Gần 90% sinh viên có hành vi tự làm hại bản thân
Khoa Tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM vào năm 2023 công bố một nghiên cứu về sức khỏe tinh thần. Kết quả khảo sát với 465 sinh viên cho thấy, 77,4% có biểu hiện đau khổ tâm lý và 89,67% từng thực hiện ít nhất một hành vi tự làm hại bản thân như kéo/giật/bứt tóc, tự đánh/đập đầu mình hay tự cắn. Phần lớn hành vi tự hại đều nhằm mục đích giảm cảm giác trống rỗng hoặc tê liệt.
Nghiên cứu này cho thấy sinh viên đang gặp căng thẳng, khủng hoảng trong học tập và cuộc sống. Nhiều sinh viên kể lại, bạn bè mình hay chính bản thân từng gặp vấn đề sức khỏe tinh thần, có những suy nghĩ hay lời nói tiêu cực.
Điển hình như H.T (sinh viên đang học tập tại TP.HCM), có khoảng thời gian vì quá áp lực và căng thẳng, đã từng nhiều lần tự rạch tay bằng dao rọc giấy nhằm giải tỏa cảm xúc.
Hay như T.D (sinh viên Trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM) kể lại, một người bạn của nam sinh hiện là sinh viên năm 4 bị stress trầm trọng dẫn đến trầm cảm, từng có ý định dại dột, nhiều lần phải thăm khám ở bệnh viện tâm thần để được bác sĩ tư vấn và điều trị.
Trước thực trạng trên, H.N. (sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) chia sẻ, nhà trường nên truyền thông rộng rãi để khuyến khích sinh viên đến phòng tư vấn tâm lý khi gặp khó khăn. “Bên cạnh đó, nhà trường cần phải tạo một môi trường thoải mái giúp sinh viên cảm thấy an toàn hơn khi chia sẻ vấn đề của bản thân”, T.D (sinh viên Trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ.
Còn Minh Thư (sinh viên năm 3, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho hay, trường vừa khánh thành Trung tâm nghiên cứu khoa học hành vi (CBSR), chứng tỏ mối quan tâm đến sức khỏe tinh thần đang được củng cố và rất mong chờ những hoạt động nâng cao ý thức về sức khỏe tinh thần trong tương lai.
Biện pháp của các trường ĐH
Trả lời Báo Thanh Niên, thạc sĩ-nghiên cứu sinh Nhan Thị Lạc An, giảng viên khoa Tâm lý học, chuyên gia tại phòng tham vấn và trị liệu tâm lý Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết sức khỏe tinh thần cộng đồng đang là một vấn đề báo động, trong đó sinh viên là một trong các nhóm dễ bị tổn thương sức khỏe tinh thần nhất. Theo bà An, thiếu hiểu biết về sức khỏe tinh thần, thiếu các kỹ năng xoa dịu căng thẳng, thiếu nguồn lực hỗ trợ là những nguyên do khiến vấn đề sức khỏe tinh thần ở sinh viên trở nên nghiêm trọng.
“Vì vậy, việc nâng cao hiểu biết về sức khỏe tinh thần và đề xuất giải pháp hướng đến xoa dịu đau khổ tâm lý và phòng ngừa hành vi tự gây tổn thương cho sinh viên là rất cần thiết”, bà An cho hay.
Thạc sĩ Lạc An chia sẻ, tại trường, việc triển khai các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho sinh viên đã được thực hiện những năm gần đây như mô hình tham vấn tâm lý của khoa Công tác xã hội hay phòng tham vấn và trị liệu tâm lý của khoa Tâm lý học. Năm 2022, nhà trường thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe tinh thần để triển khai các chương trình, dự án, nghiên cứu trong lĩnh vực sức khỏe tinh thần hướng đến sinh viên KTX ĐH Quốc gia TP.HCM.
“Vào các tuần sinh hoạt đầu năm, tân sinh viên được dạy chuyên đề kỹ năng ứng phó với căng thẳng và khủng hoảng trong cuộc sống, nhưng thời lượng chỉ 2,5 giờ trực tuyến thì chưa đủ. Do đó, đề án ”Hỗ trợ sức khỏe tinh thần” dành cho các ngành được hỗ trợ tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM ra đời dựa trên thực tế rằng cần thực hiện một đề án chuyên sâu, tiến hành ở hình thức trực tiếp mặt đối mặt để hỗ trợ cho sinh viên”, bà An thông tin.
Theo bà An, đề án trên triển khai theo mô hình hỗ trợ tâm lý học đường đa tầng gồm các hoạt động: tọa đàm nâng cao hiểu biết và hỗ trợ sức khỏe tinh thần; sàng lọc các vấn đề sức khỏe tinh thần của sinh viên; huấn luyện kỹ năng sống phòng ngừa trầm cảm cho nhóm sinh viên; tham vấn tâm lý cá nhân hoặc nhóm; cẩm nang nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần dành cho sinh viên…
Sau cùng, thạc sĩ Nhan Thị Lạc An khuyên khi gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần, sinh viên nên tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ văn phòng tham vấn, thầy cô cố vấn ở các trường ĐH để được giúp đỡ.
Trong hội thảo quốc tế về tâm lý trường học lần thứ 7 tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM ngày 29.12.2023, thạc sĩ Nguyễn Thị Phương (giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, nhằm phát triển đời sống tinh thần tích cực cho sinh viên, trường đã có một số môn học như tư duy sáng tạo và khởi nghiệp, kỹ năng học tập thành công ở bậc ĐH…
Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức các buổi tọa đàm về sức khỏe tinh thần cho sinh viên hay một số hoạt động trải nghiệm vào ngày quốc tế hạnh phúc (20.3). Theo thạc sĩ Phương, kết quả thu về cho thấy, sinh viên có thể quản lý cảm xúc và đánh giá bản thân tốt hơn qua việc tham gia tọa đàm. Thông qua hoạt động tham vấn, thạc sĩ Phương cho hay, những vấn đề sinh viên thường gặp như các em năm 1 băn khoăn về việc thích ứng với môi trường ĐH, sinh viên năm 3-4 lo lắng về định hướng tương lai.