chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Việt Nam.
Về cơ sở vật chất, một số tiêu chí để xác định trường chất lượng cao là có nhà đa năng, số phòng học đủ để dạy hai buổi một ngày, mỗi lớp không quá 30 học sinh, có bể bơi, chương trình giáo dục bổ sung, tăng cường dạy tiếng Anh với người nước ngoài, lớp song ngữ, tổ chức hoạt động tư vấn sức khỏe, tâm lý ít nhất ba lần một năm.
Điều kiện này tương đương với trường tư thục, song học phí của trường công chất lượng cao rẻ hơn hẳn. Năm ngoái, mức trần học phí của những trường này dao động 5,1-5,7 triệu đồng một tháng. Căn cứ vào đây và điều kiện của địa phương, từng trường xây dựng học phí cụ thể, đa số chọn mức 3-4 triệu đồng. Ví dụ, trường Tiểu học Vạn Bảo, THCS Cầu Giấy cùng thu 3,3 triệu đồng một tháng. Mức này thấp hơn 2-28 lần học phí của các trường tư thục.
“Học phí của trường Tiểu học Vạn Bảo phù hợp với tổng thu nhập tháng của gia đình tôi”, anh Bạch Quang Hiếu, một phụ huynh đã xếp hàng xuyên đêm để nộp hồ sơ, nói.
Đây cũng là chia sẻ của nhiều bố mẹ khi muốn cho con vào trường công chất lượng cao. Chị Thu Nga, mẹ của một học sinh bị loại hồ sơ khỏi lớp 6 trường Ams, nói “trường tốt, học phí vừa phải, tội gì không nộp”.
Chất lượng giáo viên, chương trình học ở các trường chất lượng cao cũng đạt nhiều yêu cầu khắt khe.
Chẳng hạn 100% giáo viên có chứng chỉ A tiếng Anh, ít nhất 10% thầy cô có chứng chỉ B (bậc tiểu học), 50% có khả năng giao tiếp một ngoại ngữ (THCS và THPT), 40-60% là giáo viên dạy giỏi cấp quận, thành phố. Ngoài các tiêu chí về giáo viên cơ hữu, trường chất lượng cao phải có chuyên gia trong và ngoài nước hỗ trợ chuyên môn, giáo viên hàng năm được đi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm.
Chương trình học ở trường chất lượng cao không chỉ đạt chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà còn có các hoạt động bổ trợ, tăng cường tiếng Anh nghe nói với người nước ngoài, lớp song ngữ môn Toán và Khoa học (với bậc tiểu học).
Thầy giáo Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho rằng lợi thế về cơ sở vật chất, giáo viên của trường chất lượng cao sẽ giúp học sinh phát triển tiềm năng. Ông lấy ví dụ, nếu tuyển sinh phân tuyến, tức là học sinh ở đâu sẽ học tại trường gần nhà, những em có năng lực vượt trội sẽ không có điều kiện tốt nhất để phát huy năng lực.
“Một học sinh giỏi Toán, nhưng trong lớp lực học của các bạn đa số ở mức trung bình khá, thì giáo viên cũng khó để dạy nâng cao, mở rộng ngoài sách giáo khoa. Đấy là chưa bàn tới việc ở những trường chất lượng cao, năng lực, tỷ lệ đạt chuẩn của thầy cô cũng cao hơn”, ông Ngai nói.
Thực tế cho thấy, học sinh từ các trường chất lượng cao cũng thường đạt thành tích nổi bật.
Năm ngoái, trường THCS Thanh Xuân có hơn 100 học sinh trúng tuyển lớp 10 chuyên, chiếm khoảng 30% tổng học sinh. Nhiều em khác cũng thi đỗ các trường THPT top đầu Hà Nội. Năm nay, trường THCS Cầu Giấy đã có 94 học sinh đỗ lớp 10 chuyên Sư phạm, 46 em đỗ chuyên Khoa học tự nhiên.
Trong các cuộc thi được Sở Giáo dục và Đào tạo tuyển chọn như Toán và Khoa học (IMSO), ngoài học sinh các trường tư thục nổi tiếng còn nhiều em từ trường chất lượng cao.
Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, nhận định thời gian qua, những trường chất lượng cao đã tạo được uy tín, có đóng góp nhất định trong lĩnh vực giáo dục, nên phụ huynh có nhu cầu cho con vào đây học là điều dễ hiểu.
Đồng tình với quan điểm này, nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục Nguyễn Thúy Phương Uyên cho rằng phụ huynh hiện nay có điều kiện tốt hơn thế hệ trước nên cũng muốn con được tiếp xúc với giáo dục chất lượng tốt hơn.
Các chuyên gia đều cho rằng trường chất lượng cao giúp đa dạng hóa mô hình trường lớp, đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm học sinh, do đó không nên đặt vấn đề “xóa sổ”.
“Cần làm như thế nào để trường chất lượng trở thành mô hình dẫn dắt, đảm bảo công bằng, tạo động lực tích cực cho học sinh và phụ huynh, đồng thời tránh những tác động xấu tới sự phát triển của trẻ em”, bà Thơ nói.
Cụ thể, theo bà Thơ, các trường chất lượng cao cần xác định được tiêu chuẩn học sinh của mình. Nếu cần học sinh khỏe mạnh, trường phải đưa ra tiêu chí tuyển sinh về sức khỏe; cũng như khi xác định tuyển học sinh giỏi Toán, tiêu chí xét tuyển cần có môn học này, thay vì sử dụng khái niệm “học sinh giỏi”. Một khi biết mình cần gì, các trường mới tìm được thang đánh giá phù hợp, từ đó xây dựng phương án tuyển sinh.
Sau sự việc phụ huynh chen lấn để nộp hồ sơ vào trường Tiểu học Vạn Bảo, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông, cho biết sẽ rút kinh nghiệm và thay đổi cách tuyển sinh. Các năm tới, trường Vạn Bảo có thể cho học sinh làm bài kiểm tra năng lực, hoặc tổ chức trải nghiệm, tương tự như các trường ngoài công lập.
“Chất lượng các trường không đều, hiển nhiên phụ huynh muốn chọn trường tốt hơn. Nhà quản lý phải giúp người học có nhiều lựa chọn hơn, giảm áp lực cho các trường chất lượng cao, còn các trường này phải chú trọng đổi mới, phát triển chất lượng thực sự”, bà Thơ nói, cho rằng đây là giải pháp để hạ nhiệt “cơn sốt” chất lượng cao,
Những điều này cần nhiều năm để thực hiện, nhưng nhu cầu của phụ huynh lại ngay trước mắt. Chị Huyền là một trong hàng chục phụ huynh có con bị loại hồ sơ vào lớp 6 trường Ams. Dù đã chấp nhận cho con học lớp chọn Toán của một trường công lập, chị vẫn nuôi “ước mơ Ams”.
“Không vào được cấp hai, con sẽ phấn đấu cấp ba. Dù gì tôi vẫn muốn cho con học trường chất lượng cao”, chị Huyền nói.
Thanh Hằng – Bình Minh